Sự kiện do Hiệp hội Kỹ sư dầu khí quốc tế Việt Nam (SPE Vietnam) phối hợp với Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) tổ chức, với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), cùng đại diện các nhà thầu Premier Oil, Murphy, ENI, Jadestone, JVPC, SOCO, Perenco, SK… đang hoạt động trong lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam. Tham dự hội nghị, về phía VPA có Chủ tịch Ngô Thường San, Phó Chủ tịch Hoàng Xuân Hùng và Tổng thư ký Nguyễn Huý Quý cùng nhiều chuyên gia của VPA.
Chủ trì, điều hành hội nghị, ông Serge Hayon- Chủ tịch SPE Vietnam hy vọng những nội dung thảo luận trong cuộc họp sẽ là nền tảng củng cố sự hợp tác giữa Chính phủ, ngành Dầu khí và các bên liên quan; chia sẻ các khó khăn bất cập từ các luật chi phối hiện đang ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà thầu dầu khí nhằm có sự điều chỉnh phù hợp để kích thích thu hút đầu tư thăm dò khai thác dầu khí, hướng đến sự phát triển bền vững cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện VPI trình bày về Luật Dầu khí hiện hành, những thuận lợi và khó khăn của Petrovietnam khi thực thi hợp đồng dầu khí trong những năm gần đây. Từ đó, các đại biểu đã có những đóng góp, chia sẻ quan điểm mang tính xây dựng cần thiết sửa đổi, điều chỉnh Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí cho phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa, hiện trạng tài nguyên dầu khí ở Việt Nam.
Trong nội dung thảo luận, đại diện các nhà thầu đều nhận định, hiện nay, việc triển khai các dự án đầu tư tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí tại Việt Nam, ngoài việc tuân thủ Luật Dầu khí còn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... Trong các bộ luật này có sự chồng chéo, chưa thống nhất, thậm chí xung đột nhau ở nhiều điều khoản, gây khó khăn khi triển khai hợp đồng dầu khí, hạn chế thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Thăm dò, khai thác dầu khí là hoạt động có nhiều rủi ro, khó có thể hoạch định chính xác 100% trong giai đoạn tiền đầu tư. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các mỏ dầu khí lớn tại thềm lục địa Việt Nam đã trải qua thời kỳ khai thác đỉnh, cần phải đầu tư bổ sung các giải pháp công nghệ mới để tận khai thác, hay phải sớm mở rộng khai thác các mỏ nhỏ, mỏ cận biên kinh tế, để nâng cao hiệu quả dự án, ngành Dầu khí Việt Nam đang rất cần một cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng nhiều cơ chế chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu, như miễn giảm thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu dầu, thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc tăng tỉ lệ phân chia dầu lãi cho nhà đầu tư... tại Việt Nam, việc áp dụng các điều kiện khuyến khích được quy định trong Luật Dầu khí hoặc Hợp đồng dầu khí hiện nay được đánh giá là vẫn chưa phù hợp, chưa đủ để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn cho dự án.
Tại hội nghị, đại diện Petrovietnam, VPI, VPA cùng các Bộ, ngành liên quan đã có những trao đổi, thảo luận thẳng thắn, tìm kiếm phương án tối ưu nhằm xây dựng một cơ chế chính sách phù hợp cho các nhà thầu dầu khí vừa bảo đảm được quyền lợi nước chủ nhà nhưng đồng thời cũng tăng sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó tổng hợp báo cáo Chính phủ sớm xem xét kiến nghị điều chỉnh Luật Dầu khí phù hợp hơn với thực trạng tiềm năng và cơ cấu trữ lượng dầu khí trong nước hiện nay, tạo điều kiện cho các nhà thầu nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực Dầu khí tại Việt Nam.