Tiểu thương ngáp dài, ngóng khách
9h, đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) đông đúc, tấp nập người xe nhưng khu chợ bán quần áo second-hand (đã qua sử dụng) vốn sôi động nhất trên đoạn đường này lại trong cảnh đìu hiu khó tin. Suốt 10 năm tồn tại, đây là lần đầu khu chợ trải qua giai đoạn điêu đứng này.
Dọc lối đi vào khu chợ, thi thoảng mới thấy vài lượt khách ra vào. Khắp các dãy ki-ốt, tiểu thương dành hầu hết thời gian để... nghịch điện thoại, chờ ngóng khách.
"Thường lệ sau Tết là doanh thu giảm nhưng chưa bao giờ đến mức như năm nay. Thường là tới gần trưa bắt đầu có khách, còn giờ tôi ngồi gần hết ngày vẫn chưa thấy ai đến hỏi mua", chị Bé - tiểu thương tại chợ - cho hay.
Tại các quầy hàng, lượng khách giảm nhiều so với thường lệ (Ảnh: Trọng Khang). |
Chị Bé đã kinh doanh tại chợ đồ cũ Hoàng Hoa Thám được 5 năm, đây là lần đầu chị chứng kiến cảnh kinh doanh èo uột đến thế.
"Đoán trước thời điểm sau Tết khách sẽ vắng, tôi đã cố ý nhập ít hàng hơn nhưng giờ vẫn chưa thể bán hết. Nhiều tiểu thương ở đây đã kéo dài kỳ nghỉ Tết, đóng cửa sạp hàng chờ sang tháng sau mới mở lại", chị nói.
Mỗi ngày, chị Bé kiếm được 4-5 triệu đồng từ các sạp quần áo cũ tại khu chợ. Song, vị tiểu thương vẫn rầu rĩ vì doanh thu không còn như trước.
Theo anh Phương, nhân viên sạp Út Vân, trong 20 năm qua, sạp hàng này đều đặn doanh thu đến hàng chục triệu đồng/ngày.
Con số này, các tiểu thương xung quanh nhận xét, từng là "chuyện bình thường". Vậy mà giờ kiếm vài triệu đồng mỗi ngày đã là chuyện khó.
Lối vào khu chợ vắng vẻ khó tin (Ảnh: Trọng Khang). |
"Cầm cự không nổi, một vài tiểu thương đã đóng sạp, trả chỗ. Thông thường, chúng tôi trông chờ dịp bán hàng Tết để bù các tháng ế ẩm trong năm. Nhưng Tết năm nay, tình hình kinh doanh ở chợ rất èo uột. Nhiều sạp nhỏ, chủ không trường vốn đành phải thanh lý hàng, trả mặt bằng để chuyển nghề khác", anh Phương thở dài.
Doanh thu vài triệu đồng mỗi ngày, theo anh Huy, không đủ để tiểu thương xoay xở, hòa vốn.
"Cứ như này mãi thì không sống được. Tôi phải học thêm bán hàng trực tuyến để có chút thu nhập. Mặt hàng này đòi hỏi vốn lớn, chúng tôi phải liên tục xoay vòng vốn nên chỉ bán được vài triệu đồng/ngày thì khó cầm cự trong thời gian dài", anh Huy cho hay.
Vội vã tính tiền cho khách, chị Bé tạm gác bữa ăn trưa (Ảnh: Trọng Khang). |
Khu chợ từng mang lại... 9 căn nhà
"Đồ si" vốn được người trẻ ưa chuộng bởi giá thành rẻ mà "xịn", kiểu dáng độc lạ, bắt mắt. Trước đây, vào mỗi dịp có kiện hàng mới, sạp thông báo là khách thường có mặt từ sớm, xếp hàng, chen lấn nhau tranh giành từng chiếc áo, bộ váy. Nhưng cảnh tượng đó đã lùi xa.
Tiểu thương giảm giá, bán 5.000đ/sản phẩm nhưng vẫn hiếm người mua (Ảnh: Trọng Khang). |
Chị Bé, tiểu thương tại chợ, đã theo nghề buôn bán đồ cũ được 5 năm. Dù tình trạng khó khăn đã kéo dài gần năm qua, chị vẫn cố bám trụ vì tiếc công việc vốn giúp chị nuôi sống gia đình nhiều năm qua.
"Bỏ nghề thì không biết làm gì nên tôi vẫn cố bám trụ. Giai đoạn khó khăn chung nên tôi phải chấp nhận. Giờ bán không hẳn vì doanh thu nữa mà còn bởi bản thân tôi vẫn mê, tiếc nghề", chị Bé giải thích.
Ông chủ sạp Út Vân xác nhận, nhờ sạp đồ cũ này, mẹ anh đã mua được 9 căn nhà, lo cho cả gia đình suốt nhiều năm.
Link bài gốc:
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/tieu-thuong-cho-do-si-tiec-thoi-tien-nhu-gieo-mua-9-can-nha-20240313172902094.htm?