Theo đó, ngày 12/10, Công an huyện Thái Thụy phát hiện 2 ô tô chở 115 hài cốt đang tập kết, định chôn trộm trên địa bàn. Xe thứ nhất do lái xe Trần Viết Đoài (SN 1977, ở Hưng Yên) chở 59 chiếc tiểu sành chứa hài cốt; xe thứ hai do Đỗ Minh Tuân (SN 1980, ở Vĩnh Phúc) điều khiển chở 56 hài cốt. Khi các lái, phụ xe vận chuyển hài cốt từ trên xe xuống thì bị bắt giữ.
Tại cơ quan công an, các lái - phụ xe khai nhận trước khi bị bắt từng đưa 234 tiểu sành chứa hài cốt về chôn tại địa bàn huyện Thái Thụy. Trong đó, 118 hài cốt được chôn tại một nghĩa trang ở xã Thái Thuần, 116 hài cốt được chôn ở xã Thái Hưng. Nguồn gốc số hài cốt được xác định từ một công trình xây dựng ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng do Cty Cổ phần dệt Minh Khai làm chủ đầu tư. Cty này thừa nhận sai phạm và cho biết, số hài cốt trên được tìm thấy trong quá trình khoan khảo sát. Họ đã thuê ông Lê Trung Tuấn (SN 1976, ở Thanh Xuân, Hà Nội) di chuyển mồ mả, hài cốt.
Ông Tuấn sau đó gom hài cốt, thuê ông Lê Văn Hóa (SN 1958, ở huyện Thái Thụy, Thái Bình) làm nghề bốc mộ đưa đi chôn.
Phía Cty dệt Minh Khai sau đó di chuyển hài cốt ở xã Thái Thuần nhưng đề nghị “hợp thức hóa” số hài cốt được chôn ở Thái Hưng.
Tại văn bản gửi UBND huyện Thái Thụy và xã Thái Hưng ngày 27/10, phía Cty đề nghị giữ nguyên hiện trạng vì “các cụ đã được an táng theo đúng nghi lễ truyền thống đúng với đạo lý mồ yên mả đẹp”.
Đổi lại, Cty sẽ trả cho xã hơn 46,5 triệu đồng chi phí và hỗ trợ tiền tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang là 500.000/1 ngôi mộ (tổng số 58 triệu đồng). Huyện Thái Thụy sau đó bác yêu cầu trên và đề nghị quận Hai Bà Trưng phối hợp giải quyết.
Ngày 7/11, UBND phường Vĩnh Tuy cho biết tổng số hài cốt khai quật được là 370 bộ trong đó có hơn 200 bộ Cty tự ý di chuyển về Thái Bình chôn cất, không báo cáo UBND phường. Sau đó, UBND phường yêu cầu công ty ngừng tìm hài cốt, di chuyển hết số hài cốt cũ. Đến nay đã có 123 hài cốt được chôn cất tại nghĩa trang Yên Kỳ.
Ông Trần Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho biết toàn bộ số hài cốt có nguồn gốc từ nghĩa trang Hợp Thiện, chủ yếu chôn cất người xấu số trong nạn đói năm 1945.
Sau đó, công ty dệt Minh Khai được giao khu đất trên làm nhà xưởng sản xuất. Toàn bộ hài cốt được chôn trộm tại Thái Bình đều được tìm thấy trong khuôn viên công ty dệt Minh Khai và không có giấy tờ, vật tùy thân… nên rất khó xác định nhân thân.
Trên địa bàn rất có thể còn hài cốt tương tự nhưng do đất đai bị chuyển mục đích sử dụng nên rất khó phát hiện. Hiện tại ngõ 349 Minh Khai vẫn còn bia tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói và bom Mỹ.
Về việc tự ý di dời hài cốt của công ty Minh Khai, ông Sơn cho biết: “Ở đây là mộ vô chủ, không xác định nhân thân. Theo quy định, khi tìm thấy hài cốt vô chủ cần đăng báo công khai để người thân của họ có thể tìm thấy. Hiện phường đã yêu cầu phía công ty cho đăng báo và làm hợp đồng với ban tổ chức tang lễ thành phố để di chuyển lên nghĩa trang Yên Kỳ. Họ sẽ phải báo cáo lại bằng văn bản bao gồm cả số lượng hài cốt, sơ đồ chôn cất…”