Tín hiệu từ chuyến đi Thâm Quyến của ông Tập Cận Bình

Một màn hình công cộng ở Hong Kong chiếu hình ảnh phát biểu của ông Tập Cận Bình. (Ảnh: Bloomberg)
Một màn hình công cộng ở Hong Kong chiếu hình ảnh phát biểu của ông Tập Cận Bình. (Ảnh: Bloomberg)
TPO - Trong bài phát biểu hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ thực hiện các kế hoạch nhằm giúp nước này giành được vị thế dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và các ngành công nghiệp chiến lược khác, bất chấp nỗ lực từ Mỹ và các đồng minh nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh. 

Trong bài phát biểu nhân 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến, nhà lãnh đạo Trung Quốc tái cam kết “mở cửa và cải cách” nhằm giành được lợi thế về kinh tế. 

Phát biểu trước các quan chức địa phương và lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn như Huawei, ông Tập kêu gọi cần đưa thành phố đô thị phía nam này thành “thành phố kiểu mẫu cho một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại”. 

“Chúng ta cần tiếp tục triển khai chiến lược phát triển dựa vào đổi mới để thúc đẩy những động lực và xu thế mới, cũng như để tạo ra những đổi mới về công nghiệp và công nghệ có tầm ảnh hưởng toàn cầu”, ông Tập nói.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc không nhắc đến căng thẳng với Mỹ và chỉ nói về “nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ” từ bên ngoài. 

Bài phát biểu được coi như sự hậu thuẫn cấp cao nhất cho các công ty và lãnh đạo ở thành phố được gọi là Vùng Vịnh lớn, nơi được thiết kế để đưa Trung Quốc gia nhập ngành ngành chế tạo công nghệ cao và tích hợp các đặc khu Hong Kong và Macau vào đại lục, nhằm cạnh tranh với Vịnh Tokyo của Nhật hay Thung lũng Silicon của Mỹ.

Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Tập không đủ để kéo thị trường chứng khoán lên tiếp, vì chỉ số CSI 300 giảm 0,6% sau phiên buổi sáng. Hôm 12/10, các chỉ số chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến tăng đến 3% trước khi ông Tập đến Thâm Quyến. 

Bài phát biểu của ông Tập được đưa ra vào thời điểm được đánh giá là quan trọng với Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại tiếp diễn với Mỹ và kinh tế đi xuống do đại dịch COVID-19 làm tăng tính cấp bách cho những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thu hẹp khoảng cách công nghệ trong các ngành chiến lược. Trong những tháng gần đây, ông Tập thúc giục cần chuyển sang nền kinh tế “lưu thông kép”, vừa dựa vào vào tăng trưởng trong nước vừa dựa vào đầu tư và công nghệ nước ngoài. 

Trong tháng 9, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 4 tháng liên tục, sau khi nước này gần như đã vượt qua đại dịch. Thị trường chứng khoán hôm 13/10  đạt giá trị 10 nghìn tỷ USD, lần đầu tiên kể từ năm 2015. 

Trong chuyến thăm thủ phủ sản xuất ở tỉnh Quảng Đông trong tuần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc dự báo về những điều sắp xảy ra. Ông thúc giục cần tập trung nhiều hơn vào chất lượng để vượt qua sự bất ổn gia tăng toàn cầu, và ông thúc giục cần “tự lực” khi đi thăm một hãng công nghệ địa phương, hãng thông tấn Xinhua đưa tin. 

Chuyến thăm của ông Tập đến vùng đồng bằng sông Châu Giang “là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy ông ấy muốn tiếp tục mở cửa”, ông Wang Huiyao, một cố vấn của chính phủ Trung Quốc và là sáng lập viên của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nói với Bloomberg. 

Thâm Quyến có thể là trung tâm mới, Hao Hong, chiến lược gia trưởng của hãng Bocom International ở Hong Kong, đánh giá. Nhà phân tích này cho rằng nơi từng là làng chài buồn tẻ giờ trở thành căn cứ của các hãng công nghệ lớn như Huawei và Tencent có thể sẽ được trao thêm quyền tự trị và trở thành trung tâm tài chính cho đổi mới công nghệ. 

MỚI - NÓNG