Tiếp tục nắm thông tin vụ in tiền polymer
Bộ Công an tiếp tục nắm thông tin về vụ in tiền polymer liên quan đến các cáo buộc từ phía nước ngoài, có việc đưa hối lộ cho một số quan chức tại Việt Nam.
Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh. Ảnh: Nguyễn Triều (Tuổi Trẻ). |
Thông tin trên được thiếu tướng Triệu Văn Đạt, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), cho biết tại cuộc họp thông báo tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm sáu tháng đầu năm 2011.
Ngoài vụ việc trên, thiếu tướng Triệu Văn Đạt cho biết, trong vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam), cơ quan công an đã khoanh vùng được khoản sai phạm 760 tỉ đồng và đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Vụ in tiền polymer: hợp tác với nước ngoài để thu thập tài liệu
Liên quan đến những cáo buộc từ nước ngoài về vụ in tiền polymer, ông Đạt cho biết, vào giai đoạn đầu khi có thông tin, lãnh đạo Bộ Công an giao Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng nắm tình hình, tiến hành xác minh. Sau đó, vụ việc này được bàn giao cho Cục An ninh tài chính tiền tệ thực hiện.
Theo ông Triệu Văn Đạt, từ thông tin trên báo chí nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam thông qua con đường hỗ trợ tư pháp đề nghị cơ quan tư pháp nước ngoài cung cấp tài liệu nhưng chưa có căn cứ để khẳng định có hay không việc quan chức nào ở Việt Nam nhận hối lộ. Hiện Chính phủ giao Bộ Công an tiếp tục nắm vụ việc, hợp tác với cơ quan nước ngoài để thu thập thông tin. Nếu có đủ căn cứ pháp lý sẽ xử lý tương tự như vụ PCI.
Vụ tham nhũng tại Công ty ALCII gây thất thoát 3.600 tỉ đồng
Về vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty ALCII, ông Đạt cho biết, theo các kết luận kiểm toán và kết luận thanh tra của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số tiền thất thoát ban đầu tại ALCII khoảng 3.600 tỉ đồng. Ngay sau khi các cơ quan này kết luận, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vào cuộc điều tra và khởi tố vụ án, bắt tạm giam ba bị can để điều tra.
Các bị can bị bắt về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm ông Vũ Quốc Hảo - nguyên tổng giám đốc ALCII, ông Tôn Quang Việt - nguyên phó phòng cho thuê ALCII và ông Đặng Văn Hai - chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Quang Vinh.
Trong giai đoạn đầu, cơ quan điều tra xem xét bảy hợp đồng kinh tế của ALCII và các công ty liên quan, xác định số tiền sai phạm của bảy hợp đồng là 760 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đang trưng cầu giám định về tài chính nhằm xác định thiệt hại, xử lý đối với các bị can.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xử lý cuốn chiếu từng mảng, từng lĩnh vực. Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên nghe báo cáo về vụ án và chỉ đạo kiên quyết, bất kỳ cá nhân nào có vi phạm đều phải được xử lý.
Phát hiện trên 5.300 vụ việc vi phạm kinh tế
Trong sáu tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng phát hiện hơn 5.300 vụ việc vi phạm về kinh tế, tham nhũng, tăng hơn 6,5% so với cùng kỳ năm 2010. Cơ quan công an xác định số tiền thiệt hại gần 1.850 tỉ đồng, bước đầu thu hồi, tạm giữ, kê biên trên 650 tỉ đồng, thu giữ hàng hóa trên 266 tỉ đồng. Cơ quan công an đã phá nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngân hàng tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận với số tiền thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.
Về tội phạm hình sự, lực lượng cảnh sát đã điều tra khám phá trên 15.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý trên 22.000 người liên quan, triệt phá hơn 1.800 băng ổ nhóm tội phạm các loại. Lực lượng cảnh sát bắt và vận động đầu thú hơn 4.000 đối tượng truy nã, trong đó có gần 800 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, tội phạm hình sự đang diễn biến rất phức tạp, tội phạm có sử dụng vũ khí, kể cả vũ khí quân dụng và vũ khí tự chế, đang gia tăng và xảy ra ở nhiều địa phương; tội phạm hoạt động theo băng ổ nhóm cũng có xu hướng gia tăng, nhất là nhóm đâm thuê chém mướn, bảo kê nhà hàng, bến bãi, tổ chức cá độ, cờ bạc, xiết nợ, đòi nợ thuê...
Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đánh giá nguyên nhân có một phần do suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng vỡ nợ, nợ nần không thanh toán được nên các băng nhóm được thuê để đòi nợ, xiết nợ dẫn đến mâu thuẫn xã hội, trả thù nhau.
TP.HCM: cảnh báo tình hình tội phạm gia tăng
Tại buổi làm việc với Ban pháp chế HĐND TP.HCM sáng 5-7, Viện Kiểm sát nhân dân TP đã cảnh báo về tình hình gia tăng của các loại tội phạm trên địa bàn TP trong những tháng gần đây. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm, số vụ án khởi tố mới tăng 268 vụ và tăng 128 bị can so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, các loại tội phạm tăng nhiều nhất là “trộm cắp tài sản” (tăng 150 vụ), “tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy” (tăng 77 vụ), “cướp giật tài sản” (tăng 22 vụ)... Duy chỉ có nhóm tội liên quan đến tham nhũng và chức vụ là giảm về số vụ khởi tố mới (chỉ khởi tố 5 vụ, giảm 4 vụ).
Đặc biệt, Viện Kiểm sát nhân dân TP kiến nghị HĐND TP tăng cường giám sát đối với lĩnh vực quản lý tài chính, ngân hàng. Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP, trong số 46 vụ án khởi tố mới có nhiều vụ các đối tượng tội phạm đã lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng trong kiểm tra, quản lý để câu kết, móc nối với cán bộ ngân hàng thực hiện hành vi phạm tội.
Phải bảo vệ người tham gia đấu tranh chống tội phạm Liên quan đến vụ anh Nguyễn Tăng Tiên (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị chém, thiếu tướng Phan Văn Vĩnh - tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - cho biết đã cử đoàn công tác đến Bình Dương, phối hợp với công an địa phương để điều tra, xử lý thật tốt tình hình an ninh trật tự tại Bình Dương. Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cũng đang nghiên cứu mô hình về những công dân tốt, người bạn lớn của lực lượng công an nhân dân như anh Nguyễn Tăng Tiên, đệ trình lãnh đạo Bộ Công an những biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tham gia đấu tranh chống tội phạm như anh Tiên. Ông Vĩnh nhấn mạnh, những người tham gia cùng với lực lượng công an trực tiếp đấu tranh chống tội phạm cần phải được bảo vệ, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân, hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự trị an, bảo vệ an ninh Tổ quốc. |
Theo M.Quang - NG.Triều
Tuổi Trẻ