> Iran: Không ai có thể vượt qua eo biển Hormuz
Thật vậy, mạng tin tình báo Stratfort đã ghi nhận về cuộc chiến này kể từ đầu năm 2007 với những phân tích sâu sắc về các sự kiện như: vụ đào tẩu sang phương Tây của một số quan chức Iran cùng với những tiết lộ về chương trình hạt nhân của Tehran; vụ bắt giữ 3 tàu hải quân và 8 thuỷ thủ Anh sau khi Tehran khẳng định, những con tàu này đã thâm nhập trái phép sông Shatt al-Arab thuộc Iran; các vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran; vụ Mỹ và Israel sử dụng sâu máy tính Stuxnet tấn công hòng làm tê liệt chương trình làm giàu uranium của Iran cùng các nỗ lực gây dựng ảnh hưởng và dựng lên những “bức màn” (proxy) nhằm đối phó với mối đe dọa và áp lực từ phương Tây của Iran.
Người ta có thể nhìn thấy các “bức màn” đó ở Iraq, Lebanon và chúng cũng tồn tại Yemen, Afghanistan, Syria, các vùng lãnh thổ Palestine, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác.
Cuộc chiến tình báo bí mật đã được tiến hành từ nhiều năm và thậm chí còn được chuẩn bị từ trước đó nữa. Những căng thẳng hay sự kiện mới diễn ra thời gian gần đây chỉ là biểu hiện của sự gia tăng cường độ chứ không có chiều hướng giảm đi của cuộc chiến bí mật chống lại Iran.
Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq và Iran tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình đã khiến cho kết quả của những hoạt động bí mật hỗ trợ cho cuộc chiến tình báo này được hé lộ.
Cuộc chiến ngày càng “nóng”
Mọi con mắt hướng về cuộc chiến tình báo bí mật sau khi một bài báo công bố trên The New York Times hôm 15-1-2011 đưa tin Hoa Kỳ và Israel đã hợp tác phát triển một loại sâu máy tính mang tên Stuxnet ngầm phá huỷ những nỗ lực chế tạo bom hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, đây không phải là diễn biến đột phá trong suốt chiều dài cuộc chiến cho đến hôm 11-10, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo rằng có hai người đàn ông (1 bị bắt giữ, 1 bị truy nã) bị buộc tội tham gia vào âm mưu ám sát đại sứ Saudi Arabia cũng như một loạt các vụ khủng bố khác trên đất Mỹ, trong đó có khả năng sử dụng đến vũ khí hủy diệt hàng loạt do đơn vị đặc nhiệm Quds trong thành phần của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đạo diễn.
Tiếp đến, vào đầu tháng Mười một, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã chỉ ra Iran bắt đầu di chuyển nhiên liệu hạt nhân xuống các cơ sở ngầm nằm sâu dưới lòng đất để tránh sự điều tra và tiếp tục nghiên cứu thiết kế đầu đạn tên lửa hạt nhân.
Tuy không chứa bất kỳ tiết lộ nào lớn nhưng bản báo cáo mới này của IAEA đã chỉ ra những chi tiết cụ thể mới và rõ ràng hơn so với các báo trước đây của cơ quan này, trong đó kết luận rằng Iran đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân một cách rất tích cực.
Và bản báo cáo này cũng là cơ sở dẫn đến việc Isral phát động chiến dịch truyền thông kêu gọi quốc tế gia tăng sức ép buộc Tehran chấm dứt chương trình hạt nhân bằng những hành động và biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt, quyết liệt.
Sau đó, vào đầu giờ chiều ngày 12-11, một vụ nổ xảy ra tại một cơ sở tên lửa đạn đạo của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran ở gần Tehran giết chết 17 người, trong đó có một chỉ huy cao cấp của IRGC – một nhân vật quan trọng trong chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Iran khẳng định vụ nổ là tình cờ nhưng vụ việc này đã dấy lên nghi ngờ rằng đây có thể là một trong những hoạt động phá hoại được thực hiện bởi tình báo Mossad của Israel. Về phía Israel, các quan chức tình báo Mossad lại nỗ lực hướng các nhà quan sát bên ngoài tin rằng họ chịu trách nhiệm về vụ nổ.
Cùng ngày 12-11, vào cuối buổi chiều, chính phủ Bahrain đã lên tiếng cáo buộc chính phủ Iran đang hỗ trợ các nhóm đối lập chuẩn bị thực hiện tấn công khủng bố ở quốc gia Arab này sau khi bắt giữ được 5 đối tượng tình nghi có liên quan đến IRGC.
Ngày 14-11, đáp trả lại lời cáo buộc trên, Iran kịch liệt phủ nhận có liên quan tới các đối tượng bị bắt giữ và cho rằng giống như âm mưu ám sát đại sứ Saudi Arabia, đây là một âm mưu vu khống trong “vở kịch chống lại Iran”.
Ngày hôm sau, báo chí Iran đồng loạt đưa tin thi thể Ahmad Rezai, con trai của Mohsen Rezai – Thư ký Hội đồng Thiết thực Iran, cựu chỉ huy IRGC và ứng cử viên Tổng thống Iran được tìm thấy tại một khách sạn ở Dubai.
Phó Trưởng ban Hội đồng Thiết thực đã khẳng định với báo chí Iran rằng cái chết của Ahmad Rezai là rất đáng nghi ngờ và chết do bị điện giật trong khi các nguồn báo cáo khác lại mô tả cái chết giống với một vụ tự tử.
Ngày 20-11, tờ Los Angeles Times lại đưa tin rằng quan chức tình báo Mỹ thừa nhận rằng mạng lưới CIA đã bị thiệt hại nặng nề và buộc phải đóng cửa văn phòng hoạt động tại Beirut sau khi cơ quan phản gián Hezbollah tuyên bố bắt giữ hàng loạt sĩ quan CIA được cài cắm hoạt động tại Lebanon và “lật tẩy” một số đặc vụ CIA nằm trong Đại sứ quán Mỹ ở Beirut.
Ngay sau đó, Iran cũng thông báo đã bắt giữ 12 điệp viên CIA có nhiệm vụ theo dõi chương trình hạt nhân và quân sự của Tehran, hoạt động phối hợp với Cục tình báo đối ngoại Israel Mossad và các cơ quan khác trong khu vực.
Thực chất, chúng tôi (mạng tin tình báo Stratfort) không thể xác định các báo cáo liên quan đến Lebanon là đúng, chỉ đơn thuần là CIA thông tin sai hoặc cả 2 phía Lebanon và CIA đều có sai lệch.
Chắc chắn, CIA muốn Iran tin rằng, cơ quan tình báo khét tiếng này không còn hoạt động ở Lebanon. Nhưng ngay cả khi những báo cáo này là trò giăng lưới của CIA thì việc họ công bố phát hiện đã ngăn chặn một âm mưu ám sát đại sứ Saudi Arabia tại Hoa Kỳ hôm 11-10 và âm mưu khủng bố tại Bahrain ngày 12-11 cũng khá là thú vị.
Vào ngày 21-11, Mỹ và Anh đã phát động một làn sóng trừng phạt mới đối với Iran dựa trên báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran do IAEA phát hành.
Các lệnh trừng phạt mới đã được thiết kế với những nội dung mới nhằm mục tiêu cản trở hoạt động của các ngân hàng và ngành năng lượng của Iran. Trong thực tế, Anh đã đi bước đi chưa từng có trong lịch sử khi quyết định cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Ngân hàng Trung ương Iran.
Và sau đó, chính phủ Canada cũng áp dụng hành động tương tự đối với các ngân hàng trung ương của quốc gia Hồi giáo.
Ngày 28-11, đã có tin báo chí chưa được xác nhận về một vụ nổ rung chuyển Estafan, một trong những thành phố lớn nhất ở Iran là là nơi có cơ sở lớn nhất của Iran nhằm phục vụ việc nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo.
Nguyên nhân và thiệt hại cho đến giờ vẫn không có thông tin xác nhận chính thức ngoài việc hãng tin bán chính thức Mehr của Iran cho biết vụ nổ xảy ra tại một trạm nhiên liệu.
Trong một diễn biến khác, ngày 28-11, Hội đồng Giám hộ Iran, cơ quan lập pháp tối cao của nước này đã thông qua một dự luật cho phép trục xuất đại sứ Anh và hạ cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ngày hôm sau, người biểu tình Iran đã xông vào đập phá đại sứ quán và các khu nhà ở của tòa đại sứ quán Anh tại Tehran nhằm phản đối việc Anh áp lệnh trừng phạt nhằm vào ngành tài chính của Iran.
Ngày 1-12, Liên minh châu Âu (EU) đã siết chặt trừng phạt Iran khi mở rộng, thông qua một “danh sách đen” đóng băng tài sản và cấm đi lại với hơn 180 công ty và công dân Iran. Tuy nhiên, EU đã không chấp nhận đề nghị áp đặt một lệnh cấm vận đầy đủ vào dầu mỏ của Iran do Pháp đề xuất.
Tảng sáng ngày 4-12, một thiết bị phát nổ dưới một chiếc xe đậu gần tòa nhà Đại sứ quán Anh tại Manama, Bahrain. Không có thiệt hại gì lớn ngoài việc chiếc xe bị hư hỏng và cũng không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Ngày hôm sau, một quan chức Mỹ giấu tên xác nhận thông tin do một số hãng thông tấn của Iran công bố rằng Iran đã phục hồi một chiếc máy bay không người lái (UAV) RQ-170 “Sentinel” của Mỹ.
Các báo cáo từ Iran cho biết quân đội nước này đã bắn rơi chiếc RG-170 “Sentinel” hôm 4/12 và thậm chí tuyên bố Iran sẽ “thực hiện kỹ thuật đảo ngược” đã phá vỡ bí mật của loại máy bay do thám tiên tiến nhất thế giới này của Mỹ.
Các quan chức Mỹ đã phủ nhận thông tin đó và không tin rằng Iran có thể kiểm soát được công nghệ của chiếc UAV và khôi phục nó nguyên vẹn.
Viễn cảnh về một cuộc chiến không đơn giản
Hoa Kỳ hiện đang rút những lực lượng cuối cùng khỏi Iraq. Với cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003, quân đội Hoa Kỳ đã trở thành lực lượng duy nhất có thể chống lại sức mạnh quân sự Iran trong khu vực Vịnh Ba Tư.
Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực mà Iran mong muốn chiếm lĩnh. Khả năng kiểm soát ảnh hưởng từ phía Tây Afghanistan đến Địa Trung Hải của Iran không chỉ đe dọa các nước trong khu vực như Israel, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn khiến Wasington không khỏi thấy bất an.
Nhưng một cuộc tấn công quân sự đơn độc chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran không phải là câu trả lời cho mối đe dọa khu vực gây ra bởi Iran. Quyền lực của Iran đến từ tự khả năng quân sự thông thường của quốc gia này chứ không phải là những vũ khí hạt nhân mà nước này đã có hoặc đang nghiên cứu phát triển.
Vì vậy, trừng phạt chống lại chương trình vũ khí hạt nhân của Iran sẽ không ảnh hưởng đến việc Iran có thể sử dụng những lực lượng thông thường của mình can thiệp vào việc vận chuyển dầu qua eo biển Strait of Hormuz.
Trong khi đó, khoảng 40% tàu chở dầu của thế giới rời khỏi khu vực vùng Vịnh bằng ngã ba eo biển nằm giữa Iran, Oman và Saudi Arabia này đã nói lên thách thức và cái giá mà Mỹ, Israel và các đồng minh phải trả nếu tấn công Tehran bằng quân sự.
Thật vậy, bất kỳ cuộc tấn công nào vào Iran cũng phải có quy mô rộng lớn hơn so với cuộc tấn công “chỉ một lần” của Israel tháng 6-1981 vào Osirak, Iraq, làm tê liệt chương trình vũ khí hạt nhân của Saddam Hussein. Bởi Iran không phải là Iraq.
Những cơ sở hạt nhân của Iran nằm rải rác khắp đất nước, một số được đặt ở những khu vực đông dân cư, số khác nằm sâu dưới lòng đất hoặc được bảo vệ kiên cố.
Người ta khó có thể phá hủy toàn bộ các cơ sở hạt nhân của Iran chỉ trong một trận tấn công. Về chiến thuật, để chắc chắn phá hủy được các cơ sở hạt nhân ngầm, các máy bay chiến đấu cần phải cất cánh 600-1.000 lượt và có thể phải sử dụng vũ khí hạt nhân để phá hầm ngầm.
Cũng chính vì những khó khăn này mà chúng ta đã thấy người Israel, Mỹ và các đồng minh của họ tấn công Iran thông qua các phương tiện khác.
Trước hết, họ đang tìm cách hạn chế phạm vi ảnh hưởng của Iran bằng cách hỗ trợ lật đổ chế độ Bashar al-Assad ở Syria, hạn chế ảnh hưởng của Iran tại Iraq và kiểm soát Hezbollah ở Lebanon.
Họ cũng đang tìm cách tấn công chương trình hạt nhân của Iran bằng cách gây áp lực ép buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân, ám sát các nhà khoa học và triển khai chiến tranh trên mạng như tung ra sâu máy tính Stuxnet.
Không chỉ vậy, các loại phương tiện do thám hiện đại nhất sử dụng trong không trung cũng được tận dụng để thu thập thông tin tình báo.
Như vậy, có thể thấy rằng, các kẻ thù của Tehran không chỉ sử dụng các phương pháp bí mật để tấn công có giai đoạn vào chương trình hạt nhân và sức mạnh quân sự của Iran mà còn sử dụng, phát triển nhiều phương pháp mới chưa từng có, trong đó, phải kể đến những chiến thuật “ảo ảo thực thực”.
Theo petrotimes.vn