Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng tới 66,0% lên 4,06 triệu bao trong tháng 1. (Ảnh minh họa) |
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng tới 66,0% lên 4,06 triệu bao trong tháng 1. Đây là mức xuất khẩu kỷ lục theo tháng từng được ghi nhận, đánh bại kỷ lục trước đó là 3,62 triệu bao vào tháng 3/2022.
Trước đó, xuất khẩu cà phê từ Việt Nam giảm trong quý 4/2023 và các quý trước đó. Giá bán thấp khiến nông dân giữ lại sản phẩm đề chờ giá tăng, báo cáo cho biết.
Khi giá mặt hàng này tăng mạnh lên 70.000 – 80.000 đồng/kg trong các tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng vọt. Các chuyên gia cho rằng nguồn cung từ Việt Nam tăng mạnh có thể do nông dân tranh thủ bán hàng còn trong kho vào thời điểm được giá. Một nguyên nhân nữa là nông dân cũng bán ra nhiều hơn trước dịp Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2.
Xuất khẩu tất cả các loại cà phê của Nam Mỹ tăng 25,4% lên 5,41 triệu bao trong tháng 1 năm nay. Nổi bật nhất là Brazil, đạt mức tăng 27,7% lên 3,98 triệu bao, mức lớn nhất trong tháng 1 từng được ghi nhận ở quốc gia này.
Trong khi đó, xuất khẩu tất cả các loại cà phê từ châu Phi tăng 6,5% lên 1,02 triệu bao trong tháng 1. Trong cùng thời gian, xuất khẩu tất cả các sản phẩm cà phê từ Mexico và Trung Mỹ giảm 7,7%, xuống còn 1,11 triệu bao.
Mùa cà phê 2023/2024 được dự đoán là vụ đặc biệt. Điều kiện thời tiết bất lợi xuất hiện từ năm 2022 và kéo dài đến năm 2023 sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng niên vụ cà phê 2023/2024.
Hiện tượng El Niño được dự đoán sẽ làm giảm năng suất cà phê ở châu Á. Tuy nhiên, Việt Nam dự kiến sẽ có lợi thế hơn từ thời tiết khô hơn và nóng hơn, trong khi hệ thống tưới tiêu giúp giảm tác động của lượng mưa giảm.
Lượng tiêu thụ trong năm cà phê 2022/2023 không diễn ra dự dự báo, vì tác động của chi phí sinh hoạt cao và thu nhập thực tế giảm. Dù lượng cà phê tiêu thụ không biến động mạnh, nhưng môi trường kinh tế toàn cầu nhiều thách thức cũng tác động tiêu cực đến sức mua mặt hàng này.
Triển vọng tiêu thụ cà phê thế giới trong năm 2023/2024 được dự đoán dựa trên đánh giá rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trên 3,0% và tồn kho cà phê giảm mạnh, từ đó sẽ làm tăng sức mua sản phẩm này.
Mức tiêu thụ cà phê thế giới dự kiến sẽ tăng 2,2% lên 177 triệu bao, trong đó các nước không sản xuất cà phê sẽ đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung. Tiêu thụ cà phê ở nhóm quốc gia này được dự báo sẽ tăng 2,1%.