Tiếp vụ trạm radar hàng chục tỉ làm bằng vật liệu “tự hủy”: Trạm Hòn Dấu vì sao tê liệt?

Cả 3 trạm radar biển do Trung tâm Hải văn làm chủ đầu tư đều bị tố kém chất lượng.
Cả 3 trạm radar biển do Trung tâm Hải văn làm chủ đầu tư đều bị tố kém chất lượng.
TPO - Không chỉ làm bằng vật liệu “tự hủy” như Trạm radar Đồng Hới (Quảng Bình), mà cả 3 Trạm radar biển thí điểm đầu tiên trong số 18 trạm trên toàn quốc do Trung tâm Hải Văn, thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo làm chủ đầu tư đều bị tố kém chất lượng. Đặc biệt Trạm radar Hòn Dấu (Hải Phòng) đã ngừng hoạt động mấy năm nay.

Tháng 7/2015, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra hàng loạt sai phạm ở Trung tâm Hải văn và cá nhân ông Giám đốc Trung tâm Trần Hồng Lam. Trong đó, kết luận đề cập đến chất lượng của 3 Trạm radar Hòn Dấu, Nghi Xuân và Đồng Hới. Riêng Trạm radar Hòn Dấu (Hải Phòng) đã ngừng hoạt động từ tháng 12/2015 do bị hỏng học thiết bị, không thể thu phát dữ liệu.

Theo Kết luận số 243 của Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thiết bị radar tại Trạm Hòn Dấu đã ngừng hoạt động từ tháng 12 năm 2015 đến nay, không thu phát được dữ liệu. Ngày 07 tháng 11 năm 2016, Bộ đã có Văn bản số 5137/BTNMT-TC với nội dung: Đồng ý chủ trương cho phép Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam gửi hệ thống thiết bị phần cứng radar biển trạm Hòn Dấu sang hãng sản xuất thiết bị tại Hoa Kỳ để kiểm tra, sửa chữa.

Các thiết bị hỏng hóc gồm: Hệ thống quạt thông gió EIC (AAC-140-4XT - SN 14856); Board mạch chính của hệ thống phần cứng; các bộ tạo tín hiệu chuẩn RFF và RF; máy phát radar; máy thu radar; bộ dao động tạo sóng chuẩn.  

Ngoài ra, kết luận Thanh tra cũng đã chỉ ra, Công ty Cổ phần xây lắp điện nước Anh Trang (nhà thầu xây lắp các Trạm radar biển) thi công một số hạng mục không đạt tiêu chuẩn, cũng như không đúng bản vẽ thiết kế thi công được phê duyệt tại các Trạm radar. Đặc biệt, một số thiết bị tại các trạm radar chưa được nhà thầu lắp đặt nhưng đã được Trung tâm Hải văn nghiệm thu, thanh toán.

Lập “Dự án ma“ hiệu chỉnh số liệu Trạm radar biển

Năm 2015, Trung tâm Hải văn đề xuất và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nội dung và dự toán nhiệm vụ: “Đo sóng, dòng chảy để kiểm nghiệm, hiệu chỉnh số liệu radar biển”, với số tiền gần 700 triệu đồng. Nội dung nhiệm vụ là tổ chức đo đạc sóng, dòng chảy tại 2 vị trí có độ phủ sóng quan trắc bằng radar biển tại Nghi Xuân và Đồng Hới.

Mặc dù Trung tâm Hải văn đã tiêu hết số tiền nói trên nhưng kết quả hiệu chỉnh không như nội dung đề ra. Trung tâm này giải thích: Khi xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm Hải văn đã không hiểu hết được quy trình cần thực hiện để hiệu chỉnh số liệu radar biển (Số liệu quan trắc có độ dài chuỗi là 15 ngày đêm/1 điểm đo).

Tuy nhiên, các chuyên gia về radar biển của Mỹ đã tư vấn cho Việt Nam để thực hiện hiệu chỉnh radar biển cần ít nhất quan trắc 2 ngày/tháng trong thời gian 20 tháng. Với một chuỗi đo liên tục 15 ngày/điểm nên số liệu đo không được nhiều, mới tìm ra hệ số tương quan.

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ: Trước khi họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ “Đo sóng, dòng chảy để kiểm nghiệm, hiệu chỉnh số liệu radar biển”, Trung tâm đã không báo cáo hoặc thảo luận trong Hội đồng khoa học của Trung tâm về quá trình, kết quả thực hiện, sự phù hợp về mục tiêu, nhiệm vụ, sản phẩm của Nhiệm vụ “Đo sóng, dòng chảy để kiểm nghiệm, hiệu chỉnh số liệu radar biển” và Dự án hợp tác Việt - Mỹ “Điều tra, nghiên cứu ứng dụng các mô hình hải dương học để hiệu chỉnh số liệu radar biển và dự báo sóng, dòng chảy ở Biển Đông và vùng biển phía Tây Vịnh Bắc Bộ” để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh trước khi nghiệm thu nhiệm vụ.

Ngoài ra, Trung tâm không có Quyết định thành lập Đoàn cán bộ công tác thực hiện nhiệm vụ; chia lẻ gói thầu để thực hiện hình thức chỉ định thầu với 7 gói thầu để mua nguyên liệu, thuê thiết bị, máy móc. Đối với 2 Hợp đồng thuê thiết bị đi khảo sát không ghi rõ xuất xứ thiết bị, không có kiểm định thiết bị.  

Sau khi báo Tiền Phong đăng bài: Trạm radar hàng chục tỉ đồng được làm bằng vật liệu “tự hủy”, phản ánh Trạm radar Đồng Hới được đầu tư hơn 20 tỉ đồng, nhưng vừa đưa vào sử dụng vài năm thì bị xuống cấp nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo kiểm tra thông tin. Cục này đã cử một cục phó vào Quảng Bình, tuy nhiên PV Tiền Phong tại Quảng Bình đã không thể liên lạc được với vị cục phó này để thu thập thêm thông tin. Trong lúc đó, ông Trần Hồng Lam, Giám đốc Trung tâm Hải văn cũng không bắt máy khi PV liên hệ làm việc.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.
Bình luận