Tin và yêu với “Mãi còn tin yêu”

Tin và yêu với “Mãi còn tin yêu”
TP - Với anh Vũ Mão, từ nhạc đến thơ đến ký mà hạt nhân làm nên bộ mặt tinh thần của các tác phẩm là tin yêu - Mãi còn tin yêu, tôi tin và giữ Mãi còn tin yêu nơi anh.
Tin và yêu với “Mãi còn tin yêu” ảnh 1

Tập ký cuốn hút người đọc không phải ở tính văn chương, nghệ thuật mà nó đi vào lòng người bằng kể lại những mẩu chuyện, những ký ức mà người viết là người trong cuộc, hoặc là nhân chứng của dòng chảy cuộc sống với những sự việc thực, những con người bằng xương bằng thịt đã góp phần làm nên một đời sống xã hội tốt đẹp, một hiện thực sống động, biến chuyển đi lên của đất nước.

Điều chắc chắn là, đọc tập ký Mãi còn tin yêu của Vũ Mão, người đọc không nghi ngờ gì về tính chân thực – hiện thực của nó. Tác giả tập ký đã kể lại, ghi lại trung thực sự việc và con người, trung thực đến từng chi tiết, trung thực cả suy nghĩ, bình luận; lại được thể hiện bằng cách viết, cách kể điềm tĩnh, từ tốn, bằng cái tâm trong sáng và cái nhìn hiện thực đúng bản chất sự kiện và con người.

Một nét riêng, rất riêng trong tác phẩm Mãi còn tin yêu, hầu như cùng với mỗi bài ký, có một bài thơ, hoặc một bản nhạc, hoặc cả hai cùng chung một cảm hứng, một đề tài, một sự thăng hoa, mỗi khi anh viết ký thì thơ và nhạc cùng đến.

Do môi trường và điều kiện công tác, anh Vũ Mão thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước. Các đồng chí đã để lại trong anh những ấn tượng sâu đậm tinh thần vì dân vì nước qua những chi tiết trong công việc hệ trọng của đất nước và trong xử thế đời thường.

Với Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công, anh viết: “Trong ký ức của tôi vẫn giữ những ấn tượng sâu sắc về một người cộng sản kiên cường, một trong những ngọn cờ đổi mới của sự nghiệp cách mạng đất nước. Đồng chí Võ Chí Công là hiện thân của một thế hệ vàng trong sự nghiệp các mạng Việt Nam” (Tr 17).

Với Chủ tịch Quốc hội Lê quang Đạo, hơn ai hết, anh là người làm việc trực tiếp hàng ngày, anh tiếp nhận được ý tưởng, cách thức làm việc, tư cách đạo đức của một đồng chí lãnh đạo, của một người anh gần gũi, chân tình.

Chủ tịch Lê Quang Đạo ra đi vào cõi vĩnh hằng, ngay đêm nhận được tin buồn, xúc động trào dâng, anh viết bài thơ Một tấm lòng bằng những dòng tâm huyết để tiễn biệt và khẳng định những cống hiến cho đời, cho cách mạng mà nhân dân ghi nhận: Tâm huyết xây đời - tư duy mới/ Nụ cười ấm áp đức chân thành/ Bấy năm gương luyện giầu nhân ái/ Quốc hội - lòng dân, Anh xứng danh (Tr 38).

Những trang viết Tố Hữu - sâu nặng nghĩa đời; Nguyễn Đình Thi - Đại biểu Quốc hội trẻ nhất khóa I; Sông Đà - Tướng Giáp - Bagachencô; Trần Đại Nghĩa - núi rừng Việt Bắc năm xưa; Nguyễn Tấn Dũng - giây phút tâm tình; Đinh La Thăng và tôi; Nguyễn Hữu Nhân - bức thư tình ấm áp tình người; Phan Quốc Ân - người bạn thiếu sinh quân; Xuân Phượng - người chị mến yêu là những trang viết trải lòng mình, ngẫm việc đời, việc người, anh tin yêu, quý trọng nhân cách và tài năng riêng của từng người.

Trong tập ký này anh cũng dành riêng cho những người thân yêu ruột thịt của mình. Những trang viết về người bạn đời (Biên cương, ngày ấy, bây giờ), về người cha (Cha và con), về cảnh gia đình và người mẹ (Xóm nghèo), về Ông nội (Đi tìm mộ ông), về thuở thiếu thời và sự trưởng thành, hoạt động của bản thân. Có thể nói được rằng đây là những trang ký thác tâm sự, ý tưởng, ý chí, tâm hồn, tình nghĩa,… nó ấp ủ trong anh, tạo động lực cho những bước đi của cuộc đời anh.

Khép lại mấy cảm nhận đọc Mãi còn tin yêu, thiết nghĩ, với tâm và tầm cùng chất liệu hiện thực cuộc sống sẵn có, nên chăng anh Vũ Mão dành thời gian, tâm huyết chuyển thành một hồi ký, một ký ức, hoặc một tự truyện, hoặc một truyện du ký. Nếu anh viết kỹ lưỡng, lựa chọn những chi tiết sinh động, điển hình sẽ đem đến nhiều điều thú vị, hấp dẫn. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG