Khi thu hoạch đáy hàng khơi trên sông Hàng Vịnh, cách cửa biển Bồ Đề thuộc H.Năm Căn, tỉnh Cà Mau hơn 10km, ông Huỳnh Văn Được bất ngờ phát hiện trong lưới có con cá đường quý hiếm, dài gần 2m, nặng hơn 30kg.
Cá đường có màu trắng bạc, óng ánh. Bụng to, thịt béo, ngọt. Bong bóng cá được chế tạo thành chỉ khâu dùng trong y học như cá sủ vàng.
Cá đường sinh sống ở các vùng biển có độ sâu hơn 30m nước trở lên. Hơn chục năm nay, loài cá này không xuất hiện ở vùng biển Cà Mau. Mấy mươi năm trước, loài cá này vẫn thường tập trung thành từng đàn, tạo ra cụm từ "Hội cá đường" trong quá khứ của ông cha vùng cực nam Tổ quốc. Cụ thể, trước năm 1980 gặp nhiều ở các tỉnh ven biển vịnh Bắc bộ và Tây Nam bộ, mật độ khoảng 1 con/km2.
Thập niên 1980, Cà Mau rộ lên những mùa cá đường, loài cá quý mà chỉ cần bán cái bong bóng trong bụng nó người ta cũng sắm được vàng lượng.
Thời gian đó, cứ vào quãng tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hằng năm, từng đàn cá đường từ ngoài khơi xa lại rủ nhau kéo về các vùng cửa biển để “họp chợ tình”.
Sau năm 1980, do khai thác và ô nhiễm môi trường làm giảm số lượng rõ rệt. Dự đoán số lượng quần thể giảm > 20%, hiện còn khoảng > 2500 cá thể trưởng thành.
Theo nhận định, có thể do gần đây mưa dông lớn, biển động nên cá trôi dạt vào các cửa biển.
Cá đường có tên khoa học là Otolithoides biauritus, là loài cá lớn nhất trong họ cá Đù, mõm nhọn, miệng rộng, hàm dưới đạt tới quá phía sau mắt. Răng khỏe ở cả hai hàm, không có răng nanh. Bóng hơi hình củ cà rốt với một đôi nhánh phụ chạy từ phía sau lên phía trước. Vây đuôi nhọn. Đường bên chạy đến tận cùng của vây đuôi.
Phần đầu và lưng cá màu xanh xám, bên hông màu vàng, vàng da cam, nhạt hơn ở bụng. Đường bên màu vàng. Các vây lẻ và vây bụng màu nâu vàng đến vàng da cam nhạt, vây ngực màu nâu có chấm đen ở gốc.