Tiền tỷ xây chợ, nhà trưng bày rồi… bỏ hoang

Chợ Ya Lốp bỏ cỏ mọc um tùm
Chợ Ya Lốp bỏ cỏ mọc um tùm
TP - Trong khi Chính phủ quyết liệt thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nhưng một số địa phương dùng tiền ngân sách thiếu hiệu quả, gây lãng phí. Tiền Phong thử tiếp cận một vài lát cắt để làm rõ câu chuyện này...

Hàng loạt chợ dân sinh, nhà trưng bày hiện vật văn hóa được đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhưng khi hoàn thành lại “đắp chiếu”, gây lãng phí đến khó hiểu.

Chợ thành bãi cỏ

Ea Súp là huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, thế nhưng nơi đây có đến 4 chợ dân sinh thuộc các xã Cư K’bang, Ya Lốp, Ya Tờ Mốt, Ea Bung bỏ hoang. Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), chợ Cư K’bang (xã Cư K’bang) được khởi công năm 2012 với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng nhưng làm xong nhà lồng thì bỏ không từ đó đến nay.

Ông Đàm Văn Hà, nguyên Chủ tịch xã Cư K’bang cho hay, chợ được xây từ thời ông đương chức. Nguyên nhân chợ không đưa vào sử dụng do thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy, bể nước, tường rào... “Hiện xã Cư K’bang chỉ có chợ tự phát. Người dân họp chợ bên đường hoặc tận dụng khu đất trống ở thôn 15 do UBND xã quản lý để mở chợ phiên”, ông Hà nói.

Tương tự, chợ dân sinh xã Ya Tờ Mốt cũng bị bỏ hoang gần 10 năm. Ông Hoàng Tô Vấn, Phó Bí thư xã này thông tin, kinh phí xây chợ 1,7 tỷ đồng. Trước khi khởi công, chính quyền có lấy ý kiến của người dân và xây chợ ngay khu dân cư. Thế nhưng làm xong, chỉ vài người dân đến, chợ họp được 1 tháng rồi nghỉ. Vị này cũng thừa nhận rất lãng phí khi chợ bị bỏ hoang. Tuy nhiên do đặc thù địa bàn xã rộng, việc giao thương còn ít nên chợ không phát huy hiệu quả.

Chợ dân sinh xã Ya Lốp (huyện Ea Súp) cũng được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng đến đây chỉ thấy những trụ bê tông đứng trơ trọi, xung quanh cây cối um tùm. Dọc đường đi, chúng tôi thấy nhiều tiểu thương chở thực phẩm bằng xe máy đi dọc đường bán dạo. Chị Thương- một người chuyên chở thực phẩm bán dạo cho biết, dân ở xã này chủ yếu làm rẫy. Họ đi làm suốt nên chị phải chở thực phẩm đến từng nhà, thậm chí ra ngoài rẫy mới có người mua. Ngoài ra, các mặt hàng thiết yếu như đồ gia dụng, chăn mền, quần áo... cũng được chở bằng xe bán tải về phục vụ tận nơi.

Thông tin từ UBND huyện Ea Súp cho hay, chợ thuộc 4 xã trên được đầu tư từ chương trình 135 của Chính phủ. Các chợ bỏ hoang là do đầu tư thiếu đồng bộ, việc trao đổi hàng hóa thưa thớt… UBND huyện yêu cầu các xã rà soát, đánh giá lại công năng, thống kê danh mục còn thiếu để đề xuất đầu tư bổ sung… Riêng chợ Ya Tờ Mốt, huyện đang xin chủ trương chuyển đổi quy hoạch từ chợ thành nhà văn hóa, tránh lãng phí vốn đầu tư?

Vẽ dự án rồi khóa cửa

Đắk Nông cũng chi hàng chục tỷ đồng đầu tư vào dự án khu du lịch sinh thái Liêng Nung và làng nghề truyền thống Đắk Nia (bon N’riêng, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa), nhưng một năm chỉ mở cửa tổ chức vài sự kiện văn hóa, còn lại cửa đóng then cài.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, làng nghề tọa lạc trên khu đất rộng gần 1 ha có tường rào kiên cố; bên trong có 2 dãy nhà dài làm nơi trưng bày các dụng cụ truyền thống (cồng chiêng, chóe, trang sức, thổ cẩm...), nhà mái che cho phụ nữ dệt thổ cẩm, sân khấu biểu diễn... Dù được đầu tư bài bản, làng nghề truyền thống này cũng chịu cảnh bỏ không, nhiều hạng mục xuống cấp. Gần đó, thác Liêng Nung cũng được đầu tư đường nhựa, bậc tam cấp phục vụ khai thác du lịch.

Tuy nhiên, khi đến đây, PV chỉ thấy cỏ mọc um tùm, những nhà tranh mục nát. Ông K’Mang, già làng bon N’riêng lắc đầu: “Chính quyền muốn đầu tư khôi phục nghề dệt thổ cẩm nên tham khảo ý kiến người dân, nhất là thế hệ trẻ. Nhiều người không muốn theo nghề dệt vì sản phẩm làm ra không bán được... Còn nhà trưng bày thì phải mở cửa cho người dân, con cháu đến xem chứ bày ra rồi đóng cửa thì trưng làm gì”.

Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương Đắk Nông) thông tin, có nhiều nguyên nhân khiến chợ xây xong hoạt động không hiệu quả như: Xác định quy mô, vị trí, lựa chọn mô hình xây dựng chợ chưa phù hợp với thói quen tập quán của người dân. Do vậy, việc xác định trách nhiệm trong việc đầu tư xây dựng chợ còn tùy thuộc vào từng chợ;  Trong đó, một phần trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án.

Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết, làng nghề được tỉnh Đắk Nông xây dựng từ hơn chục năm trước với mục tiêu gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp khai thác du lịch với thác Liêng Nung, nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, dự án không đạt được mục tiêu do công ty tư nhân đầu tư mảng du lịch tại thác Liêng Nung dừng hoạt động khiến làng nghề truyền thống “chết theo”.

Sau khi xây xong, làng nghề được giao cho Phòng văn hóa Thể thao Tx Gia Nghĩa (nay là TP Gia Nghĩa) quản lý; đến năm 2017, mới giao về UBND xã Đắk Nia. Theo ông Tuấn, từ khi nhận quản lý đã thuê người bảo vệ, dọn dẹp, chăm sóc vườn cây với số tiền 5 triệu đồng/tháng. Ông Tuấn cũng thừa nhận việc bỏ ra hàng tỷ đồng xây nhà trưng bày rồi để không rất lãng phí.

Rót tiền nhưng không giám sát

Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk cho hay, trong giai đoạn 2006-2010 của Chương trình 135 có danh mục đầu tư chợ. Ban Dân tộc dựa trên nhu cầu của các xã, huyện đề xuất (có khảo sát nhu cầu của dân về xây chợ) rồi bố trí nguồn vốn trực tiếp về địa phương làm chủ đầu tư. Quá trình triển khai, một số chợ không phát huy hiệu quả, tuy nhiên Ban Dân tộc chưa nhận được thông tin. Khi PV phản ánh, ông Vinh cho biết, sẽ yêu cầu các địa phương báo cáo. Vị này cũng khẳng định sẽ siết chặt việc thẩm định tính thực thi của dự án trước khi đồng ý đầu tư của các dự án sắp tới.

Đắk Nông cũng có 7 chợ không hoạt động hiệu quả (nguồn vốn đầu tư chủ yếu vốn từ ngân sách), cụ thể bao gồm: 2 chợ ở huyện Cư Jút; 2 chợ thuộc huyện Đắk R’lấp; 2 chợ tại huyện Đắk Song và 1 chợ huyện Tuy Đức. Tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho chuyển đổi công năng các chợ sang làm nhà văn hóa, trường mầm non, cho thuê văn phòng... Riêng dự án chợ Nông sản huyện Tuy Đức xây xong nhưng nhiều năm không hoạt động nên UBND tỉnh giao huyện bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.