Tiết sữa kéo dài dù đã cai sữa

Tiết sữa kéo dài dù đã cai sữa
TP - Sau vài tháng cai sữa cho con, chị M.H (Hà Tây) vội đi khám vì thấy ngực vẫn tiết nhiều sữa. Sau khi làm một số xét nghiệm, bác sĩ cho biết chị bị bệnh vô kinh - tiết sữa.

BS Thanh Nga, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, sau khi đẻ, các chất nội tiết của rau thai giảm đột ngột sẽ kích thích vùng dưới đồi- tuyến yên ở não tiết ra một chất gọi là prolactin (còn gọi là kích nhũ tố) và nhờ có chất nội tiết này mà ngực người phụ nữ mới có khả năng tiết sữa.

Sau đó, prolactin được tiếp tục tiết ra do phản xạ mút đầu vú khi bú của trẻ. Vì thế, bà mẹ sau khi sinh xong phải vài ngày mới thấy hiện tượng “xuống sữa” và nếu không cho trẻ bú thì sữa sẽ cạn rất nhanh, dần dần không còn tiết sữa nữa. Trường hợp sau khi cai sữa cho con cũng vậy, phản xạ mút đầu vú không còn thì prolactin sẽ giảm dần đi và vú cũng dần dần ngừng tiết sữa.

Bình thường, nồng độ prolactin trong huyết tương rất thấp do bị ức chế bởi estrogen và progesterol, nên không gây hiện tượng bài tiết sữa. Khi bắt đầu mang thai, nồng độ prolactin tăng rất cao, nhưng cả estrogen và progesteron cũng tăng nên prolactin vẫn bị ức chế và người mẹ chỉ có vài mililit sữa/ngày. Sau khi sinh, nồng độ estrogen và progesteron giảm đột ngột (vì không có rau thai) nên tác dụng bài tiết sữa của prolactin được thể hiện rõ.

Khi đã có prolactin, chất này lại ức chế vùng dưới đồi- tuyến yên không cho sinh ra các chất kích thích buồng trứng khiến buồng trứng không tiết ra được các chất nội tiết của nó. Vì thế, nuôi con hoàn toàn bằng cách cho bú mẹ trong vòng sáu tháng sau khi đẻ và cho con bú được coi là biện pháp tránh thai thời kỳ sau đẻ (tuy không được chắc chắn).

Những trường hợp đã cai sữa cho con lâu ngày mà vú vẫn tiếp tục bài tiết sữa thì ít nhiều đều có rối loạn trong việc bài tiết chất prolactin của vùng dưới đồi- tuyến yên, hoặc là những rối loạn chức năng, hoặc do những nguyên nhân thực thể như khối u ở tuyến yên.

Tình trạng tiết sữa kéo dài này thường kèm theo vô kinh, nên còn được gọi là bệnh “vô kinh- tiết sữa”. Muốn xác định nguyên nhân của tình trạng vô kinh - tiết sữa, người bệnh cần phải được làm xét nghiệm định lượng chất prolactin và một số xét nghiệm khác.

Mọi tình trạng tiết sữa bất thường của vú cần được khám xét cẩn thận tại các phòng khám chuyên khoa các bệnh về vú, với các xét nghiệm về nội tiết, về tế bào, chụp X-quang tuyến vú, có khi cần chụp cả đáy sọ nơi có tuyến yên nằm tại đó mới có khả năng tìm ra được nguyên nhân. Điều trị nội hoặc ngoại khoa tùy từng trường hợp.

MỚI - NÓNG