Các nhà khoa học đã phát hiện ra mạng lưới xã hội lâu đời nhất thế giới, một mạng lưới kết nối đã phát triển cách đây 50.000 năm và có phạm vi trải dài hàng nghìn dặm khắp châu Phi.
Hạt làm từ vỏ trứng đà điểu được cho là một trong những món đồ trang sức lâu đời nhất |
Nhưng không giống như các thiết bị điện tử hiện đại, mạng lưới xã hội cổ đại này sử dụng một phương tiện thông thường hơn nhiều. Nó dựa trên việc chia sẻ và trao đổi các loại hạt làm từ vỏ trứng đà điểu - một trong những loại trang sức cá nhân lâu đời nhất của nhân loại.
Các nhà khoa học ở Đức đã so sánh hơn 1500 hạt này, được đào tại hơn 30 địa điểm trên khắp miền Nam và Đông châu Phi. Phân tích cho thấy, những người làm ra chuỗi hạt - thứ vẫn được tạo ra và đeo bởi những người săn bắn, hái lượm ở châu Phi ngày nay - đã trao đổi chúng trên vùng đất rộng lớn, giúp chia sẻ những thông điệp mang tính biểu tượng và tăng cường liên minh.
“Nó giống như đi theo những mẩu vụn bánh mì vậy. Các hạt là manh mối, nằm rải rác trong không gian, chỉ chờ để được phát hiện”, tác giả chính của nghiên cứu, bà Jennifer Miller thuộc Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại cho biết.
Bằng cách so sánh đường kính bên ngoài của chiếc vỏ, đường kính của các lỗ bên trong chúng và độ dày của vỏ trứng, các nhà khoa học đã biết được rằng, khoảng 50.000 năm trước, người dân ở miền đông và miền nam châu Phi đã tạo ra những hạt gần giống hệt nhau từ trứng đà điểu.
Tuy nhiên, các cộng đồng này bị ngăn cách bởi những khoảng cách rộng lớn, điều này cho thấy sự tồn tại của một mạng xã hội trải dài hàng nghìn dặm, kết nối mọi người ở những vùng xa xôi.
Tác giả còn lại của nghiên cứu, bà Yiming Wang nói. “Kết quả đáng ngạc nhiên, nhưng nếu chúng ta quan sát thì mô hình thực chất rất rõ ràng”.
Các loại hạt truyền thống làm từ vỏ trứng đà điểu được khoan lỗ từng hạt một bằng tay |
Hạt vỏ trứng đà điểu là một trong những loại trang sức lâu đời nhất được tìm thấy trong hồ sơ khảo cổ học, mặc dù chúng không phải là loại hạt đầu tiên được người Homo sapiens áp dụng. Các nhà khoa học tin rằng đàn ông và phụ nữ cổ đại bắt đầu tự vẽ lên mình một màu son đỏ khoảng 200.000 năm trước, trước khi bắt đầu đeo chuỗi hạt cách đây 75.000 năm.
Tuy nhiên, ngành trang sức đã thực sự phát triển cách đây khoảng 50.000 năm ở Châu Phi với những hạt vỏ trứng đà điểu đầu tiên. Đây là món đồ trang sức được tiêu chuẩn hóa sớm nhất được biết đến, và việc sử dụng nó thể hiện một trong những truyền thống văn hóa lâu đời nhất của nhân loại, đó là việc thể hiện bản sắc và tạo các mối quan hệ.
“Những viên hạt nhỏ này có sức mạnh tiết lộ những câu chuyện lớn về quá khứ của chúng ta”, bà Miller nói.
Hoặc như nhà khảo cổ học Michelle Langley của Đại học Griffith, Úc cho biết: “Đồ trang sức rất có giá trị: ta sẽ học được nhiều điều về người đã đeo nó. Nhiều trang sức hơn trong hồ sơ khảo cổ cũng đồng nghĩa với nhiều tương tác hơn. Những trao đổi này cho chúng ta biết ai đang nói chuyện với ai”.
Mấu chốt về đồ trang sức bằng vỏ trứng đà điểu là, thay vì dựa vào kích thước hoặc hình dạng tự nhiên của một món đồ, con người đã bắt đầu biết tạo hình và tạo cơ hội cho sự đa dạng phát triển.
Các kết quả đã cho các nhà nghiên cứu thấy một lộ trình mà qua đó họ có thể theo dõi các mối liên hệ văn hóa, mặc dù hiện không rõ liệu các hạt vỏ trứng đà điểu mà bà Miller và bà Wang nghiên cứu là thứ được trao đổi giữa các nhóm không, hay chỉ đơn thuần là phương pháp tạo ra chúng. Phần lớn các bằng chứng đều hướng về khả năng thứ hai.
Mạng xã hội đầu tiên trên thế giới không tồn tại lâu dài. Khoảng 33.000 năm trước, xu hướng đeo hạt đột ngột thay đổi: cho dù vẫn tiếp tục ở phía đông châu Phi, chúng hầu như biến mất khỏi miền nam và không tái xuất ở đó cho đến 19.000 năm trước.
Theo bà Miller và bà Wang, những thay đổi khí hậu có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự kết thúc của mạng xã hội lâu đời nhất hành tinh, sau 17.000 năm.