Trao quà cho bạn trẻ chậm tiến đã tiến bộ. Ảnh: N.H. |
Hằng ngày Nguyễn Ngọc Hải (17 tuổi, trú tổ 21, phường An Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng) thức dậy sớm đạp xe đến cơ sở khâu vá giày da Nguyễn Vũ Phong trên đường Điện Biên Phủ để làm việc. Gần 1 năm tập sự, Hải bắt nhịp tốt với công việc, có thu nhập đỡ đần gia đình. Tuy nhiên, điều đáng quý hơn là Hải tìm được ý nghĩa sống, cách sống đẹp và xa rời những tháng ngày quậy phá trước đây.
Hải người nhỏ thó, nhưng từng là đàn anh nổi tiếng quậy phá trong trường cấp hai. Gia cảnh khó khăn, mẹ làm tạp vụ quán cà phê, bố phu hồ trong các công trình xây dựng, Hải thường xuyên lơ là việc học, thậm chí bỏ học, quậy phá. Nhiều lần nhà trường mời phụ huynh đến làm việc, nhưng Hải vẫn chứng nào tật ấy rồi bỏ học.
“Chúng bạn rủ rê là mình lao theo, nhưng sau lần đi thăm trại giáo dưỡng và đối thoại với Bí thư Thành ủy, em mới nhận ra việc làm sai trái của mình và cố gắng đứng dậy”, Hải nhớ lại. Nhờ sự giới thiệu của ngành chức năng, Hải xin học việc tại cơ sở giày da, thu nhập ổn định hơn 2 triệu đồng/tháng. Hải ấp ủ dự định đăng ký học lớp bổ túc tại trung tâm giáo dục thường xuyên để lấy bằng phổ thông.
Cùng cảnh ngộ, Đặng Văn Tùng (trú phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) mới 15 tuổi nhưng đã khá nổi danh về trộm cắp vặt. Học lớp 7, để có tiền chơi game, Tùng gần chục lần lấy cắp và bị công an phường bắt giữ.
Đầu tháng 9 - 2010, Tùng cùng gần 300 thanh thiếu niên chậm tiến được thăm quan trại tạm giam Hòa Sơn, trường Giáo dưỡng số 3 đóng tại vùng rừng núi heo hút nhất của xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Ngay sau chuyến đi, Tùng ý thức việc làm của mình, về nhà xin lỗi gia đình, hàng xóm và tự hứa tích cực sửa chữa.
Hỗ trợ học nghề, sinh kế
Hải và Tùng là những thanh niên chậm tiến đầu tiên tiến bộ sau chuyến thăm quan trại giáo dưỡng và đối thoại với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, cho biết các em này được chính quyền, ngành chức năng địa phương xác nhận không còn quậy phá, gây rối, quay trở lại học hành, đang tìm kiếm hoặc đã có việc làm.
Trung tá Nguyễn Hữu Lài, Phó phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Đà Nẵng, cũng cho hay nhờ sự tiếp sức của ngành chức năng, tình hình thanh thiếu niên phạm pháp trên địa bàn đã có chiều hướng giảm đáng kể: Nếu năm 2009 có 262 vụ thanh thiếu niên phạm pháp, năm 2010 giảm còn 200 vụ.
Tuy nhiên, theo Thành Đoàn Đà Nẵng số em tiến bộ còn chiếm tỷ lệ khá thấp. Theo anh Triết, cần xã hội hóa nguồn quỹ hỗ trợ bạn trẻ chậm tiến học nghề, sinh kế để các nhà quản lý, doanh nghiệp thấy được đây cũng là trách nhiệm để cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp hơn.
Hơn 250 triệu đồng hỗ trợ nghề nghiệp Thành Đoàn Đà Nẵng vừa trao 254 triệu đồng từ ngân sách thành phố để hỗ trợ cho hơn 100 thanh thiếu niên chậm tiến học nghề, tìm kiếm việc làm và mua sắm các phương tiện sinh kế. |