Giám đốc công an 11 tỉnh có trần tướng
Báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định giám đốc công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.
Quy định hàm Thiếu tướng “không quá 11” đối với các giám đốc công an cấp tỉnh loại một, nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định như vậy sẽ rất phức tạp sau này. Bởi có tỉnh hiện tại chỉ là loại 2, nhưng sau này có thể lên loại 1, lúc đó sẽ ra sao, có được lên hàm Thiếu tướng không khi đã có đủ số lượng 11 tướng?
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho rằng, người mang hàm Thiếu tướng tỉnh này chưa chắc có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá ở tỉnh khác. “Cùng là giám đốc công an tỉnh, thành phố như nhau mà lại có người mang hàm cấp tướng, người mang hàm cấp tá, như vậy không hợp lý. Tương tự, cần cân nhắc Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP HCM số lượng Thiếu tướng không quá 3”, ông Hòa lưu ý.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) lại cho rằng, Giám đốc Công an tỉnh loại 1 có trần quân hàm Thiếu tướng là hợp lý và cần thiết. “Điều này nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thật sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn địa phương”, ông Thưởng cho hay.
“Cần giữ quỹ hàmcấp tướng”
Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đồng tình với quy định cấp hàm Đại tướng, Thượng tướng như dự thảo và Trung tướng với hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, còn đối tượng khác, ông đề nghị cần chặt chẽ số lượng theo quy định. Theo ông Được, “phong tướng để cầm gậy chỉ huy quân”, không nhất thiết cứ tỉnh loại 1 thì phong tướng, vì tương lai, chẳng hạn 10 năm sau có thể còn nhiều tỉnh loại 1 nữa. Giải pháp, theo ông Được, cứ địa bàn nào tình hình trật tự trị an phức tạp thì phong tướng để lãnh đạo, chỉ huy quân.
“Quân đội, công an đều là lực lượng vũ trang. Được phong, thăng quân hàm, tôi và nhiều người mừng cho các đồng chí thôi. Nhưng đã nói lực lượng vũ trang mà bên thế này, bên thế khác thì không công bằng, cũng buồn lắm, đáng suy nghĩ lắm. Giờ ngồi họp, một bên tướng, một bên tá cũng không vui lắm. Đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội xem xét cho hợp lý. Lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của nhà nước, không thể công an thế này, quân đội thế kia”, ông Được bày tỏ.
Tranh luận với các đại biểu đồng ý với dự thảo về số lượng tướng trong công an nhân dân, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Mai Bộ tính toán: Số lượng cấp tướng nếu cộng lại là 183 người, thêm 4 người đang công tác ở Ủy ban Quốc phòng An ninh là 187 tướng, trong đó số Trung tướng 37 người. Tuy nhiên theo ông Bộ, Quân đội nhân dân Việt Nam làm công việc rất nặng, nhưng đến Cục Tác chiến cũng chỉ có 3 cục phó. Vậy nên ý kiến trên của Thượng tướng Nguyễn Văn Được rất cần thiết, đáng lưu tâm.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, tướng quân là vị trí cao thượng, phải đứng ở tầm chiến lược chứ không “cộng các việc nhỏ lại” để phong tướng. “Một đồng chí ở vị trí cấp tướng nhân dân vô cùng kính trọng. Cần giữ quỹ hàm cấp tướng cho chuẩn xác và xác định vị trí rõ ràng, xứng đáng để các đồng chí phấn đấu được vào chức vụ này cảm thấy tự hào và những người khác thấy kính nể”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, từ khi trình dự án luật này đã cam kết là không tăng biên chế. “Từ nay đến năm 2021, không tăng biên chế nào, chủ yếu là sắp xếp trong lực lượng”.
Thượng tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an