Tiền của người Việt ‘chảy’ ra nước ngoài

Tiền của người Việt ‘chảy’ ra nước ngoài
Đến thời điểm này, cá độ thể thao vẫn chưa được hợp pháp hóa tại Việt Nam nhưng những người có máu đỏ đen vẫn có thể cá cược thông qua những trang web cá cược thể thao ở nước ngoài.

Tiền của người Việt ‘chảy’ ra nước ngoài

> Mỹ không mặn mà cá cược thể thao 

Đến thời điểm này, cá độ thể thao vẫn chưa được hợp pháp hóa tại Việt Nam nhưng những người có máu đỏ đen vẫn có thể cá cược thông qua những trang web cá cược thể thao ở nước ngoài.

Theo một thống kê không chính thức, mỗi ngày có nhiều tỷ đồng được chuyển ra nước ngoài phục vụ cho hoạt động cá độ bóng đá.

Dễ dàng “lấy mạng” cá độ “chui”

Tiếng là lén lút, nhưng thế giới cá độ “chui” thông qua các trang web cá cược thể thao tại Việt Nam tồn tại và hoạt động khá sôi nổi. Cách đây hơn 10 năm, người chơi cá cược “chui” thường “giao dịch” với nhà cái thông qua tích-kê (người chơi chọn kèo, nhà cái nhận tiền cược và ghi nhớ bằng một mảnh giấy ghi kèo kèm theo chữ ký để sau đó thanh toán nếu người chơi thắng).

Những “mối làm ăn” thân quen hoặc có số lượng lớn thì có thể “giao dịch” bằng fax hoặc điện thoại. Phương thức cá cược này không thực sự hấp dẫn bởi khá lộ liễu và thiếu tính tương tác trực tuyến.

Từ khi cá độ thể thao trên mạng xuất hiện tại Việt Nam, số lượng người chơi tăng vọt, kèm theo đó là số tiền chơi cũng gấp lên nhiều chục lần. Lý do rất đơn giản: Hình thức cá cược này tiện dụng và tương đối kín đáo. Thậm chí, những công chức, viên chức có thể cá cược ngay trong… giờ làm việc với máy tính có nối mạng Internet.

Việc tìm một trang mạng để chơi trong thời “hoàng kim” của cá độ thể thao “chui” (cuối năm 2004 đến giữa năm 2012) vô cùng dễ dàng. Những người chưa có mối quan hệ gì với “chủ bóng” thì phải đặt cọc một số tiền nhất định, còn những người được “bảo lãnh” thì có thể chơi vô tư. Người ít tiền thì “lấy mạng” cỡ vài triệu đồng, người nhiều tiền hoặc có quen biết có thể “lấy mạng” giá trị hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Một “chân rết” trong hệ thống phân phối mạng cá độ thể thao “chui” cho biết: Thông thường, chủ mạng sẽ giao “chân rết” đi thanh toán tiền thắng, thua với khách. Các “chân rết” này sẽ được hưởng “tiền com”. Mức “tiền com” tương đương 0,1-0,3% số tiền của mỗi kèo chơi, và có thể giúp “chân rết” kiếm vài chục triệu đồng/tháng.

Cá độ lan rộng cả nông thôn, miền núi

Ngoài việc giao mạng cá độ “chui”, các chủ mạng thường kiêm thêm cả mảng tín dụng đen, dễ hiểu hơn là cho vay nặng lãi. Những con bạc thua mà chưa có tiền thanh toán có thể được vay tiền để trả nhưng với số lãi cắt cổ, ít nhất là 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, còn nhiều thì lên tới 20.000 - 30.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Số lãi mẹ này sẽ đẻ lãi con rất nhanh khiến người vay phải tìm mọi cách để trả. Và, khi không có cách nào kiếm ra tiền nhanh thì họ phải tiếp tục lao vào cá độ hoặc lừa đảo, “rút lõi” tiền của cơ quan hay cầm cố tài sản gia đình...

Đại tá Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an, khẳng định: “Tình hình hoạt động cá độ hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp. Nếu như trước đây, hoạt động này chỉ diễn ra ở các thành phố lớn thì nay có trên phạm vi rộng hơn, cả ở địa bàn nông thôn, miền núi. Thành phần tham gia không chỉ những đối tượng cờ bạc truyền thống mà có cả cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, người hưu trí... Các quốc gia có hệ thống cá cược hợp pháp mỗi năm thu được rất nhiều tiền từ nguồn thuế và số tiền này được sử dụng vào công tác an sinh, xã hội. Trong khi đó, tại Việt Nam, nguồn tiền từ cá độ “chui” ở ta chảy vào các công ty cá độ có trụ sở ở nước ngoài là rất lớn”.

Cá độ có thể khiến một người có trình độ học vấn cao, có địa vị xã hội trở nên mê muội, mất nhân cách và vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc hợp pháp hoá cá cược thể thao cần được nghiên cứu kỹ và giám sát chặt chẽ với mức cá cược phù hợp để ngăn chặn những cơn “sóng ngầm” cá độ bóng đá với sức mạnh khó lường.

Theo Long Nguyên
Dân Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG