Rúng động gian lận thi ở Hòa Bình,
Sơn La, Hà Giang
Sau kỳ thi THPT quốc gia 2018, nghi vấn nổi lên khi nhiều thí sinh Hòa Bình có điểm cao bất thường. Công an vào cuộc điều tra, xác nhận có sự can thiệp vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh Hòa Bình để làm tăng điểm số đồng thời khởi tố vụ án gian lận điểm thi.
Đến tháng 3, công an kết luận điều tra vụ sửa điểm thi THPT xảy ra tại Hòa Bình, 140 bài thi của 56 thí sinh có dấu hiệu sửa chữa. Các bài thi trên được nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm. Đáng chú ý, một thí sinh được nâng đến 26,45 điểm/3 môn.
Công an đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 3 người liên quan về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị can gồm: Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục).
Bị can Nguyễn Khắc Tuấn khai nhận đã từng sửa điểm trực tiếp cho người thân là cháu tại kỳ thi THPT năm trước đó. Đáng chú ý, trong việc can thiệp nâng điểm các bài thi, bị can Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận được hưởng lợi 550 triệu đồng và đã chủ động mang số tiền này đến giao nộp cho cơ quan công an.
Hôm 24/3, Bộ GD&ĐT cũng công bố sai phạm điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La với kết quả 44 thí sinh, 95 bài trắc nghiệm, 2 bài Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn trước. Có thí sinh được nâng 26,55 điểm/3 môn. Một bài thi môn Toán của một thí sinh được nâng tới 9 điểm.
Cụ thể, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, trong top 11 thí sinh có điểm cao nhất nước, Sơn La có 1 thí sinh N.D với số điểm xưa nay hiếm như: Toán 9,6 điểm; Văn 9 điểm; Lịch sử 10 điểm; Tiếng Anh 10 điểm và Ðịa lý 8,25 điểm. Theo các chuyên gia, giáo viên, số điểm của thí sinh này khá bất thường, bởi hiếm có học sinh nào học tốt Toán lại có điểm Ngữ văn cao gần tuyệt đối và ngược lại. Ðiều đáng nói, điểm thi THPT Quốc gia của thí sinh này cao nhưng điểm thi thử trước đó tại trường THPT lại khá thấp. Cụ thể, Toán: 6,4; Ngữ văn 6,5; Tiếng anh 5,8; Lịch sử: 5,5; Ðịa lý 4,25.
Ngoài ra, theo phân tích, điểm trung bình môn Toán của Sơn La thấp nhất cả nước nhưng tỉ lệ điểm 9 lại cao gấp 3 lần Hà Nội, gấp 7 lần TP HCM. Trong khi TP HCM và Hà Nội có lượng thí sinh đăng ký dự thi cao gấp nhiều lần tỉnh Sơn La, chưa kể ở hai TP lớn tỉ lệ học sinh giỏi tập trung khá nhiều.
Tương tự, ở môn Vật lý, Sơn La cũng có 13 em đạt điểm 9, chiếm 0,79% trên tổng số 1.340 thí sinh dự thi. Trong khi đó, với số bài thi cao hơn rất nhiều lần, nhưng TP HCM cũng chỉ có 39 điểm 10, chiếm khoảng 0,08%, kém Sơn La 12 lần.
Clip: Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trả lời báo chí về gian lận thi ở Hòa Bình năm 2018. Clip: Nguyễn Hoàn
Liên quan đến vụ việc tiêu cực thi cử tại Sơn La, công an tỉnh Sơn La đã khởi tố 5 bị can. Trong số này, cơ quan chức năng bắt tạm giam 3 bị can. Các bị can đều là cán bộ Hội đồng thi Sơn La. Họ gồm: Trần Xuân Yến (Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm), bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La, Thư ký Ban chỉ đạo, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm), bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm), ông Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm) và ông Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký).
Tháng 2/2019, cơ quan điều tra Sơn La cũng có quyết định khởi tố một cựu trung tá công an liên quan đến vụ việc này.
Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã can thiệp vào 330 bài thi, nâng điểm cho 114 thí sinh. Có em được nâng tới 29,95 điểm hoặc trong môn Hóa, có em được nâng từ 0,75 lên 9,5 điểm.
Cụ thể: sau khi có kết quả đáp án của Bộ GD-ĐT, ông Lương đã lên mạng tải toàn bộ những đáp án đó về chuyển sang phần mềm Ecxel, lưu ở trong máy và sau đó đã sử dụng cách thức này để làm sai lệch kết quả thi của nhiều thí sinh.
Đồng thời, máy tính này được mang đến phòng quét xử lý bài thi trắc nghiệm. Trong quá trình này, ông Lương đã tiến hành thao tác quét được file ảnh và chuyển sang file excel, lấy kết quả đáp án đã được mình xử lý trước đây sửa đè vào file ảnh bài thi của thí sinh, đánh lừa máy quét chấm điểm tự động.
330 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm thi, trong thời gian 2 tiếng. Tốc độ trung bình được tính ra là 6 giây cho một bài thi được làm sai lệch.
Nhiều thí sinh đỗ các trường
công an, quân đội
Theo tìm hiểu của phóng viên, những thí sinh điểm cao của Sơn La hiện nay phần lớn trúng tuyển vào khối trường công an và quân đội.
Tại Học viện Cảnh sát nhân dân, ở tổ hợp C03 đối với nữ có điểm trúng tuyển là 24,9 điểm. Thí sinh T.N.D (cụm thi Sơn La) có số báo danh 14001330 đã trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân với số điểm 3 môn tổ hợp C03 rất ấn tượng với tổng điểm 28,6 .
Tại Học viện An ninh nhân dân, có 10 thí sinh từ Sơn La. Về tổng điểm 3 môn thi cao (không có điểm cộng), danh sách có tên của hai thí sinh ở Sơn La dự thi khối C03 và D01.
Trong số 489 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 2018, người có tổng điểm thi cao nhất là em M.V.T, thí sinh của tỉnh Sơn La với tổng điểm là 27,9 (Toán 9,4; Vật lý 9,5; Hóa học 9).
Tháng 8/2018, khi khối trường công an công bố điểm chuẩn, tại Học viện An ninh có 23 thí sinh trúng tuyển đến từ Lạng Sơn. Số lượng này của Hòa Bình là 14 em và Sơn La 10 em.
Ở khối trường quân sự, thí sinh đạt điểm cao ở Hòa Bình cũng không hiếm.
Thủ khoa, Á khoa Học viện Hậu cần hệ quân sự đều là thí sinh ở cụm thi Hòa Bình
Trong danh sách 474 thí sinh trúng tuyển vào hệ quân sự Học viện Hậu cần năm 2018 có 2 thí sinh điểm cao nhất đạt 28,70 và 28,25 đều ở cụm thi Hòa Bình.
Đó là thí sinh Đỗ Trung Giang, khối A00, có số điểm là 28,70 (Toán 9,20; Vật lý 9,75 và Hóa học 9,00) và thí sinh Nguyễn Hà Hải Đăng, khối A00 với số điểm là 28,25 (Toán 9,00; Vật lý 9,25 và Hòa học là 9,25).
Thủ khoa toàn trường, đồng thời là thủ khoa khối A của Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một thí sinh đến từ Hòa Bình với tổng điểm 28,2 điểm xét tuyển (trong đó Toán 9,2; Vật lý 9; Hóa học 9,25 và 0,75 điểm ưu tiên khu vực).
Trường Sĩ quan Pháo binh, thủ khoa là thí sinh của tỉnh Hòa Bình
Cụ thể, thủ khoa của trường Sĩ quan Pháo binh, dẫn đầu toàn trường trong cả 2 khối xét tuyển A, A1 về điểm xét tuyển là 27,65 (Toán 9,4; Vật lý 8,25; Hóa học 9,25; điểm cộng ưu tiên khu vực là 0,75)
Thủ khoa của Trường Sĩ quan Phòng hóa là thí sinh của tỉnh Hòa Bình với điểm trúng tuyển khối A là 26,15 điểm.
Học viện Khoa học quân sự tuyển 5 ngành, mỗi ngành đều có chỉ tiêu cho nam và nữ do đó sẽ có 10 thí sinh đạt điểm xét tuyển cao nhất. 3 em trong số đó đến từ miền núi phía Bắc. Cụ thể, 2 nữ sinh của Hòa Bình đạt điểm xét tuyển cao nhất ngành Ngôn ngữ Anh (26,94) và Ngôn ngữ Nga (25,84).
Các vụ gian lận bị phanh phui, danh sách thí sinh gian lận cũng đã có tuy nhiên cả sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La đều chưa công bố danh sách thí sinh liên quan gian lận. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình còn khẳng định sở này không công bố danh sách thi sinh được nâng điểm vì sợ làm ảnh hưởng tâm lý thí sinh.
Thí sinh gian lận cướp cơ hội
của người khác
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, cho rằng nếu như những thí sinh gian lận điểm đã "ngồi nhầm chỗ", chính bố mẹ của những em này đã cướp đi cơ hội của con em người khác. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Do vậy, những phụ huynh chạy điểm cũng cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy thuộc mức độ vi phạm.
Ông Trần Văn Độ, ĐBQH khóa 13, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, trong vụ việc này chẳng qua là có một số người nào đó không muốn công khai để bảo vệ những người khác (?). Theo ông Độ, việc 64 thí sinh gian lận ở Hòa Bình bị phát hiện không liên quan gì đến quyền riêng tư, quyền bí mật cá nhân để không công khai. Do đó, dù muốn hay không muốn thì cơ quan chức năng cũng phải công khai danh sách các trường hợp nằm trong diện có bài thi bị gian dối. Thực tế, lực học của của học sinh thế nào thì phải chấp nhận kết quả đó. Tôi nghĩ trong vụ việc này chẳng qua là có một số người nào đó không muốn công khai để bảo vệ những người khác(?). Ví dụ con ông này, cháu ông kia, rồi những người lớn có chức, có quyền… Thậm chí có thể còn liên quan đến việc đưa và nhận hối lộ nữa… Đây là điều không thể chấp nhận được.
Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng
Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng: Tôi không đồng tình với quan điểm không công bố danh tính các thí sinh gian lận thi cử vì mục đích nhân đạo. Xin được hỏi, anh nhân đạo với ai? Anh nhân đạo với vi phạm à? Giấu đi vì nhân đạo, vậy những người khác là nạn nhân của họ thì sao? Xã hội trở thành “con tin” của những hành vi sai phạm thì tính sao?
Nên nhớ, có bao nhiêu người được vào đại học bằng con đường chạy chọt, gian lận, thì cũng đồng nghĩa với việc có bấy nhiêu người bị đẩy ra, trở thành nạn nhân một cách đau xót. Theo tôi, bắt buộc phải công bố công khai, thậm chí hủy ngay kết quả của những trường hợp gian lận ấy. Đã vi phạm thì phải công khai, có gì là bí mật đâu mà phải giấu giếm.
Tôi đề nghị phải thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật, có xem xét cả khía cạnh đạo đức học đường. Tôi cũng mong cử tri và nhân dân ủng hộ xây dựng một xã hội thi cử trong sạch, công bằng, đúng pháp luật. Đã học tập thì phải đàng hoàng thực chất, để sau này trở thành những người tài, người có ích thực sự cho đất nước, chứ không phải gian lận để có bằng cấp để rồi leo cao, chui sâu vào vị trí này, vị trí kia trong xã hội.
GS. Phạm Tất Dong (Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư) nhấn mạnh: Không hiểu tại sao người ta không công bố danh sách những người có liên quan đến vụ việc thí sinh được nâng điểm tại Hòa Bình, Sơn La. Đây lẽ ra là chuyện đương nhiên phải làm. Những người làm sai đương nhiên phải công khai. Vì sao phải giấu? Họ mua điểm bằng tiền mà. Nếu không, những năm sau, người ta tiếp tục làm. Chạy điểm là một hình thức đút lót, hay là một chuyện ăn tiền. Với giáo dục thì đây là vấn đề phải “kiêng”. Làm giáo dục mà ăn tiền thì không đáng làm giáo dục. Còn với những người chạy điểm, nếu không công khai thì thật đáng sợ. Với thí sinh, có thể không cần phải công bố công khai danh sách. Nhưng cũng phải xử lý thật nghiêm. Thí sinh không phải là thủ phạm, nhưng cũng không phải là nạn nhân. Họ được bố mẹ của mình dùng tiền, dùng quyền lực để “ăn cắp” tương lai của người khác. Nên dù muốn dù không, những thí sinh này cũng cần phải có một bài học.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Không bao giờ tự nhiên người ta lại đi sửa điểm cả, mà phải có ai đó đưa tiền, hoặc nhờ giúp đỡ, hoặc dùng quyền lực ép người ta phải làm. Cũng giống như đã có người nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ chứ. Mà giữa người đưa và người nhận hối lộ đều phải xử lý công bằng như nhau. Anh nhận bị xử lý, còn anh đưa không sao cả thì không được.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, một trong những người đầu tiên phát hiện tiêu cực, nêu quan điểm phải công khai minh bạch thí sinh nâng điểm, người mua điểm. Bởi vì, đây là một việc rất nghiêm trọng cả về tính chất, phạm vi, mức độ. Trường hợp thí sinh từ không đủ điểm, bài thi bị “điểm liệt”, mà nâng lên thủ khoa của trường và của cả nước là hết sức trắng trợn, học sinh không thể không biết. Thí sinh liên quan gian lận nếu, vẫn nhập học, là sự thách thức ngang nhiên. Các em phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã đủ 18 tuổi.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng nhấn mạnh không chỉ công khai thí sinh học trường nào, được nâng bao nhiêu điểm, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý vụ gian lận tuyển sinh ở Hòa Bình cần làm rõ những người được can thiệp điểm là con ai, có bao nhiêu con quan chức dính líu bê bối này.
Người trực tiếp sửa điểm cho thí sinh cần nêu rõ ai là người tác động. Phụ huynh đưa bao tiền để nâng điểm cho con, có ai là quan chức không. Những người này cũng cần bị xử lý bởi tham nhũng, đưa hối lộ đều là hành vi trái pháp luật.
Cùng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng cần công khai trong số 64 thí sinh được can thiệp điểm, có ai là “con ông cháu cha”, đặc biệt con quan chức, không. Các quan chức cần gương mẫu, trước hết, phải trung thực, thực hiện đúng pháp luật. Quan chức tiếp tay cho gian lận thi cử cần bị xử lý dứt khoát, không được lợi dụng chức quyền để che giấu, bao che cho nhau.
Việc lợi dụng chức quyền để sai lệch điểm thi là tham nhũng. Việc quan chức trực tiếp đề nghị nâng điểm hay cấp dưới chủ động nâng điểm để nịnh bợ sẽ do công ai điều tra rõ ràng và tòa án xem xét, kết luận.
Ông Vinh cũng cho rằng với những người dính líu vụ việc, tùy mức độ tham gia mà xem xét, xử lý kỷ luật. Quan trọng, quá trình xử lý phải công khai, minh bạch để thông tin đến xã hội, để những người chưa “nhúng chàm” tránh hành vi tương tự.
Có cơ sở pháp lý để công khai
thí sinh gian lận
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội - cho rằng lý do công khai danh sách thí sinh gian lận khiến các em có tư tưởng cực đoan là không đúng, thiếu tính chất thuyết phục.
Bởi lẽ, gian lận trong kỳ thi phổ thông trung học vừa qua khiến rất nhiều em có điểm cao bị nghi ngờ. Công khai những thí sinh được nâng điểm là cách lấy lại công bằng cho những em có điểm thật.
Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật dân sự 2015 đều có quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền tự do cá nhân, bí mật đời tư cá nhân và quy định mức độ giới hạn của quyền tự do cá nhân này.
Pháp luật quy định quyền bí mật đời tư cá nhân sẽ bị giới hạn bởi quyền lợi chung của cộng đồng, vì lý do an ninh quốc gia, lợi ích quốc phòng, lợi ích công cộng, an toàn công cộng...
Bởi vậy, đối với vụ việc nâng điểm ở một số nơi như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, cơ quan chức năng có đầy đủ cơ sở pháp lý để công khai danh tính những thí sinh được nâng điểm, đảm bảo tính khách quan, công bằng, để phòng ngừa chung và cũng là cơ sở để xem xét xử lý những hành vi sai phạm của những người có liên quan.
"Trường hợp thí sinh liên quan gian lận là con em cán bộ, lãnh đạo thì cần phải xem xét trách nhiệm của các vị phụ huynh này", ông Cường nêu quan điểm.
Trong vụ án này, có đối tượng thừa nhận đã nhận 550.000.000 đồng để sửa điểm. Điều đó đồng nghĩa có dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, bằng cách liên quan, tiếp tay, giúp sức. Hiện, cơ quan điều tra mới khởi tố các đối tượng nâng điểm thi về một tội danh là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật sư Đặng Văn Cường đề xuất vụ việc gian lận thi cử ở một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng một vài thí sinh, mà hàng triệu thí sinh. Vì vậy, việc cơ quan chức năng làm đến cùng, không nể nang, bao che sai phạm cũng là mong muốn hoàn toàn chính đáng của học sinh và phụ huynh cả nước.
Bộ GD&ĐT: Không dung túng cho sai phạm
Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng ngày 26/3, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề công khai danh sách thí sinh, phụ huynh gian lận điểm thi. Ông Trinh khẳng định, về quan điểm chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an quan điểm xuyên suốt là không dung túng cho sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm, xử lý đến cùng trong khuôn khổ quy chế và pháp luật hiện hành. Việc xử lý kết quả cũng theo quan điểm chỉ đạo này. Theo quy chế, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của kỳ thi, được thay thế kết quả đã công bố trước đó, vì thế được sử dụng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Ông Mai Văn Trinh chia sẻ, việc công khai danh tính thí sinh, phụ huynh phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, căn cứ vào quá trình và kết quả điều tra của Bộ Công an. Vì vậy, việc công khai danh tính vào thời điểm nào, công bố đến đâu thuộc thẩm quyển của Bộ Công an.
Người đứng đầu địa phương chưa bị xử lý, tiêu cực vẫn còn?
Liên quan đến gian lận thi cử tại các địa phương Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khi đã làm rõ được những ai đã qua chấm định điểm được nâng lên thì sẽ phải xử lý.
TS Khuyến cho rằng, những người không đủ điểm vào đại học là bắt buộc phải cho ra khỏi trường để đảm bảo công bằng, đảm bảo chất lượng.
“ Việc các em học ở đại học đã gần một năm rồi, nhưng không vì thế mà nhân nhượng. Điều này phải làm, không thể nể nang”- TS nêu quan điểm.
Ông Khuyến cho rằng, việc xử lý những người đứng đầu các địa phương để ra những sai phạm là rất quan trọng, vì họ có trách nhiệm nhưng lại để xảy ra sai phạm.
“Các địa phương hiện nay được giao quyền tổ chức kỳ thi thì phải gắn với trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát của xã hội. Nếu có sai phạm, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Sự việc này sẽ là bài học cho các địa phương khác”, TS Khuyến nói.
Tuy nhiên, ông Khuyến cho rằng, gần một năm xảy ra sai phạm, những người đứng đầu của các địa phương đến giờ chưa có tỉnh nào đứng đầu địa phương nào bị phê bình chứ chưa nói đến cảnh cáo.
“Nếu người đứng đầu địa phương không xử lý nghiêm túc thì tình trạng chạy điểm đó vẫn tiếp tục, vẫn chuyển từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi”- TS Khuyến nhấn mạnh.