Ấn Độ:

Tìm phần tử ly khai, cắt internet của 27 triệu người

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua (20/3), chính quyền Ấn Độ chặn truy cập internet của khoảng 27 triệu người ở bang Punjab trong ngày thứ ba liên tiếp, trong khi cảnh sát săn lùng một phần tử ly khai người Sikh.

Chính quyền Punjab ban đầu tuyên bố cấm internet 24 giờ vào ngày 18/3 khi các nhà chức trách mở chiến dịch tìm bắt Amritpal Singh, một nhà lãnh đạo trong phong trào ly khai Khalistan tìm cách thành lập một quốc gia có chủ quyền cho những người theo đạo Sikh. Việc cắt internet (ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở bang miền bắc Ấn Độ) đã được gia hạn lần thứ ba đến ngày 20/3 theo luật cho phép ngắt kết nối để “ngăn chặn mọi kích động bạo lực và bất kỳ sự xáo trộn nào đối với hòa bình và trật tự công cộng”.

Tìm phần tử ly khai, cắt internet của 27 triệu người ảnh 1

Những người ủng hộ Amritpal Singh ở bang Punjab, Ấn Độ ngày 19/3. Ảnh: Hindustan Times

Cảnh sát Punjab nói rằng, cắt internet là một biện pháp duy trì luật pháp và trật tự cũng như ngăn chặn sự lan truyền của “tin giả”. Video được phát sóng trên truyền hình địa phương cho thấy hàng trăm người ủng hộ ông Singh; một số người cầm kiếm và gậy, đi bộ trên đường phố Punjab. Cảnh sát và lực lượng bán quân sự đã được triển khai trên một số quận trong bang nhằm duy trì luật pháp và trật tự. Ít nhất 112 người đã bị bắt, cảnh sát Punjab cho biết hôm 19/3, trong khi ông Singh vẫn đang chạy trốn.

Chính phủ Ấn Độ tuyên bố, việc chặn truy cập internet là để bảo đảm an toàn công cộng trong bối cảnh có nguy cơ bạo lực đám đông.

Trong nhiều thập kỷ, một số người theo đạo Sikh yêu cầu thành lập một quốc gia độc lập có tên là Khalistan ở bang Punjab dành cho những người theo đạo thiểu số. Những năm qua, các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra giữa những người theo phong trào này và chính quyền Ấn Độ, cướp đi nhiều sinh mạng.

Bạo lực lên đến đỉnh điểm vào tháng 6/1984 khi quân đội Ấn Độ xông vào Đền Vàng ở thành phố Amritsar (bang Punjab), ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Sikh, để bắt những người ly khai có vũ trang, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, và phần lớn ngôi đền biến thành đống đổ nát. Vụ việc đã làm náo động cộng đồng người Sikh và cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, người đã ra lệnh thực hiện chiến dịch, đã bị các vệ sĩ người Sikh của bà ám sát sau đó.

Phong trào Khalistan bị đặt ngoài vòng pháp luật và bị chính phủ Ấn Độ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng, nhưng vẫn nhận được sử ủng hộ của một số người theo đạo Sikh trong nước và nước ngoài. Cuối tuần qua, một số người ủng hộ ông Singh đã phá hoại Cao ủy Ấn Độ ở London, khiến chính quyền Anh lên án vụ việc.

Ngắt kết nối mạng toàn cầu

Việc tắt internet càng lúc càng trở nên phổ biến ở Ấn Độ, nơi có hơn 800 triệu người dùng internet- dân số kỹ thuật số lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Đầu tháng này, một báo cáo của Access Now, một nhóm vận động theo dõi tự do internet có trụ sở tại Mỹ, thông báo, Ấn Độ đã cắt internet 84 lần trong năm 2022. Đây là năm thứ năm liên tiếp nền dân chủ lớn nhất thế giới với hơn 1,3 tỷ dân đứng đầu danh sách toàn cầu về ngắt mạng.

Theo báo cáo của Access Now, sự gián đoạn kết nối mạng toàn cầu “đã ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trong hàng trăm giờ”. Internet đã trở thành huyết mạch kinh tế và xã hội quan trọng đối với phần lớn dân số và kết nối các vùng nông thôn bị cô lập của đất nước với các thành phố đang phát triển.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.