Tiếp vụ sử dụng trẻ em quay số trúng thưởng: 'Thanh tra chuyên ngành phải kiểm tra, xử lý'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Lẽ ra trong trường hợp địa phương không xử lý kịp thời, thanh tra chuyên ngành phải vào cuộc, kiểm tra xử lý ngay tình trạng sử dụng các em thiếu nhi tham gia quay thưởng xổ số”, ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.

Trước tình trạng tại một số tỉnh miền Tây sử dụng các em thiếu nhi mặc đồng phục học sinh, tham gia quay thưởng xổ số kiến thiết, quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Tiếp vụ sử dụng trẻ em quay số trúng thưởng: 'Thanh tra chuyên ngành phải kiểm tra, xử lý' ảnh 1

Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ, nên Bộ luật Lao động quy định rất rõ vấn đề liên quan đến sử dụng lao động chưa thành niên. Trong đó nhấn mạnh những nơi làm việc nào, công việc nào thì được, hoặc không được sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi.

Luật cũng quy định rất rõ các trường hợp được sử dụng lao động trẻ em thì được sử dụng vào việc gì, người sử dụng lao động có những điều kiện ràng buộc gì; đồng thời cũng quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ra sao. Thậm chí, trong văn bản xử lý vi phạm cũng đưa ra các mức phạt phù hợp với từng loại vi phạm.

Như vậy pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ . Trong trường hợp cụ thể này, việc sử dụng lao động trẻ em vào hoạt động xổ số là vi phạm pháp luật. Pháp luật về lao động không cho phép sử dụng trẻ em vào hoạt động kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử. Nhưng vì sao hành vi vi phạm như vậy lại không được xử lý?

Ở đây có tình trạng buông lỏng của các cơ quan liên quan không theo dõi, kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền của mình. Còn việc kết luận sai, đúng không khó, việc phát hiện ra những vi phạm đó lại càng không khó. Vì việc đó xảy ra hàng ngày và hiển hiện ra trước mắt, ai sử dụng, ai vi phạm cũng quá rõ rồi. Nó sờ sờ ra trước mắt, ngồi nhà cũng thấy chứ đâu phải bí mật gì đâu? Còn về trách nhiệm cụ thể cũng được quy định rất rõ, ở địa phương có UBND các cấp, đặc biệt là cơ quan chuyên môn - Sở LĐ,TB&XH, phụ trách quản lý địa bàn. Thông tư 09 của Bộ trưởng LĐ,TB&XH cũng ghi rất rõ điều này.

Tình trạng buông lỏng, không thanh tra, xử lý dứt điểm, lại để kéo dài có thể gây ra những hệ luỵ không tốt. Không chỉ là vi phạm, nhờn luật, coi thường kỷ cương, coi thường dư luận, bên cạnh đó còn gây ra những hệ luỵ tiêu cực với trẻ em. Vì những công việc đó nằm trong danh mục cấm sử dụng trẻ em để bảo vệ thể lực, trí lực và nhân cách trẻ em. Nhiều tỉnh, thành còn sử dụng trẻ em vào việc quay số trúng thưởng như vậy thì cần phải xem xét lại.

Ngoài địa phương, theo ông, ở đây có hay không vai trò, trách nhiệm của Bộ LĐ,TB&XH cũng như Bộ GD&ĐT?

Với Bộ LĐ,TB&XH là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về nội dung này. Lẽ ra trong trường hợp địa phương không xử lý kịp thời, thanh tra chuyên ngành cũng phải vào cuộc, kiểm tra xử lý ngay.

Bên cạnh trách nhiệm chính thuộc về cơ quan chủ quản, Bộ GD&ĐT cũng cần có sự phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH, vì việc này có ảnh hưởng đến học sinh, đến thể chất, trí lực của các em.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị cần phải có sự vào cuộc kịp thời, không để kéo dài tình trạng này, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến trẻ em và vi phạm quyền trẻ em.

Cảm ơn ông !

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.