Tính lại phương án chặt hạ cây xanh để làm tuyến Metro số 2

0:00 / 0:00
0:00
Người dân mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp hạn chế tối đa việc đốn hạ cây xanh khi thực hiện dự án Metro số 2

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) vừa khởi công gói thầu Di dời cây xanh thuộc dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương (tuyến Metro số 2).

Cây sinh trưởng tốt vẫn đốn hạ

Ngày 19-4, phóng viên đến ghi nhận tình trạng cây xanh trên một số tuyến đường nằm trong dự án như Lê Lai, Phạm Hồng Thái (quận 1); Cách Mạng Tháng Tám, Lý Chính Thắng (quận 3); vòng xoay Dân Chủ; Ba Tháng Hai (quận 10)…

Tại đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), 9 cây xanh liên tiếp nhau nằm trong danh mục đốn hạ. Theo quan sát, các cây xanh này hiện vẫn sinh trưởng tốt với thân cây thẳng và tỏa bóng mát trên đường. Riêng cây số 14 với số quản lý 171 là cây nhỏ nhất, cũng đang sinh trưởng tốt nằm trong danh mục di dời, bứng dưỡng.

Tính lại phương án chặt hạ cây xanh để làm tuyến Metro số 2 ảnh 1

TP HCM rất cần phát triển các mảng xanh đô thị để cải thiện môi trường và nâng chất lượng sống của người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cách đó không xa, tại vòng xoay Dân Chủ có 5 cây xanh và đường Lý Chính Thắng có 1 cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án tuyến Metro số 2. Qua quan sát bằng mắt thường, các cây xanh này có thân nhỏ, cành lá ít sẽ bị đốn hạ khi thực hiện dự án. Còn tại đường Ba Tháng Hai (quận 10) có 5 cây xanh nằm trong danh mục đốn hạ. Qua quan sát, các cây này đều sinh trưởng tốt, thân thẳng và cao lớn tỏa bóng mát tối đa cho khu vực.

Bà Thái Thị Chi (58 tuổi, ngụ quận 10) bày tỏ sự ủng hộ thành phố trong việc xây dựng các công trình giao thông phục vụ người dân đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm việc củng cố lại mảng xanh vì cây cối rất quan trọng đối với con người và môi trường. "Nhà tôi đã gắn bó với bóng mát của các cây này lâu năm… nhưng vì lợi ích chung của người dân, của thành phố thì tôi vẫn ủng hộ việc đốn hạ. Tuy nhiên, tôi nghĩ với những cây xanh còn nhỏ, còn phát triển thì chỉ cần di dời và trồng lại để tạo mảng xanh. Thành phố càng nhiều mảng xanh thì càng tốt, có bóng mát, cản bụi…" - bà Chi nói.

Trên đường Lê Lai và Phạm Hồng Thái (quận 1) có nhiều cây xanh nằm trong danh mục đốn hạ, hiện các cây xanh này đều đang sinh trưởng tốt, ít cong vẹo và sâu bệnh. Các cây xanh tại đây đều xanh mướt, tạo mảng xanh tốt cho khu vực và góp phần nâng cao mỹ quan đô thị.

Anh Trần Hữu Thời (ngụ quận 1) kể mỗi buổi sáng anh đều đi bộ tập thể dục qua đường Lê Lai. Cây xanh giúp nơi đây thêm mát, mọi người đi dưới tán cây như được thư giãn. Việc đốn hạ cây để giúp thi công tuyến Metro số 2 anh vẫn ủng hộ nhưng cần có sự thấu đáo trong gây dựng mảng xanh đô thị.

Chỉ 10% được giữ lại

Theo thống kê có tổng cộng 453 cây xanh hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dự án tuyến Metro số 2. Trong đó, có 449 cây xanh do Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP HCM quản lý. Còn lại 4 cây xanh do quận 10 quản lý. Các cây xanh này nằm trên các tuyến đường Lê Lai, Trương Định, Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh và thuộc quận 1, 3, 10, Tân Bình và Tân Phú. Trong tổng số 453 cây xanh bị ảnh hưởng có 404 cây sẽ bị đốn hạ, 49 cây còn lại sẽ được di dời.

Tính lại phương án chặt hạ cây xanh để làm tuyến Metro số 2 ảnh 2

Hàng cây này trên đường Cách Mạng Tháng Tám sẽ bị đốn hạ khi triển khai dự án Metro số 2. Ảnh: ÁI MY

Gói thầu này được thực hiện qua 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 sẽ di dời hoặc đốn hạ các cây xanh nằm trong phui đào thi công hạ tầng kỹ thuật. Các cây xanh còn lại trong ranh và ngoài ranh sẽ có phương án bảo vệ và được chấp thuận trước khi thi công. Ở giai đoạn 2, trước khi thi công nhà ga chính, toàn bộ cây xanh trong phạm vị ranh thu hồi đất sẽ bị đốn hạ hoặc di dời, các cây xanh không thuộc ranh thu hồi sẽ có phương án bảo vệ.

Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đã được phê duyệt, việc xử lý cây xanh đô thị nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án tuyến Metro số 2 tuân thủ theo Văn bản số 3421/UBND-ĐT ngày 5-9-2020 của UBND TP HCM về hướng dẫn xử lý cây xanh bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng công trình trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 2 hình thức xử lý chính bao gồm di dời (bứng dưỡng) và đốn hạ. Hai hình thức này phải bảo đảm yêu cầu cây có tỉ lệ sống cao sau khi di dời; an toàn trong quá trình thi công đốn hạ hoặc bứng dưỡng; tiết kiệm chi phí cho công trình.

Các cây phải đốn hạ dựa vào tiêu chí: là các cây thuộc danh mục cây xanh cấm trồng theo quy định; cây loại 2 và 3; cây có phẩm chất C (cây sinh trưởng phát triển kém). Còn cây bứng dưỡng dựa vào các tiêu chí: cây xanh loại 1 phẩm chất tốt; đường kính cây xanh nhỏ nhằm bảo đảm cây xanh có khả năng phục hồi cao, thuận tiện trong việc bứng dưỡng, trồng lại; phương tiện, thiết bị, nhân lực hiện tại để thực hiện công tác bứng di dời, vận chuyển, dưỡng, trồng lại cây xanh phải đầy đủ, khả thi nhằm bảo đảm mục tiêu mỹ quan và an toàn lâu dài.

Sẽ cập nhật lại phương án

Lý giải nguyên nhân của việc sẽ đốn hạ hơn 90% cây xanh bị ảnh hưởng, đại diện lãnh đạo MAUR cho biết qua thực tiễn cho thấy việc bứng dưỡng cây xanh để trồng lại có tỉ lệ sống rất thấp. Vì trước khi bứng phải thực hiện cắt tán nên khả năng phục hồi cành tán là rất kém, khả năng chết là rất cao. Trong khi chi phí cho công tác bảo dưỡng rất lớn, không hiệu quả về mọi mặt.

Quá trình bứng cây có kích thước lớn phải khoanh bầu, cắt nhiều rễ nên khi trồng lại phải được gia cố, giằng chống bằng dây cáp, cọc. Tuy nhiên, do khả năng phát triển lại hệ rễ là rất kém nên không thể tháo cáp, nọc chống trong quá trình duy trì tại vị trí trồng. Việc gia cố, giằng chống này gây bất lợi cho sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến cảnh quan chung của công viên nơi được bố trí trồng lại. Việc bứng, di dời và trồng lại cây có kích thước lớn cũng không bảo đảm an toàn. Khả năng tái tạo lại rễ như cũ là không thể nên không thể đưa ra trồng trên đường phố vì nguy cơ ngã đổ rất cao.

Vị đại diện này cũng cho biết trong quá trình triển khai thi công thực tế, MAUR sẽ chú trọng, ưu tiên thực hiện phương án bứng dưỡng, hạn chế tối đa việc đốn hạ cây xanh. "Thời gian tới, khi triển khai gói thầu, MAUR sẽ tiếp tục cập nhật, khảo sát các đơn vị có nhu cầu trồng lại cây xanh. So với thời gian xây dựng kế hoạch thì hiện tại đã có thêm nhiều đơn vị tiếp nhận cây xanh. Trong tương lai, TP HCM cũng sẽ hình thành nhiều công viên mới và các khu vực thích hợp. Khi đó, lượng cây xanh được bứng dưỡng sẽ tăng, cây xanh bị đốn hạ sẽ giảm xuống" - đại diện lãnh đạo MAUR thông tin.

"Quy trình xây dựng phương án xử lý cây xanh được đơn vị thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Cụ thể, MAUR có đơn vị tư vấn thiết kế; làm việc với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng); lấy ý kiến phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM; gửi công văn đến các đơn vị có khả năng tiếp nhận cây xanh…" - đại diện lãnh đạo MAUR khẳng định.

Chi phí bứng để dưỡng rất cao!

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ công tác trong ngành cây xanh thừa nhận số lượng cây xanh đốn hạ bởi dự án tuyến Metro số 2 là rất lớn. Tuy nhiên, cần phải có đánh giá, phân loại kỹ càng để xác định cây nào nên đốn hạ, cây nào nên bứng, dưỡng. Chi phí để nuôi dưỡng một cây xanh được bứng từ vị trí này sang trồng ở vị trí khác rất cao.

Tái bố trí cây xanh, mảng xanh

Đại diện lãnh đạo MAUR cho biết, việc thiết kế tái bố trí cây xanh, mảng xanh sẽ được thực hiện trong dự án "Giao thông đô thị bền vững cho tuyến Metro số 2 TP HCM". Phương án trồng mới cây xanh sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất việc thi công nhà ga với phương châm khoa học, đồng bộ, phát triển và đẹp hơn so với hiện nay. Phương án trồng mới cây xanh trong giai đoạn sau sẽ bảo đảm tổng diện tích tán cây trồng mới phải lớn hơn hoặc bằng tổng diện tích tán cây hiện hữu đốn hạ hoặc di dời.

Theo Người Lao động
MỚI - NÓNG