Tín dụng 10 tháng đạt 13,66%
Theo thống đốc, tăng trưởng tín dụng thời gian qua đã đạt hiệu quả và an toàn, nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới mức 3%. Tốc độ tín dụng đến cuối tháng 10 đã đạt 13,66%; cao hơn 1 điểm phần trăm so với 2016 và tăng 0,85 điểm phần trăm so với mức báo cáo tại ngày 24/10 vừa qua (12,83%).
Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên như chế biến chế tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn… giữ được mức tăng trưởng dư nợ cao so với năm trước và các lĩnh vực khác.
Tính đến 24/10, tổng dư nợ đối với nền kinh tế tăng 12,83% so với cuối năm 2016, theo thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN). Mức tăng trưởng trên nhỉnh hơn so với các năm trước với mức tăng tương đương của năm 2016 và 2015 lần lượt là 12,45% và 11,93%.
Đáng chú ý là nguồn tín dụng trong 10 tháng đầu năm đã tập trung hướng đến các ngành sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp, nông thôn (tăng trưởng 19%); doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng trưởng 25%); lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển (tăng trưởng 18,9%)…
Mức tăng trưởng tín dụng hợp lí và được định hướng vào các lĩnh vực phù hợp là động lực quan trọng giúp GDP Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao 6,41%; vượt mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016.
Bơm 480.000 tỷ đồng, chứng khoán có được nhờ?
Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu chỉ đạo nâng mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2017 lên 21% để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho nền kinh tế.
Điều này đồng nghĩa với việc trong 2 tháng cuối năm, tín dụng cần tăng trưởng thêm khoảng 8% nữa, tương đương với việc hệ thống ngân hàng cần bơm ra khoảng 480.000 tỷ đồng.
Với diễn biến của tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng mặc dù khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có sự cải thiện so với các năm trước, tuy nhiên mức độ cải thiện là không quá lớn và khả năng tăng trưởng tín dụng 21% cho cả năm 2017 sẽ khó đạt được. Thay vào đó, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ ở mức trên 19%.
Thông tin đáng chú ý có liên quan đến TTCK, thống đốc cho biết, là việc nguồn tín dụng cho vay vào lĩnh vực chứng khoán đạt 10.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối năm 2016. Điều này cho thấy trong hơn 10 tháng đầu năm, dòng tiền tăng thêm trên TTCK đến từ các nguồn vốn khác như qua các hoạt động IPO, nguồn vốn khối ngoại FII và các nhà đầu tư mới trong nước tham gia thị trường…
Trong đó, lũy kế 10 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng với giá trị lên đến 1 tỷ 426 triệu USD, bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu. Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng đã tăng cường tìm vốn từ nhiều kênh khác nhau như phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ nhằm phục vụ hoạt động cấp margin cho khách hàng.
Dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng lên mức 46 tỷ USD, tăng thêm 1 tỷ USD so với thời điểm cách đây 1 tháng, thông tin từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Như vậy, so với cuối năm 2016, dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 7 tỷ USD từ mức 39 tỷ USD, trong bối cảnh diễn biến tỷ giá trong năm nay diễn biến thuận lợi, sức mạnh đồng USD giảm liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.