Tiền nhàn rỗi sử dụng thế nào?
> Chuyên gia nói về thị trường vàng
> 'Sẽ còn nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng'
Cho rằng xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm là tất yếu để hỗ trợ cho nền kinh tế, chuyên gia Trần Hoàng Ngân cho rằng để tối đa hóa đồng vốn nhàn rỗi, người có tiền nên gửi kỳ hạn dài hoặc rút ra kinh doanh.
PGS, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ví nguồn vốn huy động của ngân hàng hiện nay như hòn than đang cháy, nếu không giảm lãi suất các nhà băng sẽ bị bỏng tay, PGS, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính quốc gia cho rằng giảm lãi suất tiết kiệm là xu hướng hợp lý. Người gửi tiền cũng nên xem đây là sự chia sẻ với nền kinh tế, còn muốn tối đa hóa lợi nhuận có thể gửi kỳ hạn dài, hoặc rút ra kinh doanh, sản xuất.
Trần huy động ngắn hạn vẫn giữ nguyên 7,5% nhưng nhiều ngân hàng lớn đã đưa kỳ hạn ngắn 1-2 tháng về 5-6%. Ông nhìn nhận gì về động thái này?
Đã qua 4 tháng, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4%, trong khi huy động vốn 5,34%. Xét về mặt cung cầu thì vốn trong ngân hàng đang thừa, buộc các nhà băng phải hạ lãi suất tiết kiệm.
Trong kinh doanh, quyền quyết định điều chỉnh mức lãi suất bao nhiêu là thuộc về ngân hàng nếu nó không vượt trần huy động. Do đó, những ngày vừa qua, các ngân hàng có thừa vốn đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm là hợp lý về mặt nguyên tắc kinh doanh. Đây cũng là cơ sở để nhà băng có thể giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.
Với đà giảm lãi suất nhanh và mạnh như hiện nay trong khi chỉ tiêu tăng CPI cả năm nay theo nghị quyết Quốc hội là 8%, tiêu chí lãi suất thực dương gần như không còn. Ông nghĩ sao?
Giả sử, trong một gia đình có hai thành viên, người bố thì về hưu, chủ yếu dựa vào tiền lãi tiết kiệm từ khoản hưu trí, mức lãi cao nên có được khoản thu nhập kha khá. Trong khi đó, người con trai đang làm việc cho một doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp vay vốn lãi suất cao dẫn đến khó khăn, phá sản và anh con trai thất nghiệp. Vậy số tiền lãi của người bố có bù lại được khoản thu nhập mà người con đã mất khị thất nghiệp hay không? Do đó, người dân nên coi việc lãi suất tiết kiệm giảm là sự chia sẻ với nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Mặc khác, lãi suất thấp hiện chỉ rơi vào một vài kỳ hạn cực ngắn như 1-2 tháng, còn những hạn khác vẫn trên 7%. Thậm chí, các kỳ hạn dài lãi suất khá cao 9-10% hoặc hơn. Như vậy, để tối đa hóa lợi nhuận từ những đồng tiền nhàn rỗi, người gửi tiền nên gửi ngân hàng với kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) để hưởng lãi suất cao.
Vấn đề hiện nay là lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng với huy động. Nhiều quan điểm lo ngại ngân hàng đang đổ hết khó khăn cho xã hội?
Ngân hàng huy động vốn nhưng không cho vay được thì cũng giống như cầm hòn than đang cháy. Nếu họ không giảm lãi suất tiết kiệm xuống ắt sẽ bị bỏng tay.
Còn việc lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng với huy động một phần cũng do ngân hàng đang là nơi cung cấp vốn gần như duy nhất trên thị trường trong bối cảnh các kênh khác chưa phát triển. Một khi thị trường chứng khoán mạnh lên, khi đó ngân hàng sẽ phải cạnh tranh và hạ lãi suất cho vay xuống tương ứng.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là dù lãi suất cho vay chưa giảm mạnh như huy động, nhưng đã phần nào giảm áp lực chia cổ tức của các doanh nghiệp. Bởi khi lãi suất tiết kiệm giảm về 5%, cổ tức chỉ cần 6-7% là cổ đông đã hài lòng. Với những nơi cổ tức cao hơn nữa thì việc huy động thêm vốn từ cổ đông sẽ dễ dàng hơn với doanh nghiệp. Thay vì nguồn tiền đó gửi ngân hàng thì cổ đông chuyển qua mua cổ phần để hưởng cổ tức. Do đó, việc giảm lãi suất huy động xuống cũng là giải được bài toán tạo vốn cho thị trường.
Mặt khác, giảm lãi suất tiền gửi sẽ khuyến khích một bộ phận rút tiền ra đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhưng nếu số tiền rút ra khỏi ngân hàng không được dùng để đầu tư kinh doanh sản xuất mà họ lại mua vàng, USD hoặc bất động sản thì sao, thưa ông?
Nguồn tiền rút ra khỏi ngân hàng, tùy vào chiến lược riêng của mỗi người mà có kế hoạch sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, việc mua ngoại tệ cất trữ bị cấm, nếu giao dịch ở chợ đen thì rất rủi ro trong khi khó sinh lời. Còn mua vàng thời điểm này không hấp dẫn... Các kênh khác cũng ảm đạm.
Do đó, nếu người gửi rút tiền ra khỏi ngân hàng lúc này chỉ có khả năng đem đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Điều này là rất tốt cho an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm...
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay đã cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự vững chắc. Nếu nhiều người cùng rút tiền ra liệu có khiến các nhà băng đối mặt với " bẫy thanh khoản'?
Nhìn vào số liệu tổng hợp, từ đầu năm đến nay dù lãi suất liên tục giảm nhưng nguồn vốn vào ngân hàng vẫn tăng đều. Chỉ trừ khi nào xuất hiện những vấn đề bất thường như lạm phát cao, giá vàng tăng mạnh trở lại, tỷ giá biến động...thì mới lo ngại nguồn vốn không chảy vào ngân hàng. Ngoài ra, nếu nhu cầu vốn tăng cao, các ngân hàng ắt sẽ điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng lên để hút vốn trở lại. Đây là nguyên tắc linh hoạt của thị trường.
Mặt khác, bản thân Ngân hàng Nhà nước có trong tay rất nhiều công cụ điều hành như thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái chiết khấu, tái cấp vốn... nên có thể hỗ trợ ngay thanh khoản cho các nhà băng khi cần thiết.
Theo Lệ Chi
VnExpress