> Ý kiến đại biểu Quốc hội trước phiên khai mạc
> Ngày mai, Quốc hội bắt đầu kỳ họp 'nóng'
Vì lợi ích chung của dân tộc
Tổng hợp ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa qua cho thấy còn những vấn đề có ý kiến khác nhau như tên nước, chế độ sở hữu đất đai, vai trò của hội đồng nhân dân, chúng ta giải trình tiếp thu ra sao?
Tinh thần là chúng ta tiếp thu tối đa, giải trình thật đầy đủ ý kiến nhân dân. Vừa rồi họp T.Ư cũng nói rõ việc này để ra Quốc hội xem xét, trao đổi, thảo luận chứ T.Ư không ra nghị quyết, vì nếu ra nghị quyết là bó hẹp lại.
Việc tiếp thu ý kiến nhân dân phải rất thận trọng, đồng thời cũng hết sức trân trọng, tôn trọng quyền của nhân dân. Lần này thảo luận tại Quốc hội, những góp ý của nhân dân cần phải được người đại diện của dân là ĐBQH xem xét rất nghiêm túc.
Bản thân nhân dân cũng có nhiều ý kiến khác nhau, chọn ý kiến nào, theo ý kiến nào, đòi hỏi sự sáng suốt của ĐBQH. Phải vì sự phát triển chung của đất nước, vì lợi ích chính đáng của con người, của nhân dân Việt Nam lên trên, vì sự phát triển của dân tộc ta trong tương lai.
Vậy theo ông, có những vấn đề gì cần quan tâm thảo luận lần này?
Trước hết, chúng ta phải tôn trọng những nguyên tắc là cái gì thấy cần sửa, nếu không sửa sẽ cản trở sự phát triển thì phải sửa ngay. Còn những cái thấy cần phải sửa nhưng chưa tổng kết thực tiễn, chưa rõ, có thể các nước làm rồi nhưng mình chưa có thực tiễn thì chưa nên đưa vào.
TS Đinh Xuân Thảo Viện trưởng Viện NCLP. |
Việc tiếp thu ý kiến nhân dân phải rất thận trọng, đồng thời cũng hết sức trân trọng, tôn trọng quyền của nhân dân. Lần này thảo luận tại Quốc hội, những góp ý của nhân dân cần phải được người đại diện của dân là ĐBQH xem xét rất nghiêm túc” . TS Đinh Xuân Thảo |
Ví dụ, việc lấy phiếu tín nhiệm, Hiến pháp 1992 quy định về bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng 20 năm chưa làm được. Kỳ này, Quốc hội tiến hành lấy phiếu coi như mở đầu cho việc bỏ phiếu thuận lợi hơn. Nhưng một khi đã có nhận thức đầy đủ, có quy trình thủ tục được luật hóa, có lẽ không cần thực hiện qua hai giai đoạn như nghị quyết của Quốc hội, mà nên đi thẳng vào bỏ phiếu luôn. Việc lấy phiếu lần đầu tiên thực hiện cũng coi như là thí điểm, chưa biết kết quả thế nào mà mình lại đưa ngay vào trong Hiến pháp thì chưa nên.
Việc thành lập các thiết chế độc lập như Hội đồng Hiến pháp cũng cần bàn kỹ. Thiết chế bảo vệ Hiến pháp đã được đặt ra liên tục trong các Nghị quyết T.Ư nhiều khóa, được tổ chức nghiên cứu khá kỹ rồi. Tôi thấy đã đến lúc chín muồi, nếu ra đời được sẽ rất tốt. Nhưng cũng có ý kiến nghi ngại nó sẽ đẻ thêm lắm cơ quan, chồng chéo nhau; nên tổ chức lại thiết chế hiện nay tức là giao cho nhiều cơ quan (Quốc hội, Chính phủ, tòa án) cùng làm.
Nhưng thực tế, các thiết chế đó lâu nay làm chưa tốt, thể hiện rõ trong đánh giá tổng kết 20 năm thi hành Hiến pháp 1992. Đây là cái tồn tại lâu rồi, vì vậy dự thảo mới đề xuất mô hình mới. ĐBQH sẽ phải cân nhắc khi cho ý kiến về vấn đề này.
Cơ chế bảo hiến
Một bản Hiến pháp tốt phải có cơ chế để tự bảo vệ (cơ chế bảo hiến). Nhưng Dự thảo mới chỉ đưa ra một mô hình là Hội đồng bảo hiến - mà nhiều ý kiến cho rằng cơ quan này thiếu tính độc lập và không có đủ quyền năng để xét xử các hành vi vi hiến?
Hội đồng Hiến pháp phải là một cơ quan độc lập, nhưng muốn nó có đủ thẩm quyền, chúng ta phải thảo luận để trao cho nó một thẩm quyền nhất định. Nếu thẩm quyền đó chưa cao được như một Tòa án Hiến pháp thì nó cũng phải ở mức như các Hội đồng Hiến pháp của một số nước, tức là nó cũng có thể bác bỏ những hành vi vi hiến ngay từ ban đầu, còn nếu để thẩm quyền đó thấp quá thì nó trở thành như hình thức thôi.
So với Hiến pháp năm 1992, ông thấy lần này Dự thảo có điểm gì thực sự nổi bật?
Chương 1 đã xác định rõ hơn chủ quyền nhân dân, quyền lực nhân dân, vai trò làm chủ đất nước của nhân dân qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Điều này, qua góp ý, nhân dân rất ủng hộ. Chương 2 quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng được thể hiện rõ hơn, rất nhiều ý kiến nhân dân, dư luận trong và ngoài nước đồng tình.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn vướng đấy là quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Mô hình chính quyền địa phương cũng còn nhiều vấn đề. Hay trước đây, thấy bất cập muốn thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân một số cấp, nhưng đến nay vẫn chưa tổng kết được thí điểm.
Cảm ơn ông.
Nguyễn Tuấn
Thực hiện