Tiền đâu mua lại nợ ngân hàng?

Chính phủ nhiều khả năng sẽ không đưa một khoản vốn lớn như vậy vào công ty mua bán nợ dưới dạng vốn chủ sở hữu.
Chính phủ nhiều khả năng sẽ không đưa một khoản vốn lớn như vậy vào công ty mua bán nợ dưới dạng vốn chủ sở hữu.
Nếu Ngân hàng Nhà nước lập công ty để mua số nợ có thể lên tới 100 nghỉn tỷ đồng của các ngân hàng, nguồn vốn sẽ lấy từ đâu?

> Dân đầu cơ BĐS bán tháo, chủ đầu tư xanh mặt

Ngày 31-5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhóm họp với lãnh đạo 14 ngân hàng lớn nhất hệ thống. Tại đây, nhóm 5 giải pháp cơ bản để có thể kích thích tín dụng hợp lý được đưa ra, trong đó có một giải pháp mới và quan trọng.

Cụ thể, như VnEconomy phản ảnh ở bài viết trước, để giải bài toán nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến thành lập công ty mua bán nợ với số nợ mua có thể lên tới 100 nghìn tỷ đồng.

Mục đích của giải pháp này nhằm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại cũng như của doanh nghiệp và nhờ đó, ngân hàng sẽ đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế, tháo gỡ sự ngưng trệ lưu chuyển dòng vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Hiện giải pháp đang tính toán này chưa có các thông tin cụ thể và chính thức về hướng triển khai, hoặc tính khả thi của nó.

Theo đó, một số câu hỏi cơ bản được đặt ra: nguồn vốn sẽ lấy ở đâu khi quy mô mua lại có thể lên tới 100 nghìn tỷ đồng; việc định giá các khoản nợ để mua lại thực hiện như thế nào, theo chuẩn nào…?

Đó cũng là những câu hỏi mà chuyên gia Fiachra Mac Cana, Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), đề cập đến trong bình luận về sự kiện trên.

Ông Fiachra Mac Cana dự tính: “Chúng tôi cho rằng Chính phủ nhiều khả năng sẽ không đưa một khoản vốn lớn như trên vào công ty mua bán nợ dưới dạng vốn chủ sở hữu; mà nhiều khả năng lượng vốn chủ sở hữu sẽ ít hơn nhiều con số 100.000 tỷ đồng và công ty mua bán nợ sẽ huy động vốn dài hạn (có thể thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 - 10 năm) để huy động đủ số vốn 100.000 tỷ đồng”.

Nếu vậy, có hai câu hỏi khác được đặt ra: Một là, ai sẽ là người mua trái phiếu dài hạn do công ty mua bán nợ phát hành và với lãi suất là bao nhiêu? Hai là, công ty mua bán nợ sẽ dựa vào phương pháp định giá nào khi mua nợ xấu từ các ngân hàng và quy trình định giá nợ xấu sẽ được thực hiện như thế nào?

Ở câu hỏi thứ nhất, theo chuyên gia của HSC, trái phiếu do công ty mua bán nợ phát hành sẽ được phát hành cho mọi đối tượng (cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và có lẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ là người mua cuối cùng.

Nếu trái phiếu của công ty mua bán nợ được Chính phủ bảo lãnh thì có thể các công ty bảo hiểm sẽ mua. Và khả năng lớn là chính Ngân hàng Nhà nước sẽ mua chủ yếu trái phiếu do công ty mua bán nợ phát hành.

Ở câu hỏi thứ hai, ông Fiachra Mac Cana cho rằng “hơi khó để tìm lời giải đáp”.

Giả sử giá trị tài sản thế chấp của các khoản nợ đã giảm mạnh (giá bất động sản đã giảm khoảng 30 - 40% từ đỉnh, khoảng hơn 60% tài sản thế chấp các khoản vay ngân hàng hiện liên quan đến bất động sản) thì có khả năng công ty mua bán nợ sẽ mua lại nợ với giá thấp hơn đáng kể so với mệnh giá các khoản nợ.

Và việc đàm phán giá mua các khoản nợ của Vinahin có thể sẽ được coi là một thử nghiệm.

“Nếu mua các khoản nợ này ở giá quá cao so với giá trị thực sự của khoản nợ thì công ty mua bán nợ sẽ chịu lỗ ngay lập tức.

Còn nếu công ty mua bán nợ mua các khoản nợ với giá quá thấp thì các ngân hàng sẽ phải ghi nhận chi phí dự phòng đáng kể, theo đó làm giảm vốn chủ sở hữu của các ngân hàng bán nợ”, chuyên gia này phân tích thêm.

Và ông cũng dự tính rằng, trên thực tế, quá trình này sẽ được thực hiện làm nhiều giai đoạn và nếu có thể thực hiện trước cuối năm nay thì tăng trưởng tín dụng sẽ được nâng cao một chút.

Thông qua cam kết mua những khoản nợ xấu nhất định, các ngân hàng có lẽ sẽ có thể chuyển các khoản nợ xấu đó ra khỏi nhóm 2 - 5 và đưa vào “các khoản phải thu” sau khi đã trích lập dự phòng cần thiết dựa trên giá mua bán thỏa thuận. Điều này sẽ giúp giải phóng dư nợ cho dù các ngân hàng chưa nhận được ngay toàn bộ tiền bán nợ.

Tuy nhiên, đề xuất trên mới chỉ ở giai đoạn lấy ý kiến từ các ngân hàng. Con số đề xuất xấp xỉ 4,5% tổng dư nợ trong ngành ngân hàng và do đó đây mới chỉ được coi là bước khởi đầu.

“Nhưng dù sao thì cũng đã có những tiến triển nhất định và ít nhất là một khung giải pháp xử lý vấn đề nợ xấu đã được hình thành mặc dù vẫn còn cả một quãng đường dài phía trước và còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa để giải quyết triệt để được vấn đề này”, chuyên gia Fiachra Mac Cana bình luận.

Theo Vneconomy.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG