Bài 1: Cơn sốt
Từ trung tâm xã An Sơn đi hết con đường bê tông đầy những xe ben chở đá rầm rập ra vào tung bụi mù mịt, dãy núi Trại Sơn hiện ra trước mắt với những ngọn núi lô nhô bị xẻ thịt nham nhở bởi quá trình khai thác đá. Giữa vùng đất đá bị cày xới tan hoang, nổi bật lên một hồ nước mênh mang xanh ngắt như dải lụa mềm uốn lượn dưới những vách đá lởm chởm, dốc đứng. Hồ nước xanh soi bóng ngọn núi bề mặt bị cày nát, tua tủa cạnh đá sắc nhọn xám ngắt tựa bức tranh thủy mặc này được người ta gọi là “Tuyệt Tình Cốc”-một địa danh đẹp mà độc trong truyện Thần Điêu Hiệp Lữ.
Bờ hồ ngổn ngang đất đá, bao quanh là hàng rào kẽm gai, chỉ chừa lại vài chỗ có thể xuống hồ. Bên hồ, một cây cầu lát ván gỗ có ghế xích đu sơn trắng nổi trên mặt nước. “Tuyệt Tình Cốc” vắng tanh, cả buổi chỉ có một hai người tới ngắm nghía, chụp hình. Thấy có khách bước lên cây cầu nổi, bà Đậu Thị Hà (68 tuổi) từ căn nhà gần đó tất tả bước ra xin tiền. “Tiền để xe với lên cầu chụp ảnh. Chúng tôi đã san gạt lối xuống, làm cầu nổi cho du khách ra hồ vãn cảnh kiếm vài đồng. Nhưng trước còn đông chứ giờ vắng lắm, ngày chỉ lác đác vài ba người”-bà Hà nói.
Bà Hà cho hay cuối năm 2016, khi hồ nước xanh được đưa lên mạng xã hội với cái tên “Tuyệt Tình Cốc”, đã tạo nên “cơn sốt” nhất là giới trẻ. Từng đoàn xe máy, ô tô nối đuôi nhau tìm về, mỗi ngày có tới cả nghìn người tò mò tìm đến chiêm ngưỡng hồ nước. Hàng quán, điểm trông xe mọc lên như nấm, những căn nhà bỏ hoang bên mép hồ đều được tận dụng làm quán nước, điểm coi xe. Người ta làm cầu nổi lát ván gỗ, mang thuyền vịt, bè tre, thuyền sắt ra lòng hồ cho khách ngắm nhìn, đi dạo mặt hồ.
Sau dịp tết khách đông như trẩy hội, “Tuyệt Tình Cốc” càng nổi danh hơn khi bộ ảnh “mát mắt” của hai cô gái trẻ khoe thân bên làn nước xanh được tung lên mạng. “Nhưng đình đám được mấy hôm thì chính quyền ra tay can thiệp”-bà Hà nói. Thì ra hồ nước xanh biếc Tuyệt Tình Cốc này nằm trọn trong bán kính nổ mìn khai thác của mỏ đá vôi. Hàng rào dây kẽm gai được dựng lên quây kín quanh hồ, kèm các biển cảnh báo nguy hiểm. Những chiếc thuyền vịt, bè tre, thuyền máy trong lòng hồ bị bốc đi, hoạt động chở khách dạo hồ bị cấm tiệt. Chả hiểu người ta hết tò mò hay vì lệnh cấm kia mà Tuyệt Tình Cốc thưa vắng dần. Những hộ dân quanh hồ như bà Hà mất khoản thu nhập kha khá.
Máng đá “thổ phỉ”
“Trước đây chỗ cái hồ này cũng là núi đá, chân núi kéo tới tận mép hồ cơ”-bà Hà nói. Đó là chuyện của hàng chục năm trước, đến khi người ta lên núi phá đá nung vôi thì vách núi bắt đầu bị cắt xẻ. Thời bao cấp, khai thác thủ công, những người thợ đá dùng chòong, búa, xà beng leo lên sườn núi chênh vênh đục đẽo, bẩy từng tảng đá lăn xuống chân rồi đập nhỏ thì tốc độ phá núi còn chậm. Từ những năm 2000 trở đi, khai thác đá thủ công bị thay thế bằng “công nghệ” nổ mìn phá đá. Những “trùm” khai thác thổ phỉ đua nhau nhảy vào chiếm cứ ngày đêm nổ mìn bạt núi. Mỗi chủ khai thác chiếm cứ một khoảnh, tốc độ xẻ núi nhanh đến chóng mặt, sườn núi bị hạ dần độ cao, ngày càng lùi sâu vào trong.
Đến khi mỏ đá được giao cho Công ty xi măng Phúc Sơn bên Kinh Môn (Hải Dương) khai thác để sản xuất xi măng thì những chủ khai thác đá “thổ phỉ” không còn được bạt núi nữa. Họ chuyển sang nổ mìn khoét sâu xuống khu vực chân núi đã khai thác dở dang. Chân núi biến thành một cái hố khổng lồ sâu hoắm. Dưới hố sâu người ta đặt các máy bơm công suất lớn hút nước phục vụ khai thác đá “âm”. Cả một đại công trường phía đầu núi Trại Sơn được các trùm khai thác đá đua nhau cắt gọt hết công suất.
Ba năm trước, Đoàn kiểm tra Sở TN-MT Hải Phòng đi kiểm tra phát hiện ra việc khai thác trái phép “âm” xuống lòng đất này, các chủ khai thác “thổ phỉ” mới chịu rút đi. Lúc ấy, máng đá đã bị khoét thành một hố rộng hàng chục héc-ta, sâu cả mấy chục mét ngổn ngang đất đá. Dàn lãnh đạo xã An Sơn thời trước để xảy ra khai thác thổ phỉ trên diện rộng kéo dài bị kỷ luật. Nhưng máng đá sâu hoắm này không ai chịu trách nhiệm hoàn nguyên. Nước mưa dội xuống, nước ngầm đùn lên tạo thành hồ nước thăm thẳm, dân địa phương gọi là hồ “máng đá”.
Ông Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết cuối năm 2016, hồ máng đá biến đổi thành màu xanh biếc rồi được gắn tên “Tuyệt Tình Cốc”. Ông Đăng và người dân An Sơn tin rằng chính nước ngầm từ núi đá, thuốc nổ thẩm thấu trong quá trình khai thác cộng với xỉ vôi chảy ra đã biến máng đá tan hoang thành “Tuyệt Tình Cốc” nước xanh rời rợi. Ông Đăng cho hay, trước tình trạng du khách kéo tới “Tuyệt Tình Cốc” ngày càng đông, chính quyền đã cấm các hoạt động chở khách trên mặt hồ, đồng thời yêu cầu Công ty xi măng Phúc Sơn làm hàng rào bao quanh hồ vì đây là bán kính an toàn nổ mìn của họ.
“Hồ rất sâu lại nằm trong bán kính nổ mìn của mỏ đá xi măng Phúc Sơn, mìn nổ, đá văng là chuyện thường tình. Đây là khu vực nguy hiểm, không phải để dạo chơi ngắm cảnh, chỉ sơ sểnh cái là trả giá bằng mạng sống chứ chả chơi”-ông Đăng nói.
Âu lo có thêm “Tuyệt Tình Cốc”
Ông Đăng cho biết xã An Sơn hiện có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá vôi gồm Công ty Kiên Ngọc ở phía tây nam núi Trại Sơn, Công ty Tân Hoàng An phía bắc núi Trại Sơn và Công ty xi măng Phúc Sơn khai thác hai khu mỏ Trại Sơn A và Trại Sơn C. Suốt nhiều năm qua, người dân Trại Sơn đã phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường, cảnh nhà nứt, đá văng đã khiến không ít lần người dân kêu cứu. Đến thời điểm gần đây lại có thêm máng đá “thổ phỉ” bỏ lại tạo thành hồ “Tuyệt Tình Cốc” sâu hàng mấy chục mét.
Ông Đăng cho hay “Tuyệt Tình Cốc” là hậu quả của khai thác đá tận diệt, khoét sâu xuống lòng đất tàn phá môi trường không thể khắc phục được. Cho dù muốn khắc phục cũng chỉ là chuyện không tưởng bởi với diện tích khoảng 20ha, độ sâu 30-40m, không thể đào đâu ra lượng đất đá khổng lồ để lấp đầy cái hồ rộng và sâu hoắm đó được.
Theo ông Đăng, An Sơn lại đang đứng trước nguy cơ xuất hiện thêm những Tuyệt Tình Cốc khác. Đó là việc Công ty xi măng Phúc Sơn đang trình hồ sơ đề nghị Bộ TN-MT cấp phép cho khai thác đá “âm” tại khu vực mỏ Trại Sơn C nằm kề bên Tuyệt Tình Cốc, trên diện tích 20ha, độ sâu 20-30m. Nếu Phúc Sơn được cấp phép khai thác “âm” có nghĩa “Tuyệt Tình Cốc” sẽ được mở rộng ra gấp bội, khu vực nguy hiểm có nguy cơ gây ô nhiễm lan rộng thêm. Phương án hoàn nguyên, phục hồi môi trường dĩ nhiên là có nhưng nó chỉ nằm trên giấy còn thực tế khó có thể lấy gì bồi lấp nổi.
Ông Đăng cho biết xã đã kiến nghị không nên cấp phép cho khai thác đá “âm” bởi hậu quả của nó chính là tạo ra “Tuyệt Tình Cốc” không thể khắc phục. Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố khi các cơ quan này về thực hiện giám sát tình trạng khai thác khoáng sản, xã lại tiếp tục kiến nghị. “Chúng tôi đã khẩn thiết kiến nghị các đại biểu đại diện cho dân hãy lên tiếng ngăn ngừa, không để có thêm các mỏ khai thác đá “âm”, bởi nó sẽ để lại di chứng mãi mãi”-ông Đăng nói.
(Còn nữa)
Nếu Phúc Sơn được cấp phép khai thác “âm” có nghĩa “Tuyệt Tình Cốc” sẽ được mở rộng ra gấp bội, khu vực nguy hiểm có nguy cơ gây ô nhiễm lan rộng thêm.