Hỗ trợ vật chất và cả tinh thần
Từ hoàn cảnh cá nhân: 6 đứa em học hết lớp 9, bố mẹ ly dị, là người duy nhất trong nhà được đi học đại học, chị Dung nung nấu ý định phải làm gì đó để giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Tháng 9/2012, Quỹ Khát Vọng (do chị Dung và nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp tài trợ và điều hành) ra đời nhằm hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các em học sinh nghèo, học sinh cấp 2, cấp 3, lực học khá giỏi có nguy cơ bỏ học. Hiện, đối tượng được giúp đỡ của Quỹ hầu hết là các em đều mồ côi. Quỹ hỗ trợ kinh phí cho các em đến hết lớp 12, trường hợp nào tiếp tục vào đại học hoặc học nghề sẽ được Quỹ hỗ trợ thêm 6 tháng để có thời gian tìm kiếm công việc.
Trong suốt quá trình đó, Quỹ sẽ theo sát để hỗ trợ về tinh thần và theo dõi những thay đổi của các em. Đó là điều khác biệt so với những tổ chức từ thiện khác. “Đây là lứa tuổi tạo rất nhiều thay đổi trong tương lai. Là độ tuổi mới lớn, nhạy cảm về tâm lý nên rất dễ gặp rủi ro. Là lúc các em bắt đầu biết lao động nên có thể sẵn sàng bỏ học để đi kiếm tiền. Nếu không có sự nâng đỡ kịp thời về tinh thần, không có người định hướng thì rất nguy hiểm”, chị Dung chia sẻ.
Chị Dung cho biết, nếu chỉ cấp học bổng một, hai lần sẽ không giải quyết được vấn đề mà cần làm sao để tạo ra tương lai của một đứa trẻ.
Mới đầu thành lập, gia đình Khát Vọng nhận hỗ trợ 9 em. Đến tháng 4/2016, Khát Vọng đã có hơn 70 em. Mỗi tình nguyện viên sẽ phụ trách 4 - 5 em để thường xuyên gọi điện, động viên. Mỗi tháng, chị Dung phải tự lặn lội đến các vùng xa để xác minh các trường hợp. Sau mỗi chuyến đi, chị luôn day dứt: “Mỗi lần đi xác minh về, tôi lại cảm thấy day dứt vì có nhiều em không nằm trong độ tuổi Quỹ quy định đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lần tôi không dám đi vì sợ gặp rồi lại phải từ chối. Dù tôi rất thương nhưng khả năng của Quỹ hạn chế, không cho phép”.
Các em nhỏ trong gia đình Khát Vọng tham gia trại hè. Đây là hoạt động nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu và rèn luyện kỹ năng sống.
Vun trồng trí tuệ
Mỗi năm, Quỹ sẽ tổ chức chương trình trại hè vào tháng 7, tạo cơ hội để các em trong gia đình khát vọng gặp gỡ nhau. Trại hè kéo dài trong một tuần, với các hoạt động đào tạo định hướng, kỹ năng giúp các em định hình tâm thế đẹp để phát huy tài trí cho tương lai của chính
các em.
“Việc hỗ trợ kinh phí một, hai lần không tạo ra tương lai cho một đứa trẻ. Như việc chúng ta ném một viên đá xuống hồ xong nó lại im lặng. Cái đói về miếng ăn chưa là vấn đề mà là cái đói về tình người, về tương lai mới là quan trọng. Vì vậy, Quỹ chọn cách hỗ trợ một khoản tiền nhỏ trong thời gian dài để các em không bị quá phụ thuộc vào người khác. Khoản tiền đó chỉ để các em đủ sống, đủ trân trọng”.
Chị Vũ Thị Dung, người sáng lập Quỹ Khát Vọng
Mặc dù cơ sở ở Hà Nội nhưng phạm vi hỗ trợ của Quỹ ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Tây Ninh, Quảng Nam, Phú Yên, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Tuyên Quang, Thanh Hóa… Sau khi được Quỹ hỗ trợ về vật chất và tinh thần, nhiều em đã có những tiến bộ vượt bậc. Không chỉ đạt giải cao trong kỳ thi cấp tỉnh, cấp huyện trong năm học mà đã có nhiều em thi đỗ đại học, sau đó trở lại làm tình nguyện viên cho Quỹ. Điển hình như Vũ Chi Mai (SN 1995, sinh viên ĐH Thương mại) và Trần Thị Huệ (sinh viên ĐHQG Hà Nội) là những “đứa con” trong lứa đầu tiên của Quỹ. Hiện, hai em đang làm tình nguyện viên cho Quỹ. Bị bố bỏ rơi 3 mẹ con, sau đó mẹ Mai bị suy nhược nặng, không có khả năng lao động. Em trai của Mai đã bỏ học 5 năm để chị có điều kiện đi học tiếp. Với Huệ, một cô gái có nghị lực mạnh mẽ khi bị liệt nửa người nhưng vẫn quyết tâm thi đỗ khoa Tâm lý để đồng hành, nâng đỡ các em về mặt tinh thần trong gia đình Khát Vọng.
Nguyễn Trọng Đạt (SN 2002, Phú Yên) là trường hợp thay đổi vượt bậc sau khi tham gia ngôi nhà Khát Vọng. Là một học sinh lớp 8 nhưng Đạt chỉ nặng 20kg, em không có bố từ nhỏ, khi 5 tuổi thì mẹ mất. Hiện, Đạt sống với người dì bị thần kinh và Đạt trở thành trụ cột chăm sóc dì. em luôn tự ti, mặc cảm, bị bạn bè xa lánh vì bị khuyết tật bộ phận sinh dục bẩm sinh.
“Ngày ra đón con tại bến xe, tôi bật khóc khi nhìn Đạt vừa đen, hốc hác, không cười, không chào. Em hoàn toàn là một đứa trẻ vô hồn. Nhưng sau khi tham gia trại hè, dường như mọi sự kìm nén của một đứa trẻ thiếu thốn về mọi thứ được vỡ òa. Đạt đã nói cười, giao tiếp với mọi người, đặc biệt, sau vài tháng, em đã tăng thêm 5kg”, chị Dung kể.
Cũng là một đứa con trong ngôi nhà Khát Vọng, em Trịnh Quốc Đạt (SN 2001, Quảng Ninh), bố mất 2009 vì tệ nạn, mẹ đi tù về thì thần kinh không bình thường, thỉnh thoảng đi cắt cỏ, làm thuê. Đạt bị bạn bè xa lánh nhưng em là đứa trẻ thông minh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố.
“Có lần Đạt điện cho tôi và nói: Con có một ước nguyện nhưng con không dám nói. Đó là được một lần gọi tôi là mẹ, tôi òa khóc trong niềm vui, xúc động. Tôi luôn dặn con không bao giờ được đi theo vết xe đổ của bố mẹ và Đạt hứa với tôi rằng, con sẽ không bao giờ làm vậy, vì hơn ai hết, Đạt hiểu được những gì con đã phải trải qua”, chị Dung tâm sự.