Bây giờ nghỉ hưu, trò chuyện với PV Tiền Phong về chủ đề này trong bối cảnh năm 2018 khép lại khi “lò”, chống tiêu cực, tham nhũng rất nóng, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, cần cải cách mạnh mẽ cơ chế, thể chế quản trị quốc gia… nếu không “việc cũ chưa giải quyết xong thì vụ việc mới đã có nguy cơ xuất hiện”.
Chú trọng kiểm soát quyền lực
3 năm sau Đại hội 12 của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt. “Lò nóng”, “củi khô”, “củi tươi” vào cũng cháy dường như đã trở thành câu nói quen thuộc, thể hiện sự đồng lòng của người dân và cả xã hội đối với Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Ông bình luận thế nào về xu thế này?
+ Ông Vũ Ngọc Hoàng: Trong 3 năm qua, nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân rất đồng tình và hoan nghênh lãnh đạo Đảng và Chính phủ về cuộc chiến chống tham nhũng. Giai đoạn trước vấn đề này cũng được nói đến nhưng làm ít, nói không đi đôi với làm, thiếu gương mẫu, để nhiều vụ tham nhũng phát sinh rất phức tạp. Sau đại hội XII, cuộc chiến chống tham nhũng đã được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, đã khôi phục đáng kể lòng tin của mọi người về sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc chiến gian khổ này. Loại ý kiến nữa cũng rất đúng và có trách nhiệm là mong muốn cuộc chiến này được bổ sung thêm các giải pháp về cải cách thể chế quản lý để đạt kết quả lâu bền, chắc chắn, không quay lại tình trạng cũ, dù sau này có lúc người khác sẽ lãnh đạo.
Trước đây, ông từng có loạt bài cảnh báo về “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Nay nhìn lại các vụ án, vụ việc mà Đảng và các cơ quan nhà nước đã và đang giải quyết ông đánh giá thế nào về sự hiện hữu của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”?
+ Đúng là thực tế mấy năm qua đã cho thấy “chủ nghĩa tư bản thân hữu” không còn là cảnh báo như 4 năm trước tôi trình bày trên các bài viết, mà nó đã hiện hữu rất rõ ràng, vô cùng phức tạp và nhức nhối. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã và đang chỉ đạo giải quyết một cách tích cực nhưng tình hình vẫn còn nhiều phức tạp, nguy cơ bất ổn không phải đã hết, hằng tuần, hằng tháng bệnh tiêu cực vẫn đang phát sinh. Những vụ việc cũ đã có từ những năm trước chưa giải quyết xong thì vụ mới coi chừng vẫn không tránh khỏi.
Theo ông, thời gian tới Đảng cần phải có những giải pháp gì để ngăn chặn “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” cũng như tình trạng quan chức “bắt tay” với doanh nghiệp để trục lợi, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng?
+ Tôi không định nói ngăn chặn “triệt để” bởi sợ nói thế có vẻ tuyệt đối quá, khó đạt được trên thực tế. Đảng, Nhà nước cũng là một cơ thể sống, có khỏe mạnh và có bệnh tật hoặc tiềm tàng bệnh tật. Một lúc nào đó nếu lơi lỏng, mất cảnh giác thì bệnh lại nổi lên, chữa chạy không tốt thì sẽ chết người. Cần giữ vững và nâng cao sức đề kháng một cách thường xuyên chứ không phải lâu lâu mới làm một đợt. Để ngăn chặn căn bản tình trạng “chủ nghĩa tư bản thân hữu” tôi nghĩ là cần cải cách mạnh mẽ cơ chế, thể chế quản trị quốc gia; cách tuyển chọn và bố trí cán bộ; đổi mới căn bản công tác tư tưởng và lĩnh vực giáo dục-đào tạo.
Trong cải cách thể chế cần chú trọng hàng đầu việc kiểm soát quyền lực, thực thi dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội. Đối với kiểm soát quyền lực cần hết sức coi trọng việc kiểm soát quyền lực bằng chính quyền lực nhà nước, thực chất cũng là xây dựng nhà nước pháp quyền. Mấy năm nay vấn đề kiểm soát quyền lực, kể cả ở cấp cao nhất đã được nói đến không ít nhưng trên thực tế triển khai còn rất chậm chạp, có lẽ là không ít người chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Một khi chưa coi trọng đúng mức việc kiểm soát quyền lực thì đồng nghĩa với việc chưa ngăn chặn được từ gốc, chưa giải quyết vấn đề từ nguyên nhân sâu xa của tình trạng thoái hóa biến chất trong đội ngũ cán bộ.
Tôi biết cũng có ý kiến cho rằng, trong quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam đã có nội dung về kiểm soát quyền lực rồi, chỉ cần thực hiện tốt các quy định đã có là được rồi. Đúng là đã có nhiều quy định nhưng xin nói là còn rất thiếu, kể cả những vấn đề hết sức quan trọng. Chúng ta từng thấy, ở một nước nào đó, khi tổng thống ra quyết định sai luật thì tòa án ở địa phương cũng có quyền tuyên bố quyết định ấy phạm pháp, phải bãi bỏ và ý kiến của tòa án có hiệu lực ngay. Đó là kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước. Nước ta thì chưa làm được như thế. Thể chế của nhiều nước liên quan đến cách phân quyền giữa 3 nhánh quyền lực nhằm tạo ra thế cân bằng và độc lập tương đối, không nhánh nào độc quyền về quyền lực và có kiểm soát chéo lẫn nhau. Mô hình này có những kinh nghiệm về kiểm soát quyền lực nhưng nhiều khi ta chưa nghiên cứu kỹ để tham khảo. Đó là chưa nói đến các lĩnh vực khác về quyền tham chính của người dân về tự do ngôn luận và tự do báo chí để tham gia kiểm soát quyền lực…“Lợi ích nhóm” bao che, bảo kê cho nhau, cộng với sự thiếu minh bạch nên các đại biểu không tiếp cận đầy đủ được thông tin về cán bộ, đồng thời tiêu cực không phải chỉ nằm ngoài mà nằm ngay trong công tác cán bộ, họ chạy chọt, mua bán chức quyền, đút lót, bỏ tiền ra vận động phiếu, người thì “nhận tiền”, người khác thì biết nhưng cũng không dám đấu tranh.
Hiện nay, ở nước ta đang thực hiện chế độ kinh tế nhiều thành phần bình đẳng với nhau, đó là việc dài lâu, là đường lối đúng, và chính điều đó cũng là cơ sở thực tế để nghiên cứu chế độ đa sở hữu về đất đai ở Việt Nam. Tôi tha thiết đề nghị đại hội XIII của Đảng quan tâm xem xét vấn đề này.
“Tham nhũng ghế” đã xuất hiện khá nhiều
Còn cách tuyển chọn và bố trí cán bộ thì giải pháp nào để những người có tài, có đức có chỗ đứng trong bộ máy?
+ Trong đổi mới công tác cán bộ, cần thực hiện tranh cử, kể cả trong nội bộ Đảng và trong xã hội. Tranh cử thực chất, từ nhiều phương án để chọn một, công bằng và minh bạch, không có “quân xanh”, “quân đỏ”. Lấy tranh cử thay cho sắp đặt. Trong đổi mới công tác tư tưởng, cần minh bạch hóa thông tin và những công việc của quốc gia, khuyến khích và tôn trọng phản biện xã hội, tôn trọng những ý kiến khác nhau, bình đẳng trong tranh luận. Đó là cách tiếp cận để đi đến chân lý, cách khai hóa văn minh cho dân tộc và xã hội. Đổi mới giáo dục cũng phải nhằm tạo ra những con người có năng lực tư duy độc lập, biết và có thói quen phản biện khoa học, có khả năng tranh luận về các vấn đề của xã hội và đất nước.
Qua công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng đã phát hiện ra nhiều cán bộ có vi phạm hết sức nghiêm trọng từ trước. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó vẫn “lọt” qua các vòng sát hạch và “lọt” vào được Ban Chấp hành T.Ư, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị. Ông suy nghĩ gì về thực tế này?
+ “Lợi ích nhóm” bao che, bảo kê cho nhau, cộng với sự thiếu minh bạch nên các đại biểu không tiếp cận đầy đủ được thông tin về cán bộ, đồng thời tiêu cực không phải chỉ nằm ngoài mà nằm ngay trong công tác cán bộ, họ chạy chọt, mua bán chức quyền, đút lót, bỏ tiền ra vận động phiếu, người thì “nhận tiền”, người khác thì biết nhưng cũng không dám đấu tranh. Vì vậy có những cán bộ hư hỏng “lọt” vào các cơ quan lãnh đạo, kể cả ở cấp rất cao, cũng là chuyện dễ hiểu. “Tham nhũng ghế”, “tham nhũng quyền lực” là các khái niệm đã xuất hiện khá nhiều trong dư luận để chỉ các tiêu cực về công tác cán bộ. Đây là biểu hiện của thoái hóa rất nghiêm trọng trong bản thân bộ máy. Tình trạng này không phải là không có cách giải quyết nếu như những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, cơ quan làm công tác cán bộ thật sự muốn khắc phục.
Quy trách nhiệm cá nhân trong công tác cán bộ
Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, T.Ư đang thực hiện các bước, quy trình để xem xét, giới thiệu nhân sự quy hoạch vào Ban Chấp hành T.Ư. Từ thực tế các bài học kinh nghiệm khi chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội 12 của Đảng, theo ông cần chú ý giải pháp gì để ngăn chặn được tình trạng chạy chức, chạy quyền, “lợi ích nhóm”, để lọt cán bộ xấu vào T.Ư?
+ Để chống chạy chức chạy quyền, “lợi ích nhóm” trong công tác nhân sự, cần chú ý một số giải pháp: Bí thư, trưởng ban tổ chức và các thành viên của tiểu ban nhân sự các cấp phải thật sự quyết tâm chống các tiêu cực trong công tác nhân sự. Chọn những người liêm khiết và công tâm để làm công việc nhân sự này, thay đổi các cán bộ tổ chức có dư luận xấu về tiêu cực trong công tác cán bộ. Tạo ra dư luận rộng rãi để phát hiện và công khai phê phán chạy chức chạy quyền, trước tiên là đối với người chạy, đồng thời kể cả đối với người chấp nhận cho người khác chạy, “nhận hối lộ”. Nghiên cứu thực hiện việc tranh cử thay cho sắp đặt. Các trường hợp cán bộ đã thoái hóa nhưng lần đại hội trước vẫn “lọt” được vào các cấp ủy và thường vụ, Trung ương và Bộ chính trị, cần phải truy tìm và quy rõ trách nhiệm cá nhân của những người đã giới thiệu, đã tạo điều kiện hoặc trực tiếp giúp đỡ cho những người ấy “lọt” vào. Tất nhiên, đây là việc khó, nhưng vẫn có cách truy tìm nếu thật sự muốn làm rõ, đừng cố ngụy biện là trách nhiệm chung chứ không quy cho cá nhân nào được.
Từ kết quả xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong 3 năm qua cho thấy, nếu Đảng thực sự trong sạch, nêu gương, quyết liệt chống cái xấu, tiêu cực trong nội bộ thì sẽ tạo dựng được niềm tin đối với quần chúng nhân dân. Vậy theo ông thời gian tới Đảng cần có những giải pháp gì để tiếp tục tạo đà, tạo thế để vượt qua những thách thức, lấy lại niềm tin vững chắc hơn trong lòng nhân dân?
+ Phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cuộc chiến chống tham nhũng bằng nhiều cách làm phù hợp và hiệu quả, kiên quyết không để cho tình trạng suy thoái đến mức vượt ngưỡng, không thể quay trở lại được. Mặt khác, quan trọng và cơ bản hơn là việc cải cách cơ chế và thể chế để khắc phục tình hình từ những nguyên nhân gốc rễ. Công tác xây dựng Đảng và Nhà nước là cả một khoa học, cần thực hiện một cách khoa học, phải có cách tiếp cận đúng, khách quan và thật sự cầu thị, chủ động tiếp thu các kinh nghiệm của thế giới, của các mô hình hiệu quả, không máy móc, bảo thủ giáo điều và xơ cứng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ
Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Tiếp tục tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.
Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.
Đây là bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ đối với đồng chí Tất Thành Cang, (người vừa bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM-PV) mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để lại nỗi đau khôn lường đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn. Mỗi người cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng; danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên”.