Tin mới vụ bao chiếm đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết ở Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 3/5, nguồn tin của Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo về việc xử lý vụ bao chiếm đất rừng phòng hộ để nuôi hải sản.

Đây là lần thứ 4 mà Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo liên quan vụ việc trên.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND Huyện Trần Văn Thời, việc tháo dỡ công trình bao chiếm đất rừng phòng hộ ven biển để nuôi sò huyết tại Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Biển Tây đến nay đã được xử lý dứt điểm.

Qua vụ việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác quản lý sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, nhất là đất công, đất rừng phòng hộ ven biển, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển.

Chủ động rà soát, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, quy định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý (trường hợp vượt thẩm quyền).

Tin mới vụ bao chiếm đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết ở Cà Mau ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phải ba lần phát công văn chỉ đạo thì việc tháo dỡ công trình bao chiếm đất rừng phòng hộ ven biển để nuôi sò huyết mới được xử lý dứt điểm.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và pháp luật khác có liên quan, để người dân hiểu và thực hiện, không vi phạm pháp luật.

Như Tiền Phong thông tin, khu vực người dân tự ý bao chiếm nuôi sò huyết kéo dài từ cửa biển Sông Đốc đến đầu Kênh Quản Thép, với chiều dài bao chiếm gần 2km (thuộc khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).

Qua kiểm tra, vị trí bao chiếm thuộc khoảnh 16, tiểu khu 5B nằm trong diện tích đất rừng của Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Biển Tây. Khu vực này nằm trong bờ kè chắn sóng để gây bồi tạo bãi khôi phục lại rừng (khu vực này đã bị sạt lở, hiện tại không có cây rừng).

Thông qua phản ánh của báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phải ba lần phát công văn chỉ đạo thì việc giải toả các dụng cụ, vật tư bao chiếm đất rừng phòng hộ trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu mới được xử lý dứt điểm.

MỚI - NÓNG