Tỉnh Bình Dương phế lò gạch Hoffman: Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Một cơ sở sản xuất gạch Hoffman trước ngày đóng cửa
Một cơ sở sản xuất gạch Hoffman trước ngày đóng cửa
TPO - Bị chính quyền yêu cầu chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman cái tiến, các chủ cơ sở sản xuất làm đơn khiếu nại, cho rằng chính quyền áp dụng sai luật. Vụ việc được báo cáo lên Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc.

Theo đơn khiếu nại của một số hộ sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương, việc chính quyền yêu cầu phá dỡ các cơ sở sản xuất lò gạch này đã không đi đúng hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng theo Quyết định 1469/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, chưa có quy định nào của cấp có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hoạt động, hoặc lộ trình chấm dứt hoạt động của lò Hoffman cải tiến, sử dụng nhiên liệu đốt là phụ phẩm nông nghiệp (vỏ cà phê, hạt điều, trấu…). Đồng thời, chưa có phương án, kế hoạch, lộ trình và giải pháp cụ thể để chuyển đổi nghề nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho các cơ sở sản xuất gạch và cuộc sống của người lao động.

Cũng theo trình bày của các hộ sản xuất, trong khi họ đang chờ giải quyết khiếu nại, UBND tỉnh Bình Dương lại tiếp tục ban hành văn bản cưỡng chế các cơ sở sản xuất gạch trên.

Ngày 22/10, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, việc phá dỡ các lò gạch thủ công là chủ trương đã được áp dụng từ rất lâu, được đông đảo hộ sản xuất đồng tình.

Trả lời câu hỏi của PV về việc, khi phá dỡ quá sớm, các chủ sản xuất kinh doanh chưa đủ thời gian để hoàn vốn, dẫn đến nguy cơ phá sản, ông Nam cho hay: “Chúng tôi đã tính toán rất kỹ tình huống này, và nhiều lần gia hạn cho các hộ sản xuất".

Cũng theo ông Nam, sáng 22/10, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã báo cáo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc. Theo đó, phía tỉnh nhất trí theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ về việc lập đoàn kiểm tra để xem xét vụ việc. Được biết, sắp tới Đoàn kiểm tra do Thanh tra Chỉnh phủ chủ trì sẽ kiểm tra việc thực hiện chủ trương của UBND tỉnh và giải quyết khiếu nại.

Liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Chủ tịch tỉnh Bình Dương cho rằng, định hướng này có sau câu chuyện của địa phương, bởi Bình Dương đã triển khai trước đó nhiều năm.

MỚI - NÓNG