Tỉ mẩn

Tỉ mẩn
TP - Festival Huế vừa khép lại, bạn bè kéo nhau đi ăn món Huế, chợt nhớ một thời, sự tỉ mẩn được dạy và được ngợi ca như là phẩm chất nổi bật của người Việt. Tỉ mẩn từng chi tiết chạm khắc gỗ, gạch, ở đồ đồng đồ đá mà rõ nhất là ở bức tượng Phật Tích ở Bắc Ninh, trên tượng rắn đền thờ Lê Văn Thịnh, trên cột đá đền Trần ở Tràng An – Ninh Bình, trên những hiện vật được vớt lên từ hố khai quật Hoàng thành Thăng Long, từ những con tàu đắm trên biển Đông, từ những món ăn ở các cố đô.

Nay, nó đang mất dần: Người ta làm họa tiết trên đồ gỗ bằng khuôn, hàng may mặc chỉ mạnh ở giá nhân công rẻ, xay giò chả bằng máy quên bẵng giã tay, những con nghê con rồng trên đầu đao bình phong đình chùa kém sinh sắc hơn, tượng to mà kém tinh xảo hơn…

Tại sao sự tỉ mẩn ngày càng mai một? Chúng bị coi thường? Vì cuộc đua năng suất và lợi nhuận trước mắt, vì hưởng thụ kém tinh tế hơn? Vì không thể sống chậm được nữa?

Những dòng họ làm rượu, làm đồ da, may mặc ở châu Âu qua hàng trăm năm vẫn tồn tại đến ngày nay. Sản phẩm và sự tỉ mẩn thủ công của họ là nền móng cho hàng hiệu. Khác với công nghệ, thủ công ăn tiền bền vững.

Hôm trước, gặp lại Việt Bắc – một thanh niên tỉ mẩn hiếm hoi, người đã tạo ra 4 loại trà thuần Việt từ các vườn trà cổ thụ ở miền Bắc, vợ Bắc cười: “Bọn em đặt thợ người Việt làm khay trà bằng trúc giống loại khay Đài Loan đang bán 200 – 400 ngàn đồng, họ không làm. Lại đặt họ làm muỗng múc trà bằng gỗ, họ nói chi phí mỗi cái 90 ngàn, trong khi muỗng này Trung Quốc bán 14 ngàn”. May thay, một người thợ Bát Tràng đồng ý nặn ấm trà từ đất tử sa mà Bắc nhập từ Nghi Hưng – Trung Quốc.

Gần đây, khi bàn về bẫy thu nhập trung bình, một nhà kinh tế học Nhật Bản cho rằng, muốn thoát khỏi cái bẫy này, Việt Nam cần đặt ra 5 mục tiêu phát triển trong thời gian tới, trong đó ít nhất có được một sản phẩm chế tạo chất lượng cao chiếm lĩnh thị trường toàn cầu (hiện mới chỉ có hàng hóa cơ bản).

Điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam đang đứng tốp đầu trong dòng smartphone, nhưng tiếc rằng nó là sản phẩm của doanh nghiệp FDI. Vậy thì, những sự dụng công, những bàn tay tài hoa đã đi vào sử sách dân tộc đâu rồi, sao không xuất lộ trở lại để làm nên những mặt hàng thủ công Việt Nam? Một thế mạnh, một niềm tự hào đâu dễ bị cuốn đi?

MỚI - NÓNG