Tiềm ẩn nguy cơ mất nước diện rộng

Tiềm ẩn nguy cơ mất nước diện rộng
TP - Sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà lần hai làm cho hơn 7 vạn dân ở khu vực phía Tây Nam Thủ đô lao đao trong những ngày qua đã được khắc phục, nhưng nguy cơ sự cố tương tự xảy ra vẫn còn tiềm ẩn.

> Cấp lại nước cho hơn 7 vạn dân
> Hơn 7 vạn hộ dân bị cúp nước
> Vỡ đường ống nước sạch công nhân hoảng hốt

Đơn vị cấp nước xin lỗi!

Sau gần hai ngày xảy ra sự cố, đến sáng 25/3, đường ống dẫn nước sạch sông Đà từ Hoà Bình về Hà Nội, đã được xử lý và cấp nước trở lại. Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh nước sạch (Viwaco) Nguyễn Anh Việt cho biết: “Trong ngày 25/3 nguồn nước sạch được cấp trở lại cho các hộ dân ở quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Trong số đó vẫn còn những hộ dân sống ở khu vực cao một vài ngày nữa nước mới tới khi áp lực nước trong ống mạnh hơn”.

Đại diện Viwaco cho rằng, ngay khi nhận được thông báo về sự cố tạm dừng cấp nước, Cty đã làm thông báo gửi tới tất cả các phường xã trong địa bàn để thông báo trực tiếp trên đài phát thanh tới các hộ dân về tình hình sự cố cũng như thời gian dự kiến cấp nước trở lại để người dân có kế hoạch sử dụng nước sạch cho phù hợp.

Đồng thời thiết lập đường dây nóng trả lời tự động tất cả các cuộc gọi của khách hàng và các hộ dân.

Cho đến 18h chiều qua, theo tìm hiểu của PV nhiều hộ dân phản ánh vẫn chưa có nước sạch. Đặc biệt là các hộ dân ở trong ngõ sâu, hay các khu nhà cao tầng thuộc các quận, huyện như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Từ Liêm.

Một số khu vực khác như dọc đường Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh (Thanh Xuân), nhiều hộ dân cho biết đã có nước nhưng áp lực nước rất yếu hoặc xuất hiện tình trạng nước, bị đục hoặc có mùi tanh.

“Người dân chưa kịp đóng tiền thì họ cắt nước, nhưng khi họ làm mất nước thì không có thông báo rõ ràng hoặc đền bù thiệt hại cho dân”, ông Lê Văn Hùng ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy bức xúc.

Lãnh đạo Cty Viwaco cũng cho biết, thông qua báo chí đơn vị gửi lời xin lỗi tới khách hàng, người dân bị ảnh hưởng do việc mất nước sạch trong mấy ngày qua.

Ẩn chứa nguy cơ mất nước diện rộng

Đề cập về nguyên nhân lần thứ hai xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước, lãnh đạo Viwaco cho rằng, do tác động của việc sụt lún mặt đường đại lộ Thăng Long chưa ổn định và áp lực nước rất mạnh nên sự cố vỡ đường ống nước là khó tránh khỏi.

Trong tương lai, những sự cố tương tự như vậy vẫn có thể tiếp tục xảy ra. Hiện Cty này đã lập đội phản ứng nhanh để khắc phục những sự cố bất ngờ.

Được biết, hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà từ Hoà Bình về Hà Nội có chiều dài khoảng 47km. Hệ thống đường ống này được xây dựng từ năm 2004, đi qua nhiều vùng địa chất khác nhau, có những đoạn được chôn sâu dưới lòng đất 7m.

Chính vì vậy, khi xảy ra sự cố vỡ đường ống thì việc xác định vị trí và khắc phục sự cố rất khó khăn. Theo một số chuyên gia về nước sạch, ngay từ khi xây dựng đường ống dẫn nước mặt sông Đà để cấp nước về Hà Nội đã được khuyến cáo về an ninh nguồn cấp nước. Bởi lẽ nước cấp từ sông Đà về Hà Nội chỉ qua tuyến ống truyền dẫn duy nhất.

 Người dân chưa kịp đóng tiền thì họ cắt nước, nhưng khi họ làm mất nước thì không có thông báo rõ ràng hoặc đền bù thiệt hại cho dân”. 

ông Lê Văn Hùng ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy

“Về mặt kỹ thuật khi thi công đường ống phải tính toán được áp lực nước và phải có van hãm nếu áp lực quá mạnh. Việc không tính toán kỹ để thi công hai đường ống song song, nên khi sự cố xảy ra không có nguồn nước nào thay thế kịp thời và sẽ ảnh hưởng đến việc cấp nước cho một vùng rộng lớn của Hà Nội. Trong khi đó, các phương án dự phòng, đường ống dự phòng, các khu bể chứa hoàn toàn không có”, một chuyên gia phân tích.

Phía Viwaco cho biết, thời điểm xây dựng hệ thống đường ống dẫn, chủ đầu tư là Tổng Cty Vinaconex đã đề nghị hỗ trợ để xây dựng hai đường ống dẫn song song. Tuy nhiên, lúc đó đề nghị này chưa được chấp thuận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG