Tiếp bài: “Bất cập hồ Tây”: Còn bị chiếm dụng và ô nhiễm

Tiếp bài: “Bất cập hồ Tây”: Còn bị chiếm dụng và ô nhiễm
TP - Tiền Phong số 193 (ngày 12-7-2011) đăng bài báo trên, phản ánh tình trạng lấn chiếm hè đường, thải rác và bơi trộm tại hồ Tây. Tại đây vẫn còn những bất cập khác khiến khu vực hồ Tây bị chiếm dụng và ô nhiễm.

Du thuyền nổi với bèo tây

Tại đoạn giáp với hồ Tây, từ nhà số 2 tới số 10 phố Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) có khoảng chục nhà nổi, du thuyền neo đậu, hoạt động.

Số du thuyền, nhà nổi hồ Tây nói trên trước đây đậu ở phía đường Thanh Niên, nhưng cuối năm 2008 bị cơ quan chức năng cưỡng chế nên phải di dời khỏi khu vực này, sau đó được cấp giấy phép tạm thời để hoạt động tại khu vực phố Thuỵ Khuê. Đến nay, giấy phép của một số du thuyền, nhà nổi tại đây đã hết hạn.

Sát với khu vực trên, tại vườn hoa Lý Tự Trọng, mặc dù Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội đã dựng biển cấm các phương tiện xe đạp, xe máy đi lại trong vườn hoa nhưng sự việc vẫn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là đường quanh hồ Tây tại đây chưa có lối đi nên xe đạp, xe máy thường băng qua vườn hoa Lý Tự Trọng để sang đường Thanh Niên, Thụy Khuê, Quán Thánh, Hùng Vương... cho tiện. Không những vậy, tại nhiều khoảng trống, bãi cỏ ở vườn hoa này còn bị một số đối tượng chiếm dụng để bán hàng; một phần rác thải từ việc bán hàng này được đổ xuống hồ.

Một số người dân phản ánh: “Buổi tối, một số ghế đá tại khu vực sát hồ Tây cũng bị nhiều người bán hàng tại đây chiếm dụng bằng cách đặt những tấm xốp để chiếm chỗ. Ai muốn ngồi thì phải mua hàng của họ, còn không thì phải tìm ghế đá ở những chỗ sáng đèn. Tuy nhiên, số ghế đá phía ngoài hoặc quanh tượng đài Lý Tự Trọng không bị chiếm dụng lại luôn có người ngồi, nên tìm được chỗ cũng không dễ”.

Theo Ban Quản lý Hồ Tây, khi bến thủy tại khu vực đầm Bảy thuộc phường Nhật Tân được xây dựng, sẽ chuyển toàn bộ du thuyền, nhà nổi ở khu vực này về đó. Còn việc phản ánh tình trạng lộn xộn ở khu vực giáp hồ Tây tại vườn hoa Lý Tự Trọng, Ban Quản lý sẽ phối hợp với công an phường Thụy Khuê để giải quyết.

Cá chết nổi lềnh bềnh tại khu vực nhà nổi, phường Thụy Khuê Ảnh: A. Trọng
Cá chết nổi lềnh bềnh tại khu vực nhà nổi, phường Thụy Khuê Ảnh: A. Trọng.

Lềnh bềnh cá chết quanh bờ

Theo nhiều người dân sống quanh bờ Hồ Tây, hiện tượng cá chết xảy ra hơn tuần nay. Ban đầu chỉ lác đác vài con, nhưng vào đầu tuần này không chỉ cá bé mà cá lớn khoảng 1 kg cũng chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. “Xưa nay việc cá chết ở Hà Nội chỉ xảy ra với các ao hồ có diện tích nhỏ hẹp và bị ô nhiễm nặng, với Hồ Tây rộng lớn và có trên 500 ha mặt nước chuyện cá chết nổi trắng bờ như vậy là điều rất khó hiểu”, ông Trần Văn Đệ, ở phường Yên Phụ nói.

Ở Hồ Tây sáng 18-7, mặt nước tại các khu vực như vườn hoa Lý Tự Trọng (phường Thụy Khuê), chùa Trấn Quốc (phường Yên Phụ), Đầm Bảy (phường Nhật Tân), quận Tây Hồ... có lượng cá chết nổi dạt vào bờ nhiều nhất. Mặc dù sáng qua có một số thuyền của nhân viên môi trường đi vớt rác và cá chết nhưng mặt nước ven bờ tại các khu vực trên vẫn trắng xác cá. Chỉ riêng một đoạn bờ hồ khoảng 50m trước các nhà nổi Tây Long 2, Tây Long 3, có tới trên 100 con cá lớn nhỏ nằm phơi bụng trên mặt nước.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cũng cho rằng, ngoài vấn đề an ninh trật tự, môi trường mặt nước Hồ Tây tại địa bàn phường cũng đang bị ô nhiễm nặng. Từ khi các nhà nổi chuyển về đây việc cá chết, nước hồ bốc mùi khó chịu bắt đầu xuất hiện.

Tại các khu vực cá chết, đặc biệt là khu vực gần các nhà nổi, thuyền nổi ở phường Thuỵ Khuê, Đầm Bảy phường Nhật Tân... mặt nước còn có nhiều váng dầu nổi lên.

Đại diện của Ban Quản lý Hồ Tây cho biết, cá chết trên Hồ Tây chỉ xảy ra cục bộ ở một số khu vực. Thời tiết nắng nóng, môi trường lòng hồ bị thay đổi là nguyên nhân chính khiến cá chết.

Ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng, nguồn nước bị ô nhiễm, có nhiều váng dầu từ động cơ máy móc thải ra là nguyên nhân làm cá thiếu ô xi và chết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG