Tìm ra thủ phạm khiến hàng trăm người ở Hà Tĩnh 'gãi xoành xoạch'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại Hà Tĩnh ghi nhận gần 160 trường hợp bị viêm da dị ứng do bọ chét đốt. Loài này sống ký sinh trên da vật chủ của các loài động vật có vú và chim để hút máu.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) cho biết, sau khi ghi nhận 158 người dân tại thôn Phúc Thanh (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) bị viêm da dị ứng do bọ chét đốt vào cuối tháng 2, ngành chức năng đã phối hợp với người dân vệ sinh môi trường, phun hoá chất nhằm xóa bỏ nơi trú ẩn của côn trùng.

Theo ông Nguyễn Hữu Thanh - Phó giám đốc CDC Hà Tĩnh, đến nay số lượng bệnh nhân có triệu chứng đã giảm và không phát sinh bệnh nhân mới. Những địa điểm có bọ chét sinh sống đã được khống chế, không lây lan thêm ra các hộ xung quanh.

Tìm ra thủ phạm khiến hàng trăm người ở Hà Tĩnh 'gãi xoành xoạch' ảnh 1

Loài bò chét này sống ký sinh trên da vật chủ của các loài động vật có vú và chim để hút máu. Ảnh: CDC Hà Tĩnh

Ông Thanh cũng cho biết thêm, bọ chét là tên gọi chung cho loại côn trùng nhỏ không có cánh thuộc bộ Siphonaptera. Loài này sống ký sinh trên da vật chủ của các loài động vật có vú và chim để hút máu. Giai đoạn chuyển mùa từ Xuân sang Hè là điều kiện thích hợp cho nhiều loài côn trùng phát triển trong đó có bọ chét. Bọ chét là tác nhân truyền một số bệnh nhưng nguy hiểm nhất là bệnh dịch hạch, sốt phát ban, viêm da dị ứng, bội nhiễm... cho người và động vật.

Ngoài việc có thể là vật chủ trung gian truyền một số bệnh, các loài bọ chét chích đốt máu thường gây nên mối phiền hà cho con người như mẩn ngứa, khó chịu. Nếu bị đốt nhiều gây nên dị ứng và viêm da, những trường hợp phản ứng mạnh có thể thấy hiện tượng viêm tấy đỏ lan tỏa xung quanh hoặc do gãi ngứa gây bội nhiễm.

Tìm ra thủ phạm khiến hàng trăm người ở Hà Tĩnh 'gãi xoành xoạch' ảnh 2

Tại Hà Tĩnh ghi nhận gần 160 trường hợp bị viêm da dị ứng do bọ chét đốt. Ảnh: CDC Hà Tĩnh

Loài côn trùng này có vòng đời từ 20-35 ngày. Chúng có thể nhảy xa khoảng 30cm và nhảy cao khoảng 20cm. Thân dẹt theo hai bên, không có cánh, dài từ 1 - 4mm tùy theo từng loài, màu sắc hơi nâu, nâu đen, vàng tùy theo môi trường sống. Bọ chét thường sống trên cơ thể vật chủ hoặc chỗ ở của vật chủ như các đống rác, mùn đất, các kẽ nứt của sàn nhà hoặc tường nhà, khe hở của thảm trải nhà, hang động vật hoặc cả tổ chim...

Để đảm bảo an toàn cho người dân, CDC Hà Tĩnh vẫn tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu cách phòng, chống các bệnh do côn trùng đốt. Khuyến cáo người bệnh bị côn trùng chích, đốt đến cơ sở y tế khám và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc. Vệ sinh môi trường sạch sẽ để xóa bỏ hết những nơi côn trùng sinh sống.

Tìm ra thủ phạm khiến hàng trăm người ở Hà Tĩnh 'gãi xoành xoạch' ảnh 3

Côn trùng sau khi bắt được sẽ đưa về CDC Hà Tĩnh để xác định loài côn trùng gây bệnh. Ảnh: CDC Hà Tĩnh

Theo CDC Hà Tĩnh, có nhiều biện pháp chống bọ chét như loại trừ vật chủ chính của bọ chét, sử dụng hóa chất để xua diệt bọ chét và vệ sinh môi trường loại bỏ nơi trú ngụ của bọ chét. Để tránh loài bọ chét đốt máu người cần dùng các loại hóa chất xua côn trùng bôi ngoài da, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ. Với loài bọ chét truyền bệnh dịch hạch và sốt phát ban, có thể thực hiện biện pháp phun hóa chất diệt côn trùng vào nơi sống của chuột để diệt bọ chét chuột.

Trên thế giới có trên 2.200 loài bọ chét, trong đó có những loài thường gặp như: bọ chét chuột, bọ chét mèo, bọ chét chó... Bọ chét trưởng thành có tập tính tránh ánh sáng, phần lớn thấy ẩn náu trong các đám lông tơ, lông vũ của động vật hoặc ở giường ngủ, quần áo của con người.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.