Tiếng than từ “Tuyệt tình Cốc” - Bài cuối: Hiểm họa

Công trường khai thác đá “âm” ngổn ngang đất đá tại núi Thung (xã Lại Xuân).
Công trường khai thác đá “âm” ngổn ngang đất đá tại núi Thung (xã Lại Xuân).
TP - Những ngọn núi bị chém tan hoang sau nhiều năm khai thác lộ thiên lại tiếp tục bị “tận thu” khai thác “âm” xuống lòng đất tạo ra những hố sâu khổng lồ, trong tương lai sẽ là những “Tuyệt Tình Cốc”. Nguy cơ đất đai bị xâm mặn, cạn kiệt nguồn nước ngầm, thậm chí ảnh hưởng tầng địa chất là những hiểm họa có thể xảy ra do hoạt động khai thác đá “âm”.

Chém hết ngọn, khoét xuống chân

Từ “Tuyệt Tình Cốc” theo con đường liên xã bị cày xới tan hoang, đầy ổ gà chừng vài trăm mét là tới núi Thung, một công trường khai thác đá “âm” ở thôn Doãn Lại (xã Lại Xuân). Cả quả núi đá lớn đã bị chém bay, chỉ còn lại một số chỏm đồi thấp tè bao quanh khu vực lòng chảo. Công trường đá khá nhộn nhịp, máy xúc, xe ben hối hả hoạt động. “Ùng, ùng”, những tiếng mìn nổ rền vang, từ cái hố đang khai thác bụi đất cuộn lên như lốc xoáy. Nơi phát ra tiếng nổ mìn trong lòng chảo, mặt đất đang bị khoét sâu xuống tạo nên hố khổng lồ sâu hoắm ngổn ngang đất đá.

Ông Bùi Quang Thuấn, phó trưởng làng văn hoá Doãn Lại, cho hay mỏ đá này được Công ty Tân Hoàng An khai thác cả chục năm nay. Hầu như ngày nào nơi đây cũng diễn ra hoạt động nổ mìn khai thác đá, ngọn núi Thung sừng sững ngày nào gần như đã bị chém sạch. Những hộ dân khu vực này đã quá quen thuộc với tiếng mìn nổ, cảnh đá văng, bụi bay tứ tán, đường sá bị băm nát toàn ổ gà ổ trâu, nắng bụi mưa bùn.

Từ năm 2016, Tân Hoàng An lại được TP Hải Phòng cấp phép cho khai thác âm xuống chân núi, trên diện tích 20ha, độ sâu 20m. Phần chân núi tiếp tục bị khoét sâu tạo thành những hố ngổn ngang, sâu hoắm. “Chả hiểu người ta lấy cái gì lấp vào những hố khổng lồ đó. Nguy cơ khu vực này biến thành hồ sâu thăm thẳm sẽ khó tránh khỏi”-ông Thuấn lo âu.

Cách đó không xa, ngọn núi Bụt Mọc tại làng Thiểm Khê (xã Liên Khê), nơi có hai mỏ đá hoạt động từ hơn chục năm nay, cũng bị đào khoét tơi tả. Các sườn núi bị phá băng tận chân. Quả núi chỉ còn lại toen hoẻn một cái chỏm với các vách đá dựng đứng nham nhở. Ông Cù Văn Núi, trú thôn 9 Thiểm Khê cho biết, khoảng hai năm nay, Công ty xi măng Tân Phú Xuân lại tiếp tục nổ mìn khai thác “âm” xuống chân núi.

Theo ông Núi men theo con đường đất giáp khu dân cư, công trường khai thác đá tại chân núi Bụt Mọc ngổn ngang như vừa trải qua trận bom rải thảm. Các vách núi bị chém nham nhở chỗ vàng sậm, chỗ xám ngắt. Từ chân núi trải rộng tới sát ruộng lúa vài nhà dân là máng đá “âm” đang khai thác rộng cả chục hec-ta. Máng đá bị khoét xuống tạo vách dựng đứng ngổn ngang đất đá, đọng đầy nước. “Cái hố này mới là một phần diện tích thôi. Sau này họ khai thác hết diện tích và độ sâu, nơi đây sẽ thành tân “Tuyệt Tình Cốc” - ông Núi nói.

Tiếng than từ “Tuyệt tình Cốc” - Bài cuối: Hiểm họa ảnh 1 Biển cảnh báo khu vực nguy hiểm tại Tuyệt Tình Cốc.

Vì sao khai thác âm?

Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Thủy Nguyên, tại xã Lại Xuân và xã Liên Khê, UBND TP Hải Phòng đã cấp phép cho Công ty Tân Hoàng An và Công ty xi măng Tân Phú Xuân khai thác đá “âm”. Cả hai mỏ đá này đều được khai thác “âm” 20m trên diện tích 20ha từ năm 2015. Hiện nay, tại xã An Sơn, Công ty xi măng Phúc Sơn cũng đang trình hồ sơ đề nghị Bộ TN-MT cấp phép cho khai thác “âm” ngay tại mỏ Trại Sơn C nằm ngay khu vực “Tuyệt Tình Cốc”. Ngoài ra, Công ty Xi măng Hải Phòng cũng dự định xin cấp phép khai thác đá “âm” trên diện tích mấy chục hec-ta tại khu vực mỏ đá ở thị trấn Minh Đức.

Cũng theo Phòng TN-MT huyện Thủy Nguyên, toàn huyện có 380 triệu tấn khoáng sản đá vôi trải từ thị trấn Minh Đức tới vùng Lại Xuân, An Sơn. Tuy nhiên, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hải Phòng đã cho Xi măng Chinfon thăm dò phần lớn trữ lượng các mỏ đá vôi này. Các doanh nghiệp sản xuất xi măng và khai thác đá sau này được chia miếng bánh nhỏ còn lại. Những năm qua, với sản lượng khai thác cỡ 1-1,4 triệu tấn mỗi năm, phần mỏ của các doanh nghiệp sản xuất xi măng và khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường cũng đã vơi đi nhiều. Có lẽ vì vậy nên muốn có nguyên liệu sản xuất chỉ còn nước khai thác “âm” xuống lòng đất.

Trong nghị quyết HĐND TP Hải Phòng về “Điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (tháng 9/2015), nêu rõ việc khai thác đá vôi xuống chiều sâu tối đa chỉ được thực hiện khi “bảo đảm được yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, phục nguyên, phát triển bền vững”.

Tuy nhiên, theo Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật Hải Phòng, việc cấp phép khai thác đá “âm” như khu vực Thiểm Khê không đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Ông Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Hải Phòng cho biết, ngay thời điểm năm 2015, khi các mỏ khai thác đá “âm” vừa được cấp phép, cơ quan này đã có văn bản đề nghị UBND TP yêu cầu Sở TN-MT làm rõ các cơ sở, luận cứ khoa học trong việc tham mưu cấp phép cho hoạt động khai thác đá “âm”.

Theo ông Kể, hoạt động nổ mìn khai thác “âm” sẽ tạo thành các hố khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Phương án đóng mỏ, phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng sau quá trình khai thác theo quy định của pháp luật gần như không thể thực hiện nổi. “Không hiểu người ta lấy nguồn nguyên liệu gì, ở đâu, trong bao lâu để hoàn nguyên theo luật”-ông Kể nói.

Tiếng than từ “Tuyệt tình Cốc” - Bài cuối: Hiểm họa ảnh 2 Bà Đậu Thị Hà cho hay sau khi khai thác “âm” núi đá đã biến thành Tuyệt Tình Cốc.

Hiểm họa môi trường

Ông Lại Đức Long, Trưởng Phòng TN-MT huyện Thủy Nguyên, cho biết quan điểm của ông là không cho khai thác đá “âm”. Bởi khai thác sâu xuống lòng đất sẽ để lại hậu quả môi trường nặng nề. Theo ông Long, để được cấp phép khai thác đá “âm”, các doanh nghiệp đều có đề án phục hồi môi trường được phê duyệt. Đề án phục hồi môi trường theo hai hướng: một là khai thác xong thì sử dụng đất đá san lấp xuống tạo lên cao trình +5m, hai là để nguyên hố khai thác làm hồ sinh thái chứa nước.

“Nhưng cả hai phương án này chỉ cần đánh giá bằng cảm quan đã thấy không ổn rồi”-ông Long nói. Ông Long cho biết phương án san lấp sau khai thác chỉ là trên giấy còn thực tế khó mà thực hiện được bởi hiện nay huyện Thủy Nguyên nói riêng, toàn TP Hải Phòng nói chung đang khan hiếm nguồn nguyên liệu phục vụ san lấp. Chủ mỏ “vẽ” nguồn đất đá san lấp lấy từ Quảng Ninh nhưng đất san lấp cho các dự án còn không đủ, lấy đâu ra nguồn để san lấp những máng đá này và chi phí của nó cực lớn. Chưa kể, nếu san lấp đất đá vào sẽ càng gây ô nhiễm môi trường thêm bởi đất đá sẽ thẩm thấu, phá hủy mạch nước ngầm.

Phương án để hố khai thác đá khổng lồ làm hồ chứa nước sinh thái không chỉ có nguy cơ gây ô nhiễm mà còn biến nơi đó thành khu vực nguy hiểm đe dọa tính mạng người dân. “Tuyệt Tình Cốc” ở khu vực Trại Sơn là một minh chứng rõ ràng về hậu quả khai thác đá “âm” không thể khắc phục. Theo ông Long, Thủy Nguyên là vùng đất ven biển, khi tạo ra các “Tuyệt Tình Cốc” này thì các khu vực quanh đó sẽ phải đối diện nguy cơ bị nước biển xâm nhập, thẩm thấu gây ô nhiễm đất. Các mạch nước ngầm cũng bị huỷ hoại là khó tránh khỏi. Ông Long cho hay, thực tế ở một số xã trên địa bàn Thủy Nguyên, các giếng nước đã bị nhiễm mặn không thể sử dụng được.

Theo ông Long, việc khai thác “âm” còn nguy cơ ảnh hưởng tới địa chất, địa mạo. Ông Long cho biết trước đây, khi nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên - PV) xây dựng ống khói, họ khoan xuống 70m là không còn tầng địa chất, nên phải khoan tiếp 50m nữa mới tới tầng địa chất. Trong khi đó việc cấp phép khai thác “âm” xuống lòng đất rất khó giám sát, không ai dám chắc nó không ảnh hưởng tới tầng địa chất. “Các hố khai thác đá “âm” bỏ lại đó như Tuyệt Tình Cốc là nguy cơ về môi trường. Cảnh quan gì những nơi đó mà nói để làm hồ sinh thái”-ông Long nói.

Phương án đóng mỏ, phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng sau quá trình khai thác theo quy định của pháp luật gần như không thể thực hiện nổi. Không hiểu người ta lấy nguồn nguyên liệu gì, ở đâu, trong bao lâu để hoàn nguyên theo luật”.

Ông Hoàng Văn Kể

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.