“Tinh anh” thầy Phúc còn đây!

“Tinh anh” thầy Phúc còn đây!
TP - Nhà Hà Nội học, Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc vừa qua đời đầu năm âm lịch, thọ 86 tuổi. Nhưng ông thuộc trong số những con người hiếm hoi còn sống mãi trong tâm trí các thế hệ sau. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Đà Linh Nguyễn Đức Hùng- một học trò của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nhân dịp sắp 49 ngày ông ra đi.

> Vừa khép lại pho từ điển sống về Hà Nội

Thầy ra đi nhẹ nhàng quá… Nhiều học trò không hay biết... cho đến khi, nhận dòng nhắn tin trên máy. “Nhà Hà Nội học đã mất hồi 3h15’ sáng nay - ngày 28 tháng 1 năm 2012”.

Đầu năm Nhâm Thìn hẫng hụt, có một khoảng trống trong tôi. Rồi Thầy hiện ra với nụ cười hiền hậu, tay thầy đưa lên chỉnh gọng kính vô thức.

Tôi ở khá xa, nơi phát dòng nhắn tin ấy. Và, không thấy một dấu hiệu nào trong tôi về sự ra đi này...

Hằng năm, Ngày Nhà giáo, ngày Tết, tôi có gọi điện, hoặc đến thăm Thầy, và Thầy, cũng nhiều lần gọi điện vào Đà Nẵng hỏi thăm tôi và mọi người trong nhà, nhất là sức khỏe của má tôi.

Tình cảm Thầy trò theo năm tháng đã thực sự là tài sản tinh thần đặc biệt trong tôi. Tôi vẫn thấy Thầy bước xuống nhẹ nhàng, từng bậc từng bậc, giữa những chồng sách chất đầy cứng hai bên bậc lên xuống vốn nhỏ hẹp, tại 72 Ngô Quyền...

Được chuyển thẳng từ Trường cấp II Trưng Vương A, vào Trường cấp III Hà Nội B (tức Trường Lý Thường Kiệt, Việt - Đức ngày nay), tôi may mắn được vào lớp H, mà Thầy là giáo viên dạy văn, suốt những năm cấp III ( 1972 - 1975).

Những tiết giảng của Thầy bao giờ cũng đặc biệt, hình như không bao giờ Thầy kiểm tra sĩ số, nhưng lớp học luôn đầy đủ. Những học sinh cá biệt cũng không “bát tiết” trong giờ của Thầy.

Cái uy, phong thái, sự lôi cuốn toát ra từ Thầy thật mạnh mẽ, ngay cả khi thầy nói nhỏ nhẹ cũng như dí dỏm. Thầy rất hay dí dỏm, kể cả khi chấm bài, trả bài cho học sinh.

Tôi nhớ, có lần cả lớp cứ hồi hộp chờ Thầy trả bài tập làm văn từ tuần trước, nhiều người nôn nao... khi kết thúc giờ giảng, Thầy chuẩn bị đưa tài liệu vào cặp, bỗng nhiều tiếng nói cất lên “Thưa Thầy, khi nào Thầy trả bài kiểm tra ạ?”.

Trước khi bước ra khỏi lớp, Thầy nhìn khắp lượt, nở nụ cười dí dỏm và hiền hậu “Hạnh phúc nằm trong sự đợi chờ!”, nói xong, Thầy bước ra khỏi lớp. Khi trả bài, quả không ai “bất hạnh”, mỗi trò đều có lời phê nhắc nhở chu đáo.

Nếu coi văn là người, thì có thể coi tập làm văn, là một trong những bước tập làm người. Thầy vì thế, còn được coi là Nhà đạo đức học
thực hành.

Đặc biệt - đúng là hai chữ thường dùng để nói về những tiết giảng của Thầy. Thầy mở rộng giáo án đến ngạc nhiên, bởi nhiều kiến thức không có trong SGK, không có trong những ghi chú quá cô đọng đến hời hợt.

Hầu hết, lần đầu tiên chúng tôi được nghe, được hiểu, Thầy cho chúng tôi bay bổng, và cũng không quên, nhấn mạnh tinh thần chính. Có lẽ lớp H chúng tôi là lớp chọn từ đầu vào (học sinh phải đạt A3 trở lên từ cấp II), nên được Thầy giảng chính.

Nhiều tiết học, chúng tôi phải tự đôn lên, để 3 dãy bàn phía cuối dành cho các giáo viên trong ngành, trong thành phố, sở giáo dục... dự giờ, dự và nghe giảng suốt các tiết học.

Hóa ra, không chỉ chúng tôi chăm chú lắng nghe, mà chính các thầy cô, trưởng bộ môn... các trường còn lắng nghe chăm chú hơn chúng tôi.

Tôi nhớ, những giờ giảng Thề non nước của Tản Đà, có thầy cô dự giờ, đến khi giải lao, còn không muốn rời ghế, muốn tiết sau đến sớm hơn, để lại được nghe những lời Thầy...

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi về Quảng Nam Đà Nẵng công tác, và liền đó là gần 3 năm quân ngũ, ra quân với bản thảo truyện vừa đầu tay hoàn thành tháng 11/1984(1), trong một phòng vệ sinh của khu gia binh, thuộc Quân khu V(2).

Khi xuất bản, nó được đánh giá là “Quyển sách của tình yêu”. Đúng thế, trong đó có tình yêu kính Thầy tôi - Nguyễn Vinh Phúc.

Thầy là “quyển từ điển lớn” của chúng tôi, và trong hành trang của người lính là tôi, hồi đó cũng có một “từ điển nhỏ”, mà những tiết của Thầy được in đậm. Đã có lúc nghĩ đến Thầy, tôi lại nhớ đến ông Men-đen, người bán sách cũ trong Ngõ hẻm dưới ánh trăng; cũng có lúc chợt liên tưởng tới cốt cách một Chu Văn An thời nay, hay ông Sa-mét gom nhặt bụi quý, để đúc nên Bông hồng vàng dành cho chúng tôi (3)... Thầy đã giúp trí tưởng tượng của chúng tôi bay xa hơn.

Có một điều, mà rất ít bạn bè cùng lớp biết được, là Thầy rất quan tâm, quý tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, “đẻ giữa Tháp Rùa”! Có bạn đã nói vui vậy. Nhưng quê tôi lại ở nơi được mệnh danh “đi đầu diệt Mỹ”, tôi thuộc diện học sinh con em miền Nam, Cục I quản lý.

Nghĩa là, cũng đếm đầu ngón tay học sinh thuộc diện này ở trường. Bằng cách nào đó, Thầy biết về từng học trò. Và khi biết trò “miền Nam”, Thầy luôn dành một tình cảm đặc biệt, quan tâm một cách âm thầm.

Dần dà, cho đến nhiều năm sau, tôi mới nhận ra, trong Thầy, luôn có một tình cảm đặc biệt lớn lao dành cho miền Nam, và vào những năm tháng đất nước chia cắt ấy, tình cảm ấy đã bộc lộ thật mãnh liệt, và tôi hiểu thêm tại sao Thầy giảng những bài văn đề tài miền Nam thật lôi cuốn.

Khi bom đạn còn lơ lửng trên đầu, tàn phá cả các nơi sơ tán, bệnh viện, trường học, khu dân cư... “Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến vậy không?”... “Gió se lạnh, thoang thoảng hương lúa lên đòng, thơm như sữa một người mẹ trẻ”... “điều lớn lao đẹp đẽ nhất là chúng ta đã học hiểu thêm về chính chúng ta”... Thầy trích và giảng về tùy bút đặc sắc của Nguyễn Trung Thành, một tác giả “Miền Nam”.

Tùy bút ấy, như một tiểu luận, có tên Đường chúng ta đi, và qua Thầy, chúng tôi được biết khá cặn kẽ, đó chính là nhà văn tài năng Nguyên Ngọc, tác giả của Đất nước đứng lên...

Hầu như chúng tôi chưa kịp nhận ra, những năm tháng đó, khi đất nước chia cắt, đã được một Nhà Hà Nội học, một Nhà Văn hóa, am tường văn-sử-địa truyền thụ.

Khi đó Thầy đã có những công trình nghiên cứu được xuất bản, thu hút được sự quan tâm rộng rãi, trên lớp Thầy không bao giờ nói về những công trình, cuốn sách của mình.

Thầy vốn đã tâm niệm, với nghề dạy học, thì công trình lớn nhất, chính là học trò nên Người. Có lần Thầy đã tâm sự: Giáo dục Phổ thông là nền tảng quan trọng nhất.

Trùng với suy nghĩ của Thầy, cũng có một ông thầy, một Nhà Quảng học ở Quảng Nam, còn nhấn mạnh thêm: Quan trọng nhất là giáo dục Tiểu học. Có thể tôi còn sót gì đó trong câu nói của các Thầy, nhưng tinh thần là như vậy.

Nhà Quảng học ấy, với tôi, có tình vong niên. Ông là Nguyễn Văn Xuân. Và thế hệ 4X, 5X trở về sau, ở Quảng Nam Đà Nẵng thường xưng Thầy. Tôi biết ông, bắt đầu từ cuối 1984, khi rời quân ngũ, về công tác tại một nhà xuất bản.

Gần 20 năm sau, khi đã đến tuổi thượng thọ, ông góp lại những sáng tác, nghiên cứu của mình, và khá bất ngờ, ông muốn tôi viết lời tựa cho tuyển tập này. Và, tôi đã có một bài thay lời tựa “Một con người, từ một ngôi làng” (4) .

Nhà Quảng học, nhà văn Nguyễn Văn Xuân, lại là một tình tự riêng. Có lần nhà văn Tô Hoài (một người thâm giao, tri âm với Thầy Phúc), người mà tôi cũng đã được nghe ông giảng và nói chuyện tại Trường Hà Nội B, tại giảng đường lớn những năm 70 ấy.

Ông có gọi qua cho tôi, để liên hệ với nhà văn Nguyễn Văn Xuân, người đã có những truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ 7, với ông, đầu những năm 40.

Nhà văn Tô Hoài cũng là một người Thầy về Hà Nội, Tây Bắc, ông viết nhiều trang văn “chân chất và tinh diệu”, như GS Hoàng Ngọc Hiến đã từng thốt lên.

Nhà văn Tô Hoài đã gửi thư và tài liệu đến Nhà Quảng học qua tôi. Nhà văn Tô Hoài, một người thật chu đáo đến tỉ mỉ, chi tiết.

Nhà Quảng học không giấu được nỗi xúc động, trước cử chỉ của ông bạn già, mà ông trọng thị. Đã hơn 60 năm ư? Với Nhà Quảng học như mới hôm qua!

Đặc sản Quảng Nam Đà Nẵng? Để mai vậy - Nhà văn Tô Hoài nói, hôm nay, cho mình đến thăm ông Nguyễn Văn Xuân.

Đặc sản Quảng Nam - Đà Nẵng? Vâng, em chọn đặc sản mềm, dễ ăn - tôi nói (vì biết Thầy răng yếu) - hôm nay Thầy sẽ gặp một Nhà Quảng học.

Thế là Thầy Phúc, Thầy Xuân và tôi có một chuyến đi Hội An thật đáng nhớ. Chưa từng đặt chân đến Hội An trước đó, nhưng từng viên gạch, góc phố, từng sắc phong, di chỉ, bia ký (với các ngữ hán, pháp)...

Thầy Phúc đều am tường ngọn ngành, như Hội An, như miền Nam vẫn sống trong Thầy! Và giờ đây, Nhà Hà Nội học sẽ có nhiều thời giờ bên Nhà Quảng học. Có thể họ tiếp tục câu chuyện về văn hóa - lịch sử, về giáo dục...

Tôi đã lạm ít dòng ngoài “tiết học”, nhưng, trong tôi hình ảnh những người Thầy này đã kết tầng, tự vươn lên với sức vóc của Cổ thụ, Đại ngàn.

Rễ bám sâu vào từng nết đất, tính người, trên mọi nẻo vùng miền của quê hương đất nước. Họ đều là những tấm gương về sự Tự học mà tựu thành.

Trong bài giảng, trong tác phẩm công trình, trong trái tim khối óc họ, rợp một thứ bóng mát dễ chịu, phả lên cuộc sống, giữ màu xanh cho đất đai sông núi, biển đảo.

Danh xưng Nhà Hà Nội học, Quảng Nam học, Nam bộ học, Tây Nguyên học... là do nhân dân ghi nhận những người Thầy, như: Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Văn Xuân, Tô Hoài, Sơn Nam, Nguyên Ngọc...Nói như cụ Phan Châu Trinh, họ là những người mang sứ mệnh “Khai dân trí”.

Nước kia dù hãy còn đi,

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Giọng Thầy vẫn ngân rung
trong tôi.

Thân xác ra đi nhẹ nhàng là thế. “Tinh anh” Thầy Nguyễn Vinh Phúc còn đây!

Đà Nẵng, Ngày 3-2-2012

(1). Giấc mơ dòng sông, truyện vừa, Hội VHNT QNĐN 1988, NXB Kim Đồng 2007.

(2). Quy định 21 giờ, doanh trại tắt đèn.

(3). Tên các nhân vật, tác phẩm của Stephan Zweig, Pautovxki.

(4). Lời giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 2002.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG