Tiền Phong những ngày ở chiến khu Việt Bắc

Tiền Phong những ngày ở chiến khu Việt Bắc
TP - Số Tiền Phong đầu tiên in khoảng 1.000 bản gửi về các cơ sở Đoàn. Nơi nào có thể phát hành được thì có báo tới. Báo được các chiến sĩ giao liên đưa cả vào vùng địch hậu. Báo Đoàn được đoàn viên thanh niên các nơi nhiệt liệt đón chào, có nơi họp cả chi đoàn để chào mừng như một sự kiện.

> 'Tiền Phong' trong đội ngũ Tiên Phong
> Mong Tiền Phong luôn tiên phong

Ảnh chụp trang 1 số 1 báo Tiến Phong, 16/11/1953
Ảnh chụp trang 1 số 1 báo Tiến Phong, 16/11/1953.

Tiếp theo là những ngày làm báo tại chiến khu. Bộ phận làm báo, sau này có thêm các đồng chí Đỗ Cao Đáng (sau này trở thành Phó Tổng Biên tập) được điều từ Tỉnh Đoàn Phú Thọ lên, Hoàng Văn Tá (sau này là ủy viên Ban Biên tập), Nguyễn Bá Lạn lấy từ trường đào tạo công nhân về. Tiếp theo là các đồng chí Ngô Đốc, Lê Toan. Một nếp làm việc sớm được xác lập. Chuẩn bị cho một số báo, các đồng chí Nguyễn Lam, Nguyễn Thanh Dương bàn bạc.

Căn cứ tình hình chung, đồng chí Nguyễn Lam gợi ý những đề tài quan trọng cần viết. Đồng chí Nguyễn Thanh Dương báo cáo những đề tài anh em trong tòa soạn đang chuẩn bị. Từ đó, lên chương trình bài vở và tổ chức thực hiện chương trình. Hầu hết các bài xã luận có tính chỉ đạo đều do đồng chí Nguyễn Lam viết.

Sau khi bài vở đã viết xong, thường có hình thức duyệt tập thể. Tác giả của mỗi bài viết tự mình đọc lên cho mọi người nghe. Sau đó từng người góp ý kiến. Ý kiến của các đồng chí trẻ tuổi là Tôn Sơn, Mai Văn Hậu và các thanh niên đang công tác tại VP T.Ư Đoàn rất được chú ý, bởi chính những người ở tuổi họ là người sẽ đọc các bài báo.

Sau khi nghe mọi ý kiến đóng góp, tác giả tự mình sửa chữa và bổ sung rồi nộp cho trưởng ban. Đồng chí Nguyễn Thanh Dương xem lại, chỉnh lý, sau đó nộp cho Chủ nhiệm chính trị duyệt rồi đưa lên nhà in. Lối duyệt bài như vậy là một nguyên tắc, tất cả mọi người, kể cả các đồng chí lãnh đạo đều phải phục tùng.

Bài vở hiếm, người viết phải tích luỹ tư liệu, dàn xếp để ra những tin bài có bề dày thông tin. Tin, bài mọi người đều viết tay sau đó nhờ máy đánh chữ của Trung ương Đoàn để gõ.

Các cơ sở gửi bài lên nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển bài. Việc trình bày báo cũng gặp nhiều khó khăn. Họa sỹ thường phải vẽ ra giấy, sau đó khắc lên gỗ rồi in.

Các buổi tối thứ bảy, mọi người thường đốt lửa trại quây quần bên nhau để hát hò và đôi khi nhảy “quốc tế vũ” theo nhịp đàn mồm “tắc tắc xình”. Thỉnh thoảng còn có tối được xem phim.

Trong công việc làm báo, việc đưa bản thảo lên nhà in là công việc vất vả, nhất là vào những ngày mưa lũ. Người đưa bài phải vượt qua gần trăm cây sô đường rừng, với hàng chục con suối chảy xiết có thể cuốn trôi cả người đi. Mỗi lần qua suối phải cởi hết quần áo ra, lấy vải nhựa bọc lại, vừa để giữ cho khô vừa làm phao bơi phòng khi bị nước cuốn. Người đưa bài bỏ các bản thảo vào ống bương đậy nắp thật kín rồi buộc dây quàng qua cổ vác xe đạp lội qua suối. Cứ như thế phải vượt hết con suối này đến con suối khác, cho đến khi đem được các bản thảo đến nhà in, giấy không ướt, mực không nhòe mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ.

Vào mỗi buổi tối, ê kíp làm báo tổ chức đều đặn việc đọc các bản tin hằng ngày. Các đồng chí Hoàng Phê (sau này là giáo sư ngôn ngữ học, giám đốc Trung tâm từ điển học), Nguyễn Thanh Dương thay nhau dịch trực tiếp các bản tin tham khảo in nguyên bản tiếng Pháp, vừa dịch vừa bình luận. Các buổi sinh hoạt thông tin như thế, cán bộ nhân viên toàn cơ quan Trung ương Đoàn ai cũng thích tham dự, vì nó có nội dung bổ ích và phong phú.

Các buổi tối thứ bảy, mọi người thường đốt lửa trại quây quần bên nhau để hát hò và đôi khi nhảy “quốc tế vũ” theo nhịp đàn mồm “tắc tắc xình”. Thỉnh thoảng còn có tối được xem phim.

Muốn xem, phải cử những người khỏe mạnh đi xa hàng chục cây số để khiêng máy về chiếu. Mỗi buổi tối chiếu phim là một ngày hội thực sự của những người làm báo Tiền Phong và của bà con người Tày ở Bản Dõn.

Đây là thời kỳ làm báo khó khăn nhưng hăng say và đầy ắp kỷ niệm, mọi người đoàn kết, thương yêu giúp nhau làm việc. Khi dựng lán cho báo trên một quả đồi nhỏ ở Bản Dõn, cả tòa soạn và cơ quan Trung ương Đoàn, kể cả Bí thư Nguyễn Lam, cùng với một đội thanh niên xung phong, tổng cộng mấy chục anh em cởi trần chặt tre, nứa dựng nhà, làm bàn, ghế.

Ngay từ những ngày đầu gian khó ở chiến khu Việt Bắc, báo Tiền Phong đã cố gắng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, chủ trương công tác của Đoàn Thanh niên đến với bạn đọc trẻ, và quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh của báo chí cách mạng, cổ vũ những gương đoàn viên thanh niên điển hình tiên tiến ở các vùng tự do cũng như địch tạm chiếm. Đáng nhớ là loạt bài viết của đồng chí Nguyễn Thanh Dương về anh Trần Bình Lục - một nông dân điển hình tiên tiến vùng trung du. Anh được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng biết đến qua loạt bài và lấy làm nguyên mẫu để viết tác phẩm Truyện Anh Lục.

Tờ báo có sức lan tỏa lớn. Trong hồi ký “Một thời nhớ mãi” của mình, đồng chí Nguyễn Thanh Dương nhớ lại rằng có một lá thư từ vùng địch hậu Hưng Yên, phản ánh tâm sự của một nữ cán bộ tên là Nga: “Trong dịp này, cán bộ đều phải bám đất và tích cực chuẩn bị phá càn. Lúc đầu, tôi rất sợ, lo lắng không biết mình có chiến đấu được không, nhỡ chết thì sao? Nhưng khi đọc bài báo “Để tuổi thanh xuân càng thêm tươi đẹp” (Bài dịch bài của nhà văn Ngụy Nguy trên báo Trung Quốc về cuộc chiến tranh chống Mỹ viện Triều), tôi rất thích chị Ba và thấy cần noi gương chị.

Nếu cố gắng thì cũng có thể làm được như chị? Do đó tư tưởng cầu an của tôi cũng bớt đi nhiều. Ngay cái tay nải này, lắm lúc đeo thấy nặng, tôi muốn vứt đi cho rồi. Bây giờ có đeo cũng không thấy nặng nữa”.

Những bức thư như thế cho những người làm báo Tiền Phong trong giai đoạn trứng nước ấy thấy tác động rất mạnh mẽ của báo chí đối với lớp trẻ. Đó chính là nguồn khích lệ có ý nghĩa đối với họ trong buổi đầu chập chững vào nghề đầy khó khăn về mọi mặt.

Có một sự kiện cần nhắc tới trong lịch sử báo Tiền Phong giai đoạn này đó là cuối tháng 6/1954, đồng chí Nguyễn Thanh Dương được cử đến Hội nghị quân sự Việt-Pháp để làm việc với tư cách phóng viên.

Hội nghị này khai mạc ngày 4/7 tại Trung Giã thuộc tỉnh Phúc Yên, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là hội nghị tại chỗ tiến hành song song với Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ). Nhiệm vụ của hội nghị này là bàn bạc để đi đến những đề nghị về tất cả các vấn đề quân sự do Hội nghị Giơnevơ đề ra, bàn và quyết định các biện pháp thực hiện những điều hai bên đã thỏa thuận về quân sự ở Giơnevơ. Vấn đề trao đổi tù binh ốm và bị thương, cải thiện sinh hoạt tù binh, cũng là những vấn đề đặt ra trong chương trình nghị sự.

Không chỉ tác nghiệp cùng với các nhà báo đàn anh thuộc TTXVN, báo Nhân dân, Cứu quốc, đây là lần đầu tiên một người của báo Tiền Phong có cơ hội tiếp xúc với các nhà báo quốc tế, trong đó có các phóng viên phương Tây thuộc các hãng thông tấn và báo lớn trên thế giới và cả các phóng viên của các tờ báo Việt thân Pháp và chế độ tay sai trong vùng tạm chiếm.

Tại đây, theo chủ trương của trên, đồng chí Nguyễn Thanh Dương đã chuyển cho một PV người Phần Lan những tấm ảnh do các nhà nhiếp ảnh của ta chụp tại chiến trường Điện Biên Phủ, đặc biệt là những tấm ảnh chụp quân Pháp đầu hàng (lúc đó không có phóng viên phương Tây nào có mặt để chụp). Đó nằm trong số những tấm ảnh đầu tiên về thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ được phổ biến ra toàn thế giới.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu sớm hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè, lòng đường
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu sớm hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè, lòng đường
TPO - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố; Kiện toàn và tổ chức hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường...