Tình không biên giới

Các bản Việt - Lào nằm sát bên nhau
Các bản Việt - Lào nằm sát bên nhau
TP - Trên lằn ranh giới Việt - Lào cung đoạn huyện Kà Lừm (Sê Koong) có nhiều bản Lào và Việt nằm sát vách nhau. Xen lẫn đó là những câu chuyện tình xuyên biên giới.

> Kỳ 3: Ka Lô - Bản thuốc lào
> Kỳ 2: Dọc Kà Lừm
> Kỳ 1: Anoonh - như phố giữa rừng già 

Các y bác sĩ chăm sóc cho bà A lăng Nghiếc ở TT Y tế Tây Giang Ảnh: Nam Cường
Các y bác sĩ chăm sóc cho bà A lăng Nghiếc ở TT Y tế Tây Giang.
Ảnh: Nam Cường.

Bản A Tu (xã Ch’ơm) chỉ cách bản gần nhất của Kà Lừm là Banon chưa đầy hai tiếng đi bộ. Cùng sống chung trên lằn ranh biên giới nên dường như bà con hai bản không có sự phân biệt Việt - Lào.

A lăng Diếc - một cụ già của bản A Tu đã 75 năm sống và chứng kiến đổi thay ở miền biên ải, móm mém: Người Lào hay người Việt thì cũng thế, cùng uống chung dòng nước mát đại ngàn, cùng nghe chung một tiếng vượn kêu, chim hót, cùng hít thở sương sớm của rừng thẳm Trường Sơn.

Bà con ở đây không phân biệt dân tộc nữa, đều là anh em cả. Đồn trưởng đồn biên phòng 651 Vương Đăng Vinh cho hay ở các xã Gary, Ch’ơm hay Axan, người dân Lào đều có tên Việt và ngược lại.

Anh Ploong Blich (bản A Tu) không giấu niềm vui sướng khi lần đầu tiên được tâm sự với tôi về chuyện tình giữa anh với A lăng Nghiêu - một cô gái Lào chính hiệu ở bản Banon. A lăng Nghiêu là tên Cơ Tu mà anh Blich đặt tên cho vợ mình, còn lúc ở Lào, chị Nghiêu có tên Cong Viêng.

Các bản Việt - Lào nằm sát bên nhau
Các bản Việt - Lào nằm sát bên nhau.

“Vợ chồng mình cưới nhau tính đến nay đã hơn 20 mùa trăng và là một trong những cặp vợ chồng Việt - Lào cưới nhau đầu tiên ở miền biên giới Tây Giang. Bây giờ mình có 4 đứa con rồi” - Blich cười. Ngày chúng tôi đến A Tu, A lăng Nghiêu về A Xan bán chuối. Vườn chuối nhà anh Blich đang mùa thu hoạch, nặng trĩu từng nải sà xuống cả mặt đất.

Blich nhớ lại, lần anh gặp cô gái Lào Cong Viêng cách đây đã 25 năm. Hồi đó, cô gái Cong Viêng mới 17 tuổi, thường xuyên gùi hàng sang từ Banon sang A Tu bán. Nói là bán, nhưng thực ra Cong Viêng đem chuối sang đổi muối, kim chỉ về cho dân bản.

A lăng Blich thấy cô gái Lào chăm chỉ nên đã theo về Banon, vào tận làng xin được cưới cô về làm vợ. Năm 1989, lễ cưới đơn giản của A lăng Blich và Cong Viêng là sự kiện của hai bản Lào - Việt ở xã Ch’ơm. Người dân cả bản vui mừng, mổ lợn gà ăn uống suốt 2 ngày đêm. Cả bản kéo nhau sang Banon rước cô dâu người Lào về cho A lăng Blich.

Tiếng là cô dâu ngoại, rồi đám cưới giữa hai người hai quốc tịch khác nhau, nhưng cô gái xinh đẹp Cong Viêng thì bà con ở A Tu quen lắm, bởi cô cứ một tháng đôi lần lại cõng hàng sang bán. Còn những cán bộ chiến sĩ biên phòng miền biên ải Tây Giang cũng vui không kém.

Các chiến sĩ BP 651 đi tuần tra biên giới
Các chiến sĩ BP 651 đi tuần tra biên giới .

Người dân hai nước kết hôn với nhau, vốn dĩ đã có truyền thống đoàn kết tốt đẹp từ trước, giờ đây lại về sống chung một nhà. Đúng là không có niềm vui nào hơn. Sau lễ cưới Blich đặt tên cho vợ là A lăng Nghiêu. Và cũng kể từ đó, nhiều cặp vợ chồng Việt - Lào và ngược lại bắt đầu về chung sống với nhau, mỗi người đều có hai tên.

Ploong Blich cùng đi với chúng tôi về Trung tâm y tế huyện Tây Giang để thăm chị vợ là A lăng Nghiếc đang điều trị bệnh đau dạ dày. Đầu năm, các bác sĩ ở trạm quân dân y Đồn biên phòng ở xã A Xan đã phải dùng cáng khiêng bà Nghiếc từ Banon xuống A Xan, mất gần một buổi đi bộ vì bệnh dạ dày mãn tính của bà liên tục tái phát.

Một số phụ nữ Lào đã mang họ của người Cơ Tu
Một số phụ nữ Lào đã mang họ của người Cơ Tu .

Bà Nghiếc là bệnh nhân người Lào đầu tiên trong năm mới của Trung tâm y tế Tây Giang. Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - GĐ Trung tâm xoè tay nhẩm đếm, độ khoảng 5 năm trở lại đây, có khoảng 50 ca bệnh nhân Lào được cấp cứu ở trung tâm. “Đa phần bệnh nhân Lào bị bệnh dạ dày, thi thoảng có vài ca cấp cứu vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, những phần việc đó đã được anh em ở A Xan gánh vác hết rồi” - bác sĩ Thông kể.

Với vị bác sĩ đã 20 năm gắn bó với vùng biên viễn Tây Giang, không gì khổ hơn là trở ngại về đường đi. Với những bệnh nhân Lào ở Kà Lừm thì đó lại càng là vấn đề nan giải. Từ các bản ở Kà Lừm phải khiêng bệnh nhân đi bộ bằng cáng về A Xan, nếu trời nắng ráo có thể cho xe Uaz lên đón, bằng không trời mưa, chỉ còn nước bì bõm vượt rừng lội bộ từ khu 7 đưa về xã Lăng, là trung tâm huyện lỵ.

Anh Thông còn nhớ như in sau cơn bão số 9 năm 2009, toàn bộ khu 7 vùng cao Tây Giang bị cô lập bởi các tuyến đường liên huyện đều sạt lở. Giữa lúc đó, anh Cong Xa Vây là bệnh nhân Lào bị đau ruột thừa cấp tính, từ cụm bản Tà Vàng về tới A Xan mất gần 2 ngày, sau đó anh em chiến sĩ ở đồn biên phòng 649 bất chấp đường trơn lầy lội, khiêng bệnh nhân đi ngay trong đêm về Trung tâm.

“Lần đó, chỉ chậm chút nữa thôi là rất nguy hiểm, chỉ về được đến đây chúng tôi mới có thể mổ được. Còn không thì e là nguy đến tính mạng” - bác sĩ Thông kể. Y sĩ Ploong Nhớ trước kia từng công tác ở A Xan nhớ lại không biết bao nhiêu lần anh đi bộ xuyên rừng, đưa bệnh nhân về trung tâm. “Mình cũng là người dân tộc, ăn gạo ba trăng của bà con mà được đi học cái chữ. Phải dốc hết sức cứu chữa cho bà con thôi”.

Năm 1989, lễ cưới đơn giản của A lăng Blich và Cong Viêng là sự kiện của hai bản Lào - Việt ở xã Ch’ơm. Người dân cả bản vui mừng, mổ lợn gà ăn uống suốt 2 ngày đêm. Cả bản kéo nhau sang Banon rước cô dâu người Lào về cho A lăng Blich. 

Con gái Alăng Nghiếc là Coong Keo đang học dở lớp 9 ở trường Sê Koong đành phải tạm bỏ học xuống Trung tâm chăm sóc mẹ. Coong Keo tuy học ở Sê Koong nhưng là người Banon nên cũng lấy họ người Cơ Tu, với cái tên Lào - Việt song hành: Zơrâm Keo. Zơrâm Keo lo lắng: Mẹ nằm ở đây hơn 10 ngày nay rồi. Không biết lúc nào thì được xuất viện, con suốt ruột lắm.

Bài vở bỏ bê cả, may mà các bác, các cô chú ở đây luôn chăm sóc động viên, không em buồn lắm. Bố Zơrâm Keo là Zơrâm Khăm Phiên ở Banon cũng đang bị bệnh dạ dày giống vợ nhưng nhẹ hơn nên được ở nhà. Cả hai vợ chồng cùng bị bệnh mãn tính, đau yếu thường xuyên nên việc nương rẫy giao hết cho 2 cô gái lớn Zơrâm Xuly và Mit đa.

Làm rẫy nhiều mà bố mẹ bị ốm, cả Xuly cùng Mit đa đồng loạt bỏ học nhưng vẫn không kham nổi. Zơrâm Keo kể: “Mấy mùa rẫy liền nhờ có dượng Ploong Blich và nhiều bà con dân bản A Tu sang giúp đỡ nên nhà cũng có cái ăn. Giờ chỉ cầu cho mẹ chóng khỏe là hai mẹ con về bản ngay”.

Bác sĩ Hà Đức Thiện (khoa Nội - Nhi - Lây), người trực tiếp điều trị cho bà A lăng Nghiếc, bày tỏ: Đa phần bà con dân tộc Lào ở Kà Lừm xuống đây chữa trị đều mắc bệnh mãn tính. Ở đây chúng tôi miễn phí tiền thuốc men, chữa trị cho họ. Đó vừa là chủ trương nhưng cũng là một sự thể hiện tình cảm đoàn kết dân tộc anh em Lào - Việt.

Bà A lăng Nghiếc không biết nói tiếng Việt, ngoài tiếng Lào, bà chỉ nói tiếng Cơ Tu rất sõi. Nhưng khi cô y tá xinh đẹp Nguyễn Thị Vân hướng dẫn tiêm thuốc rồi dặn dò, có vẻ như bà rất hiểu. Cô y tá Nguyễn Thị Vân người Kinh, mới từ Tam Kỳ lên chưa được 1 năm và cũng chưa biết tiếng Cơ Tu. Nhưng có hề chi, khi cô chăm sóc bà Nghiếc bằng cả tấm lòng.

Tình thương vượt qua sự bất đồng ngôn ngữ. Đó là những thứ tình không biên giới, không lằn ranh nào có thể xóa bỏ được. Những tia nắng mới biên thuỳ chiếu qua cửa sổ, làm sáng bừng cả căn phòng, sáng bừng cả một miền biên cương đang thay da đổi thịt...

Tây Giang tháng 2 - 2011

Nam Cường

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.