Tiền lương tối thiểu vùng: Chủ sử dụng lao động đề xuất chỉ tăng 2%

Chuyên gia cho rằng, CPI tác động lớn đến tăng lương tối thiểu. Ảnh minh hoạ.
Chuyên gia cho rằng, CPI tác động lớn đến tăng lương tối thiểu. Ảnh minh hoạ.
TP - Ngày 26/7, Hội đồng tiền lương quốc gia tổ chức phiên đàm phán lần thứ 2 về lương tối thiểu vùng 2019. Dù chưa đi đến thống nhất nhưng chênh lệch giữa đề xuất của các bên đã giảm xuống.

Theo đó, đại diện chủ sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng 2%. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giữ nguyên đề xuất ban đầu ở mức 8%.

VCCI: Chuyển từ không tăng sang tăng

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong phiên thảo luận này, VCCI đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức 2% so với năm 2018. Trước đó, ở phiên thảo luận đầu tiên, VCCI đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Lí giải về mức đề xuất tăng này, ông Phòng cho biết, DN phải chi phí cho tăng lương tối thiểu 2018. Từ ngày 1/7, lương cơ sở dành cho công chức, viên chức trong khu vực công đã tăng thêm 90.000 đồng (từ 1.300.000 lên 1.390.000 đồng). Trong khi trước đó 7 tháng, từ ngày 1/1, lương tối thiểu của khu vực DN đã tăng thêm 180.000 - 230.000 đồng.

“Việc điều chỉnh mức đề xuất 2 % phần nào tính tới sự cân đối giữa đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện chất lượng việc làm, tạo thêm nguồn việc làm mới. Ðề xuất điều chỉnh 2 %, người đề xuất đã phải vượt qua nhiều quan điểm trái chiều trước phiên đàm phán này của nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam…”, ông Phòng nói .

CPI tăng cao tác động mức tăng lương

Theo bà Tống Thị Minh, thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LÐTB&XH), bức tranh kinh tế năm 2018 có phần khả quan hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên, thách thức kinh tế 6 tháng cuối năm còn lớn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã cận kề mức 4%.

“Chính phủ đang có những điều chỉnh nhằm giữ được mức CPI trên để đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động. Nếu CPI tăng cao nữa thì tăng lương tối thiểu sẽ khó có tác dụng”, bà Minh nói.

Ðại diện cho người lao động, ông Lê Ðình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LÐLÐ VN) cho rằng, một trong những yêu cầu của phiên đàm phán thứ 2 phải tìm được sự đồng thuận và cách xác định các yếu tố của mức sống tối thiểu. Trong đó, yếu tố “rổ hàng hoá” có tính then chốt để hình thành nên mức sống tối thiểu.

“Các bên chưa có sự đồng thuận bởi giá cả thị trường tăng theo năm nhưng việc xây dựng “rổ hàng hoá” với định lượng 54 mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống lại giảm đi”, ông Quảng nói.

Theo người đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đang tính chi phí lương thực chiếm 48 %, còn lại chi phí phi lương thực, năng lượng và giáo dục. Chi phí lương thực như trên quá cao vì đời sống đang càng lên cao, nhu cầu phi lương thực ngày càng lớn chứ không thể dừng ở mức đã nêu.

Ðể bảo vệ quan điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức 8%, ông Vũ Quang Thọ - thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LÐLÐ VN) đã nêu ra 3 lí do. Theo ông Thọ, mức trượt giá tới nay đã gần 4% nên việc điều chỉnh lương tối thiểu không thể ở mức 2% như VCCI đưa ra. Nếu như vậy, người lao động chưa thể giải quyết được bài toán chi phí sinh hoạt tối thiểu cho mình và gia đình. Lý do thứ 2, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Ðây là kết quả đáng ghi nhận trong nhiều năm qua.

“Kết quả cao như vậy một phần do công sức đóng góp của người lao động. Giới chủ cũng cần để người lao động được hưởng thành tựu về phát triển kinh tế. Do đó, mức tăng cần phải khoảng 8% chứ không thể 2% như VCCI đưa ra”, ông Vũ Quang Thọ cho biết.

Dự kiến, phiên họp cuối cùng của Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 8/2018  để chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. 

Tại phiên họp lần 1 và lần 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia ngày 9/7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức 8% (từ 220.000  đến 330.000 đồng/tháng). Ðại diện VCCI chuyển từ không tăng lương tối thiểu vùng (ở phiên thứ 1) sang tăng 2% vào phiên họp thứ 2.

Ðể bảo vệ quan điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức 8%, ông Vũ Quang Thọ - thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LÐLÐ VN) đã nêu ra 3 lí do. Theo ông Thọ, mức trượt giá tới nay đã gần 4% nên việc điều chỉnh lương tối thiểu không thể ở mức 2% như VCCI đưa ra.
MỚI - NÓNG