ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Có nhiều kênh để đánh giá
Việc đánh giá của các đại biểu đối với các chức danh này không chỉ dựa trên cơ sở báo cáo cá nhân của các thành viên đó, mà dựa trên toàn bộ những vấn đề giám sát. Chúng tôi có rất nhiều cơ hội để giám sát, nhiều thông tin qua công luận, báo chí, ý kiến cử tri và trực tiếp giám sát ở tất cả các nơi. Như cá nhân tôi đi rất nhiều nơi nên tôi sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
Thông qua việc lấy phiếu sẽ thể hiện rất rõ mức độ tín nhiệm với từng chức danh, bản thân người được lấy phiếu phải đánh giá lại mình.
Đây cũng là dịp để nhân dân, các cơ quan lãnh đạo của Đảng biết được người mà Đảng giới thiệu sang làm nhiệm vụ Nhà nước có đảm bảo đầy đủ phẩm chất và năng lực không? Có nên để họ tiếp tục giữ trọng trách đó không?
ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Ít người đề cập về tài sản của mình
Thứ nữa liên quan đến việc kê khai tài sản, có điều gì bất thường không? Mức sống có quá xa cách với người dân trong bối cảnh dân của mình còn khổ? Đặc biệt là việc liên quan tới thu nhập, tài sản, có vượt quá mức xứng đáng được nhận không? Việc này nhân dân cũng theo dõi, do đó việc giải trình rất quan trọng, tạo điều kiện cho 48 người được lấy phiếu tín nhiệm có điều kiện trình bày.
Nhưng tôi chưa thấy có sự trình bày cụ thể về vấn đề này. Bản kiểm điểm của những người lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới các đại biểu, nhưng trong đó ít người nói tới vấn đề tài sản. Do vậy, nếu có chất vấn về tài sản thì phải trả lời.
Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy: Trách nhiệm của ĐBQH đặt lên hàng đầu
Căn cứ để đưa ra mức độ tín nhiệm, trước hết là dựa trên nền kết quả chung của tình hình phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước để nhìn nhận, đánh giá. Cụ thể nhất là căn cứ vào chuyển biến của từng lĩnh vực mà người đó phụ trách. Qua kênh tiếp xúc cử tri, nếu có các vụ việc nổi lên, ĐBQH sẽ căn cứ vào đó để suy nghĩ, phân tích, sàng lọc. Rồi những thông tin phản ánh trên báo chí cũng là cơ sở để ĐBQH tham khảo đưa ra quyết định…
ĐBQH có trách nhiệm sàng lọc, đánh giá thông tin khách quan, công tâm, công bằng để lá phiếu của mình thể hiện đúng thực chất hiệu quả công việc của người được lấy phiếu, đáp ứng được kỳ vọng của Quốc hội, của cử tri cả nước.
Người bị quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp có thể xin từ chức
Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm có 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Trên phiếu ghi họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, các mức độ tín nhiệm. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Lấy phiếu với ba mức là để “đánh giá mức độ tín nhiệm”, còn khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm thì sẽ chỉ có hai mức: Tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.
Hà Nhân
Hôm nay (25/10), Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm được quy định với ba mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công bố ngay trong chiều nay.