Tiếng gọi mẹ trên cao nguyên

Tiếng gọi mẹ trên cao nguyên
TP - Hàng chục cháu chừng 2- 3 tuổi bé choắt ở mái ấm Tín Thác ùa ra sân, quấn lấy khách đòi bế đòi bồng và ríu ran gọi bố, gọi mẹ. Đó là những cháu bé vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị bố mẹ bỏ rơi.

> Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi bên thùng rác
> Nơi bình yên của những cô gái lầm lỡ

Chào đời trong những… nùi giẻ

Mái ấm Tín Thác (giáo xứ Thanh Xuân, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), một chiều đầu tháng 12, trời se se lạnh. Các cháu chơi đùa trên sân trong lúc các Xơ (soeur) chuẩn bị bữa ăn chiều. Xơ Vân vừa chăm sóc trẻ vừa tiếp chuyện chúng tôi. Xơ cho biết mái ấm Tín Thác do xơ Hường (53 tuổi) lập ra để cưu mang những cháu bé bị bỏ rơi.

Năm 2009 mới chỉ có vài phòng nhưng phải liên tục mở rộng bởi số lượng các bé vào mái ấm tăng quá nhanh: từ vài cháu lên gần 40 cháu. Hiện cơ sở khá rộng rãi, thoáng mát với 2 dãy nhà khang trang, sân chơi, vườn hoa...

Thấy khách đến thăm, không ai bảo ai, các cháu đồng loạt rời khu vực chơi búp bê, banh bóng, bập bênh, xe đụng... bò hoặc lẫm chẫm đi ra phía hàng rào gỗ; những đôi mắt đen tròn, sáng long lanh vì vui mừng; những cái miệng be bé, xinh xinh ríu ran gọi bố, gọi mẹ, đòi bế bồng.

“Bị bỏ rơi khi mới được vài ngày tuổi, lứa tuổi lẽ ra phải được ôm ấp vỗ về suốt ngày nên các cháu thiếu thốn tình cảm lắm! Hễ thấy khách đến là đòi bồng” – xơ Vân nói.

Cánh cổng, thường đóng kín và cài then cẩn thận vì sợ các cháu lạc ra ngoài, bỗng xịch mở. Cô gái chừng 19 tuổi tên Quỳnh Anh bế một bé gái bước vào. Đó là bé Ngọc Ân, một trong những thành viên của mái ấm.

Ban đầu, những trẻ sơ sinh bị vứt bỏ ngoài đường được đưa về nuôi dưỡng tại mái ấm Tín Thác đều được xơ Hường đặt tên là Ân (Gia Ân, Minh Ân, Thảo Ân, Thiên Ân...) như là ân phúc của trời ban cho. Hàng chục cháu vào sau cũng được chăm chút chọn những cái tên khá đẹp như Anh Tuấn, Diễm Hương, Anh Kiệt...

Các xơ cho biết cả năm trời thảng hoặc mới có một hai cô gái mặt búng ra sữa đến thắp nhang rồi ôm mặt khóc. Có lẽ các cô ăn năn vì đã chối bỏ con mình nhưng cũng chẳng biết phần mộ con nằm ở chỗ nào để mà sám hối. Bởi tất cả các nấm mồ nhỏ xíu nằm kề bên nhau đều không có tên tuổi; chỉ ghi tên Thánh do xơ Hường đặt và ngày tháng nhặt về.

Mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi đều được mái ấm tìm cho một gia đình đỡ đầu nhằm thực hiện nghi thức rửa tội và có hơi ấm tình thân để đỡ mặc cảm. Ngọc Ân may mắn được gia đình mẹ Kiều đỡ đầu. Mặc dù đã có 6 đứa con nhưng mẹ Kiều cưng Ngọc Ân lắm.

Mỗi dịp cuối tuần hay gia đình có việc trọng đại đều đón bé về chơi. Ngày cưới con trai, mẹ Kiều một tay dắt con dâu mới, tay kia bế Ngọc Ân đi chào hỏi mọi người. Hôm nay con gái mẹ Kiều là Quỳnh Anh đưa Ngọc Ân vào lại mái ấm. Cô bé cứ ôm chặt lấy chị không nỡ rời, mặt buồn thiu.

Nhiều bé từ 3 đến 3,5 tuổi nhưng phát âm không rõ, có bé trông như bị thiểu năng. Các xơ cho biết đa số cháu bị bố mẹ bỏ rơi khi mới vài ngày tuổi.

Bị đứt nguồn sữa mẹ và chỉ được quấn sơ sài trong nùi giẻ hoặc quần áo cũ rồi cho vào túi ni lông, chậu nhựa, thùng giấy bỏ trước cổng nhà thờ, dưới gốc cây, trên trụ cổng... nên trẻ bị nhiễm lạnh.

Sức đề kháng quá yếu nên các cháu thường dễ đổ bệnh, thấp bé, nhẹ cân và chậm nói hơn các cháu được cha mẹ nuôi dưỡng đàng hoàng.

Có cháu khi được phát hiện thì đã tím tái, ngạt thở, bị côn trùng tấn công khiến não tổn thương, do đó khó phát triển bình thường như bao trẻ khác.

2 tuần trước, khoảng 5 giờ sáng, xơ Vân ra mở cổng, nghe tiếng ọ ẹ yếu ớt phát ra từ cái chậu nhỏ dưới đất. Thì ra trong đó có bé trai chưa tới một tuần tuổi. Cháu thở rất khó nhọc nên các xơ vội đưa vào bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản, phải điều trị lâu dài. Xơ bảo: Đã kịp đặt tên đâu, lo cứu mạng cháu trước đã!

Những thiên thần vô danh

Cách mái ấm Tín Thác vài km về hướng đông bắc là nghĩa trang vô danh do xơ Hường đề xuất xây dựng năm 2010. Chính xơ cũng không ngờ rằng chỉ sau 2 năm nghĩa trang đã có tới 4.000 mộ của những hài nhi bị bức tử. Các nấm mộ đều rất nhỏ, chỉ vài chục cm2, được phủ bằng miếng đá hoa cương xanh thẫm.

Những lần đến bệnh viện khuyên các nữ sinh trót mang bầu 6 - 7 tháng đừng phá thai vì có thể nguy hiểm cho tính mạng bản thân và tội nghiệp cho cháu bé đã thành hình trong bụng mẹ, xơ Hường nhìn thấy những đứa trẻ sinh non bé tẹo chào đời với ánh mắt yếu ớt và cũng chỉ sống được vài tiếng đồng hồ.

Nhiều bà mẹ trẻ vốn trót dại không chồng mà chửa đã bỏ trốn sau sinh nên bệnh viện phải chuyển hài nhi đến nơi hỏa táng. Đối với những bào thai non ngày tháng, nhiều nơi xử lý như rác thải y tế.

Thêm nữa, hình ảnh những túi bóng đựng thai nhi đã thành hình vứt trong thùng rác, lùm cây trở thành nỗi ám ảnh thôi thúc xơ đề xuất lập nghĩa trang cho hài nhi để linh hồn các cháu khỏi cô đơn, lạc loài.

Tâm nguyện của xơ được nhà thờ và giáo dân ủng hộ. Nhiều người cùng góp công sức thực hiện, nhất là những việc không dành cho người yếu tim như thu lượm hoang thai bị vứt bỏ nhiều ngày bị phân hủy, về mai táng.

Chiều đông, gió cao nguyên lồng lộng. Khu nghĩa trang rộng lớn trông càng quạnh quẽ khi chỉ có 2 người là xơ Tình và xơ Thảo lặng lẽ nhổ cỏ, cắm hoa cho các phần mộ.

Các xơ cho biết cả năm trời thảng hoặc mới có một hai cô gái mặt búng ra sữa đến thắp nhang rồi ôm mặt khóc. Có lẽ các cô ăn năn vì đã chối bỏ con mình nhưng cũng chẳng biết phần mộ con nằm ở chỗ nào để mà sám hối.

Bởi tất cả các nấm mồ nhỏ xíu nằm kề bên nhau đều không có tên tuổi; chỉ ghi tên Thánh do xơ Hường đặt và ngày tháng nhặt về.

Khu trung tâm nghĩa trang có tượng Đức mẹ và các cậu bé thiên thần nên người dân trong vùng gọi đây là nghĩa trang các thiên thần, chỉ có điều hàng ngàn thiên thần an nghỉ nơi đây đều là những sinh linh bất hạnh cùng chung nỗi đau bị tước bỏ quyền sống từ khi còn trong bụng mẹ.

Các xơ nói, sẵn sàng chăm sóc các phần mộ suốt đời nhưng không mong muốn nghĩa trang mở rộng thêm nữa, bởi nghĩa trang càng rộng thì nỗi đau càng lớn, tội lỗi thế gian càng nhiều.

Cần xử lý nghiêm hành vi vứt bỏ con

Những năm gần đây Việt Nam luôn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.

Mỗi năm có từ 1,2 - 1,6 triệu thai nhi bị phá bỏ, trong đó tỉ lệ hài nhi của thai phụ tuổi vị thành niên chiếm tới 20%. Một số cô gái trên dưới 20 tuổi nhưng đã 8-9 lần phá thai và không nhớ hết tên bố của các bào thai.

Theo thẩm phán Thúy Hòa, người có thâm niên giải quyết án hôn nhân gia đình, số vụ bố mẹ bỏ rơi con sơ sinh ngày càng gia tăng và không ít trẻ bị thiệt mạng, thế nhưng dường như chưa ai bị kết án về tội giết người.

Trong khi bộ luật Hình sự đã quy định việc giết con mới đẻ, hoặc bỏ rơi dẫn đến cái chết của đứa trẻ sẽ bị xử phạt tối đa 3 năm tù.

Phải chăng cách nhận thức và xử lý các hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh chưa thực sự triệt để dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật? Cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp xử lý những vụ bỏ rơi con nhưng chưa dẫn đến chết người, như đưa đi phục hồi nhân phẩm, phạt lao động công ích...

Một số chuyên gia giáo dục và kế hoạch hóa gia đình cho rằng cần có chiến lược giáo dục để cứu vãn tình trạng suy đồi đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp tránh thai cho cả những thiếu nữ vị thành niên vì tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân của giới trẻ đang ngày càng phổ biến, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG