Tiêm vắc xin Quinvaxem: Vẫn ngay ngáy lo tai biến!
> Đã tính tới phương án thay thế Quinvaxem
> Bé 3 tuổi tử vong sau khi tiêm vắc-xin “Hib 5 trong 1”
Sáng 29/11, tại Viện Pasteur TPHCM, trẻ được đưa tới tiêm trở lại vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem khá đông. Không có tiền để tiêm vắc xin dịch vụ, loại “5 trong 1” Pentaxim và vắc xin “6 trong 1” Infaric-hexa, thay thế vắc xin Quinvaxem gây ra nhiều vụ tai biến vừa qua, nên chị Nguyễn Thị Thủy, 37 tuổi ở Bình Dương phải chọn vắc xin này.
“Dù được tư vấn vắc xin Quinvaxem an toàn nhưng tôi cũng hơi lo”- chị Thủy nói. Vắc xin Quinvaxem được tiêm miễn phí, trong khi 2 loại vắc xin dịch vụ kia có giá từ 600-700 nghìn đồng/lần tiêm nên những gia đình nghèo như chị Thủy không còn lựa chọn nào khác.
Hàng chục bà mẹ cũng đưa con trẻ đến tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem tại Trung tâm y tế dự phòng quận Gò Vấp, TPHCM trong sáng qua, với những tâm trạng khác nhau.
“Con gái mình đã tiêm được một mũi thì bị dừng tiêm. Được Trạm Y tế phường thông báo lịch tiêm mới trở lại nên đưa con đi tiêm, hy vọng không có chuyện gì xảy ra”- chị Hoàng Thị Nhung, 34 tuổi ở phường 11, quận Gò Vấp, nói.
Người mẹ này thừa nhận “có lo ngại khi tiêm trở lại vắc xin” nhưng lại “tin tưởng vì nếu gây tai biến thì không thể ngành Y tế cho tiêm lại”. Lo lắng và hồi hộp là tâm trạng chung của nhiều phụ nữ có con trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin này.
Anh Trần Đình Hùng, ở đường Khuông Việt, quận Tân Phú, cùng vợ đưa con đi tiêm vắc xin “5 trong 1” vào sáng qua thở phào khi một tiếng sau tiêm vắc xin, sức khỏe con trai vẫn ổn định. “Lúc đầu tiêm xong cứ lo nhưng đợi hơn 30 phút thấy cháu khỏe, bác sĩ cho ra về mới thở phào”- anh Hùng vui vẻ.
Đưa con đến tiêm chủng tại Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, TPHCM với những ám ảnh về tai biến vắc xin Quinvaxem nhưng chị Hồ Thị Hoài, công nhân ở khu chế xuất Linh Trung nói “không còn cách nào khác”.
Theo chị Hoài, trước đây khi tiêm mũi thứ nhất, con chị bị sốt suốt đêm nên cả nhà rất lo lắng. Vì vậy, lần tiêm này, chị Hoài thấp thỏm. Khi được hỏi về tiêm vắc xin dịch vụ, chị Hoài cho biết rất muốn cho con tiêm nhưng không có tiền.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, sau gần 20 ngày triển khai tiêm vắc xin Quainvaxem trở lại, chưa có báo cáo nào từ các điểm tiêm chủng về các trường hợp phản ứng nặng, tai biến xảy ra sau tiêm. “Tất cả các điểm chủng ngừa đều thực hiện triệt để quy định mỗi buổi chỉ tiêm tối đa cho 50 trẻ”- bác sĩ Thọ nói.
Vắc xin dịch vụ đắt hàng
Tại Viện Pasteur TPHCM, trong các tháng thông thường, khi vắc xin Quinvaxem vẫn được tiêm bình thường, mỗi tháng nơi đây đã tiêm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim, loại thay thế cho Quinvaxem cho gần 300 trẻ. Tuy nhiên, những tháng vắc xin Quinvaxem bị ngưng tiêm, loại vắc xin thay thế này tăng đột biến với gần 1 nghìn liều trong một tháng.
Một bác sĩ công tác ở khoa Chích ngừa của Viện này cho biết, dù vắc xin Quinvaxem được tiêm trở lại số người cho con tiêm vắc xin dịch vụ vẫn không giảm. “Một ngày chúng tôi tiêm vắc xin dịch vụ này cho vài chục trẻ”- bác sĩ này nói.
Tại Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM và các điểm chích ngừa dịch vụ ở 24 quận huyện cũng như các bệnh viện Nhi ở TPHCM, vắc xin dịch vụ thay thế Quinvaxem rất đắt hàng.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết trước khi đưa vắc xin Quinvaxem tiêm trở lại ngành y tế TPHCM đã kiểm tra 300 cơ sở y tế tiêm ngừa cho trẻ. “Các cơ sở thực hành và thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, bảo quản vắc xin, chuẩn bị sẵn sàng thuốc chống sốc và phương tiện cấp cứu, đặc biệt, tất cả các đơn vị tiêm chủng không được tiêm cho quá 50 trẻ trong một buổi”- bác sĩ Thọ nói.
Ngành y tế TPHCM ước tính sẽ có khoảng 88.000 trẻ được tiêm chủng bù và tiêm mới trong đợt này, trong đó, có 16.000 trẻ tiêm sởi và 72 nghìn trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem. |