> Dạy trò bằng roi - lạ và không lạ
> Đắng lòng thầy dùng roi dạy trò
Nghĩa là ông cha ta đã mặc định cái việc “yêu cho roi cho vọt” và đã làm thầy là đương nhiên có quyền “gõ đầu trẻ con”.
Nhưng bây giờ, làm nghề giáo lắm lúc thật nguy hiểm: lỡ tay cốc đầu, véo tai học sinh, hay có làm gì “xâm phạm thân thể” (đánh đòn) hay “gây tổn thương về tinh thần” (la mắng)… là rất có thể ngày mai bị phụ huynh kiện, báo chí “vào cuộc”, tương lai gần là một bản án kỷ luật, thuyên chuyển…
Chẳng vậy mà dưới sức ép của “dư luận” (cộng đồng mạng), một trung tâm gia sư ở Thái Nguyên đã phải cho “nghỉ việc” thầy giáo trẻ vì “can tội” đánh roi phạt học sinh bị điểm kém và cũng “can tội” không ngăn được hình ảnh này xuất hiện trên internet.
Cách nay cũng không lâu, một ông thầy tiến sỹ nổi tiếng với phong cách giảng bài sinh động và ngôn từ dân dã, được nhiều học viên yêu thích cũng bất ngờ hứng đá từ “cộng đồng mạng” khi clip giảng dạy được cho là “dung tục” của thầy được tung lên mạng.
Qua những ý kiến trên các mạng xã hội, có thể thấy đa số phản đối hành động đánh đòn học sinh của ông thầy trẻ ở Thái Nguyên, vì đương nhiên ông đã phạm luật.
Nhưng cũng có một số ít ý kiến tuy không hẳn ủng hộ việc đòn roi nhưng cũng cho thấy vấn đề vẫn có thể nhìn nhận ở một góc độ khác, nhân văn và đa chiều hơn.
Một người viết: “Nói cách khác, bây giờ thân thể học sinh được nhà trường, phụ huynh, công luận bảo vệ đến tận… răng. Song việc bảo vệ nhân cách và lòng tự trọng của học sinh lại bị xem nhẹ. Khẩu hiệu tiên học lễ, hậu học văn chỉ treo làm cảnh ở trường học, còn trong dòng chảy cuồn cuộn của các bài giảng cải cách, thi cử, cả thầy và cô chẳng có lúc nào kịp dừng lại để ngẫm lại bài học vỡ lòng ấy”.
Lòng tự trọng của học sinh ở đây là gì? Là biết phân biệt đúng sai và sẵn sàng nhận lỗi khi bản thân mắc sai lầm, là đạo nghĩa thầy trò.
Nó không giống chút nào với sự vị kỷ dường như đang nảy nở ngày càng mạnh ở một số bộ phận học sinh ngày nay, khi điều kiện vật chất, tinh thần và xã hội ngày càng đầy đủ.
Lòng tự trọng ấy đã lấp lánh qua hình ảnh hàng chục em học sinh lớp 6A1 trường THCS thị trấn Điện Biên Đông tự nguyện chịu phạt bằng cách quỳ trên đá.
Cũng chỉ vì hành động bột phát của trẻ nhỏ, cô giáo chủ nhiệm lớp đã bị điều chuyển với cái tiếng “ác với học trò”. Cho dù sau đó người ta biết, hành động tự phạt ấy xuất phát từ việc các em “sợ cô giáo buồn vì điểm thi đua của lớp bị kéo xuống nên đã nghĩ cách quỳ trên đá để cô… vui”.
Có thể ai đó sẽ cho rằng đến thể kỷ 21 rồi mà dạy học vẫn còn dùng roi vọt thì quá cổ hủ. Nhưng những lời nói của phụ huynh những em nhỏ bị thầy đánh roi ở Thái Nguyên kia dường như vẫn gợi cho chúng ta những suy ngẫm.
Bởi cái đích của giáo dục suy cho cùng là sự tiến bộ của con người, bản thân phương pháp giáo dục chưa bao giờ là cái đích cả. Và dù có cải tiến, đổi mới giáo dục theo trường phái, triết thuyết nào thì tinh thần “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn rất cần được gìn giữ.