Tiết lộ sốc: Nở rộ dịch vụ kiếm lời từ tham nhũng của quan

Chính phủ Trung Quốc mạnh tay hơn với tham nhũng cũng là dịp một số tổ chức kiếm lời
Chính phủ Trung Quốc mạnh tay hơn với tham nhũng cũng là dịp một số tổ chức kiếm lời
TPO - Thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc mạnh tay hơn trong các chiến dịch chống tham nhũng và đây cũng là cơ hội để một số tổ chức kiếm lời.

Không thể phủ nhận sự lan truyền chóng mặt tin tức trên mạng internet đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phanh phui các vụ bê bối. Nắm bắt được nhu cầu, hàng loạt các “công ty quan hệ công chúng (PR) đen” (chuyên xóa bài báo, dập tắt tin đồn, scandal trên mạng) ra đời.

Công ty Yage Times, một trong những công ty PR “đen” nổi tiếng và lớn nhất Trung Quốc quảng cáo: “Dù bê bối của bạn lớn và nhạy cảm đến mức nào, chúng tôi sẽ làm cho chúng biến mất”.

Ông Zhang Shaolong, quan chức thuộc một đơn vị kỉ luật Đảng cho biết, 42% trong số các vụ tham nhũng bị phát hiện có sự đóng gớp lớn từ truyền thông, trong đó chủ yếu là từ internet.

Bùng nổ thị trường PR đen

Các công ty PR đen quảng cáo có thể xóa sạch tin tức bê bối trên mạng
Các công ty PR đen quảng cáo có thể xóa sạch tin tức bê bối trên mạng.

Theo tờ Telegraph, ít nhất 30 công ty ở Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ xóa scandal cho các quan chức chính phủ, các doanh nhân và người nổi tiếng.

Đại diện của công ty Geshigoufang, một công ty đang hoạt động trong ngành PR đen cho biết: “Gần đây chúng tôi vừa giúp một lãnh đạo của cơ quan cảnh sát ở Yết Dương, Quảng Đông xóa một loạt những tin tức về ông này trên mạng…Chúng tôi có thể xóa sạch tên của bạn trên các blog, diễn đàn, trang web tin tức, mạng xã hội Weibo, tất cả mọi thứ”.

Thậm chí bài viết trên các trang tin tức chính thống cũng được xóa sạch sẽ. “Khách hàng phải bỏ ra 13.000 NDT (tương đương với hơn 2.000 USD) để xóa bỏ một bài báo trên trang tin tức Nhân dân Nhật báo hay Tân Hoa Xã. Chi phí xóa bài trên các trang này đắt hơn vì đó là các trang web của chính phủ. Ngoài ra, đối với Nhân dân Nhật Báo, bạn phải cung cấp cho chúng tôi link bài viết bạn muốn “biến mất” và chúng tôi phải hỏi người biên tập về mức độ rủi ro khi xóa bài viết đó”.

Telegraph trích lời một nhân viên làm ở công ty này cho biết: “Chúng tôi đã có 313 khách hàng trong 30 ngày vừa qua”.

Giám đốc họ Li của một công ty PR đen khác có tên Origin of Brightness nói: “Các công ty, cá nhân và quan chức chính phủ muốn sử dụng dịch vụ này như một cách quản trị khủng hoảng. Đó là một giải pháp tốt để giấu đi những tin tức gây bất lợi”. Ông Li cho biết hoạt động kinh doanh của công ty mình rất tốt.

Trong khi đó, không chỉ ngồi chờ khách hàng gọi điện đến, công ty Yage Times có hẳn một đội ngũ nhân viên chuyên rà soát internet, tìm kiếm những bài báo có nội dung phơi bày, vạch tội rồi liên hệ đến những cá nhân, tổ chức liên quan về hỏi xem họ có cần đến dịch vụ xóa scandal của mình hay không.

Xóa một bài báo thường đòi hỏi phải hối lộ biên tập viên của một trang web hoặc một quan chức chính phủ, người có khả năng đưa ra yêu cầu kiểm duyệt.

Thậm chí, một số công ty còn làm giả tem chính phủ để gửi thông báo kiểm duyệt chính thức.

Một biên tập viên tờ Sohu (giấu tên) cho biết: “Các công ty dựa vào các mối quan hệ để yêu cầu xóa bài viết. Trang web càng uy tín thì giá thành lại càng cao, tuy nhiên vẫn có thể mặc cả được. Biên tập viên chỉ nhận được một khoản tiền nhỏ, phần lớn số tiền vào tay các ông chủ của công ty. Tôi biết những người hoạt động ngành này và bản thân tôi cũng được yêu cầu làm việc này, nhưng tôi cảm thấy rủi ro là quá lớn”.

Một biên tập viên của Tân Hoa Xã, thông tấn nhà nước, cho biết, cô có nghe nói đến việc này nhưng điều đó ảnh hưởng tới “đạo đức nghề nghiệp” và “cực kỳ khó” để xóa tin từ Tân Hoa Xã.

Siêu lợi nhuận

Tháng bảy năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích công ty Yage Times và nỗ lực đóng cửa công ty này, theo Caixin, một trong những tạp chí kinh doanh uy tín nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty này chưa bao giờ thực sự bị đóng cửa.

Caixin cho biết các năm trước, Yage Times đã thu về được 50 triệu NDT (tương đương với hơn 8 triệu USD) tiền lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này.

Cũng theo Caixin, 60% số tiền này đến từ “các quan chức chính phủ” ở các thành phố của Trung Quốc, trong đó “gồm rất nhiều cảnh sát trưởng và lãnh đạo cấp quận, huyện”. Mùa bội thu của hoạt động này là thời điểm sau kỳ họp thường niên quốc hội Trung Quốc vào tháng ba, khi chính phủ mạnh tay hơn đối với tham nhũng và các quan chức thường bị phanh phui từ những tố cáo và tin đồn lan truyền trên mạng.

Phan Yến
Theo Telegraph

Theo Dịch
MỚI - NÓNG