Ngày 27/6/2019 vừa qua, Tòa án Nhân dân thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam đã đăng thông báo trên báo “Nhân dân pháp viện” cho biết Viện Kiểm sát đã đề xuất tịch thu toàn bộ tài sản khổng lồ có được một cách phi pháp của Bành Húc Phong, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Xây dựng hạ tầng Hồ Nam và vợ là Giả Tư Ngữ đã bỏ trốn ra nước ngoài hai năm trước sau khi phạm tội nhận hối lộ.
Được biết, Bành Húc Phong cùng em trai đã nhận hối lộ hơn 238 triệu Nhân dân tệ (NDT) và đã chuyển hơn 42,99 triệu NDT ra nước ngoài. Thông báo cho thấy số tiền và của cải khổng lồ mà Phong tham nhũng và nơi đến của chúng. Theo đó,vợ chồng Phong đã chuyển một phần số tiền vơ vét được ra nước ngoài để mua 5 bất động sản, các trái phiếu kho bạc trị giá 2,5 triệu Euro và có kế hoạch mua chứng phiếu quỹ trị giá 500.000 USD.
Hôm 23/6, Tòa án thành phố Nhạc Dương đã tiến hành lập hồ sơ thụ lý vụ án vợ chồng Bành Húc Phong và Giả Tư Ngữ phạm tội nhận hối lộ và rửa tiền. Trước đó 3 tháng, Bành Diệu Phong, em trai Bành Húc Phong cũng đã bị tòa án xét xử về hai tội nhận hối lộ và rửa tiền, nhưng hiện mức án chưa được tuyên. Phía viện kiểm sát cáo buộc hai anh em nhà này đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 200 triệu NDT.
Bành Húc Phong, sinh tháng 5/1966, Kỹ sư cao cấp, Thạc sỹ công trình từng là Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trường Sa, tỉnh Hồ Nam từ năm 2010; tháng 3/2017 được thăng chức Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Công ty TNHH đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh Hồ Nam.Ngày 6/6/2018, cơ quan công an ra thông báo chính thức cho biết Bành Húc Phong bị cáo buộc phạm tội nhận hối lộ và rửa tiền đã trốn sang Australia vào ngày 24/3/2017, sau đó trốn sang Mỹ; bà Giả Tư Ngữ, vợ ông ta cũng đã bỏ trốn vào ngày 10/3/2017.
Theo tin trên báo chí, sau khi biết tin bị một số người tố cáo ông can thiệp vào dự án tàu điện ngầm, Bành Húc Phong đã chạy trốn. Ngày 10/5/2017, theo yêu cầu của Trung Quốc, Interpol đã ra thông báo truy nã đỏ đối với hai vợ chồng Bành Húc Phong và Giả Tư Ngữ.
Được biết, đằng sau việc đề xuất tịch thu tài sản của vợ chồng Bành HúcPhong là một trình tự thủ tục đặc biệt của Luật Tố tụng hình sự Trung Quốc. Ngoài việc các quan chức bỏ trốn, thủ tục này cũng được áp dụng cho các quan chức tham nhũng đã chết, như Nhiệm Nhuận Hậu, cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây và Từ Tài Hậu, Thượng tướng, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã bị chết vì bệnh trong thời gian bị điều tra.
Thủ tục này gọi là “thủ tục tịch thu của cải bất hợp pháp của nghi phạm hình sự, bị cáo bỏ trốn hoặcđã chết”.Đối với các tội nghiêm trọng như tham ô, nhận hối lộ, hoạt động khủng bố, nghi phạm hình sự đã trốn thoát, không thể quy án sau một năm truy nã; hoặc nghi phạm, bị cáo đã chết thì tiến hành tịch thu thu nhập bất hợp pháp và các tài sản khác có liên quan theo quy định của luật hình sự. Viện Kiểm sát có thể đề xuất tòa án tịch thu mọi khoản thu nhập bất hợp pháp .
Ngày 25/7/2017, Tòa án thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô đã công khai phán quyết chấp nhận đề nghị của Viện Kiểm sát thành phố xin tịch thu các tài sản có được do nhận hối lộ, tham ô và số tài sản cực lớnkhông thể giải trình nguồn gốc của Nhiệm Nhuận Hậu – Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Tây để nộp kho nhà nước. Nhiệm Nhuận Hậu đã bị điều tra từ ngày 29/8/2014. Chỉmột tháng sau khi bị tuyên bố điều tra, ông ta qua đời vì bệnh khi 57 tuổi. Nói cách khác, sau khi ông ta chết 3 năm vì bệnh, tòa án vẫn ra phán quyết tịch thu và chuyển vào kho nhà nước số tiền thu nhập bất hợp pháp bao gồm 12,95 triệu NDT, 420 ngàn HKD, 1,04 triệu USD, 210 ngàn Euro, 10 ngàn CND (đô la Canada) và 135 đồ vật quý.
Một trường hợp khác đã áp dụng thủ tục này là cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu. Ngày 15/3/2015, Từ Tài Hậu bị chết tại bệnh viện quân y vì ung thư bàng quang giai đoạn cuối đã di căn nhiều chỗ, suy đa tạng và điều trị không hiệu quả. Do Từ Tài Hậu đã chết, Viện kiểm sát quân sự đã đưa ra quyết định không truy tố ông ta, nhưng các khoản tài sản có được do nhận hối lộ bị xử lý theo pháp luật.
Các tài sản của Từ Tài Hậu đã được xử lý theo pháp luật như thế nào? Vào tháng 3 năm 2015, ông Lưu Quế Minh, Tổng biên tập tạp chí “Dân chủ và pháp chế”, đã viết một bài báo nói rằng vì Từ Tài Hậu chết trước khi bị truy tố chính thức, việc xử lý tài sản liên quan được áp dụng “thủ tục tịch thu đặc biệt đối với thu nhập bất hợp pháp”. Liu Guiming nói rằng đối với tội nhận hối lộ, “thu nhập bất hợp pháp” hoặc “thu nhập có được do phạm tội” thường bị tịch thu bởi các thủ tục tư pháp.
Tuy nhiên, trên thực tế, có thể là Ủy ban Kiểm tra kỷ luật hoặc Ủy ban giám sát đã tịch thu các khoản “thu nhập bất hợp pháp” ngay khi ở giai đoạn điều tra của tổ chức. Các khoản tiền có được do vi phạm kỷ luật của Từ Tài Hậu có thể đã bị tịch thu trực tiếp và chuyển vào kho bạc nhà nước bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật hoặc cơ quan giám sát. Việc xử lý các tài sản tiếp theo sau giai đoạn kiểm tra và giám sát kỷ luật được căn cứ vào “thủ tục đặc biệt” theo quy trình tư pháp.
Được biết, việc xử lý các tài sản “hậu sự” của Từ Tài Hậu đã được Viện kiểm sát quân sự và Tòa án quân sự Trung Quốc thực hiện.