Thuyết âm mưu về cái chết người nổi tiếng

TPO - Cộng đồng mạng có xu hướng nguy hiểm hóa về cái chết của những người nổi tiếng. Nữ hoàng Elizabeth II, Công nương Diana hay Michael Jackson… đều là những nạn nhân của các thuyết âm mưu trên mạng xã hội.
Thuyết âm mưu về cái chết người nổi tiếng ảnh 1

Sự ra đi đột ngột của Coolio tạo cơ hội cho các thuyết âm mưu bùng nổ. Ảnh: Reuters.

Ngay sau khi Coolio qua đời ở tuổi 59 vào cuối tháng 9, cộng đồng mạng dấy lên những thuyết âm mưu vô căn cứ về cái chết của rapper gạo cội người Mỹ.

Một số người tung tin ông bị sát hại vì có thông tin tình báo bí mật về hoạt động ngầm trong ngành công nghiệp âm nhạc và dự tính phanh phui tất cả ra ánh sáng. Trong khi đó, những cư dân mạng khác lan truyền thông tin sai lệch rằng vắc-xin chống COVID-19 giết chết ngôi sao sinh năm 1963.

Trên thực tế, nguồn tin của World Star Hip Hop cho biết Coolio bị đột tử do ngưng tim. Chiều 28/9, ông đến chơi tại nhà riêng của một người bạn. Ông vào nhà vệ sinh nhưng không thấy ra. Mọi người phải phá cửa và phát hiện Coolio tử vong trong bồn tắm.

Chỉ ít phút sau thông báo về cái chết của Coolio, YouTuber kiêm nhà bình luận người Mỹ Tim Pool đề cập đến những cái chết gần đó liên quan đến bệnh tim và cho rằng cái chết của Coolio là bất thường, còn gọi thẳng tên nhà sản xuất vắc-xin COVID-19.

Coolio là trường hợp mới nhất trong một chuỗi thuyết âm mưu xung quanh cái chết của những người nổi tiếng. Không chỉ những người mới ra đi như Nữ hoàng Elizabeth, diễn viên Bob Saget, Anne Heche hay rapper DMX, cả những cái tên qua đời nhiều thập niên như Elvis Presley, Công nương Diana đến bây giờ vẫn không được phép chết một cách bình thường. Đại dịch và mạng xã hội khiến các thuyết âm mưu về cái chết của những người nổi tiếng trở nên quá khích, phát triển khó kiểm soát hơn.

“Thuyết âm mưu từng bị giới hạn về phạm vi và thời gian. Phong cách thuyết âm mưu mới mà chúng ta thấy ngày nay thường bao hàm tất cả, cố gắng giải thích hầu hết mọi thứ không ổn với thế giới này bằng một lời giải thích đơn giản. Nếu bạn tin có một nhóm người bất chính chịu trách nhiệm cho tất cả điều sai trái và tồi tệ trên thế giới. Tại sao bạn không thể không tin họ đứng sau cái chết của người nổi tiếng mà bạn yêu thích?”, Tiến sĩ Yotam Ophir, giáo sư truyền thông tại Đại học Buffalo (New York, Mỹ), cho biết.

Thuyết âm mưu về cái chết người nổi tiếng ảnh 2

Nữ diễn viên Anne Heche bị đồn qua đời do ám sát. Ảnh: TNS.

Một hệ sinh thái rộng lớn hơn cho các thuyết âm mưu

Đa số trường hợp nguy hiểm hóa nguyên nhân cái chết của người nổi tiếng đều có mục đích phía sau. Cộng đồng QAnon (thuyết âm mưu cực hữu liên quan đến chính trị ra đời năm 2017) thường sử dụng việc người nổi tiếng qua đời như một cách để thúc đẩy câu chuyện của riêng họ, chẳng hạn như tung tin Donald Trump là vị cứu tinh chiến đấu chống lại một nhóm kẻ ấu dâm đang kiểm soát thế giới.

Khi Nữ hoàng Elizabeth qua đời vào tháng 9 ở tuổi 96, các diễn đàn QAnon bùng nổ loạt giả thuyết hoang đường. Một số người tuyên bố không có bằng chứng rằng nữ hoàng đã chết, mà chỉ do các nhà chức trách thông báo ra bên ngoài. Bộ phận khác lại loan tin ông Trump biết về cái chết của nữ quân vương nước Anh trước khi nó xảy ra.

QAnon cũng có phản ứng tương tự sau khi nữ diễn viên Anne Heche qua đời do tai nạn ôtô ở tuổi 53 vào tháng 8. Những người ủng hộ phong trào cho rằng cái chết của ngôi sao Mỹ là một vụ ám sát để che đậy tội ác tình dục của Hollywood và nhà đầu tư quá cố bị kết tội buôn bán tình dục trẻ vị thành niên Jeffrey Epstein. Một bài đăng được chia sẻ hàng nghìn lần trên Twitter bịa đặt Anne Heche đang làm một bộ phim về Epstein.

Một số người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng QAnon cũng cho rằng Coolio bị ám sát nhằm ngăn ông vạch mặt những kẻ buôn bán tình dục.

Aoife Gallagher, một nhà nghiên cứu thông tin sai lệch và là tác giả của một cuốn sách về thuyết âm mưu, cho hay việc tuyên bố những nhân vật vừa qua đời đang cố gắng phơi bày sự thật là chủ đề thường xuyên và lặp đi lặp lại trong các phong trào thuyết âm mưu. Theo Gallagher, đây là cách dễ nhất để QAnon được nhiều người biết đến hơn. Ngoài ra, vì luôn tồn tại tư duy âm mưu khiến họ ngay lập tức bác bỏ các thông tin chính thống.

Không chỉ QAnon, những người chống vắc-xin COVID-19 cũng đang lợi dụng cái chết của người nổi tiếng để truyền bá tư tưởng vắc-xin COVID-19 và các mũi tiêm nhắc lại không an toàn. Diễn viên hài Bob Saget, minh tinh gạo cội Betty White hay rapper DMX đều bị đồn qua đời do tiêm vắc-xin COVID-19.

Bà Gallagher giải thích luận điệu chống vắc-xin và thuyết âm mưu về cái chết của người nổi tiếng được liên kết với nhau trong vài năm qua vì những người chống vắc-xin thường cho rằng mũi tiêm ngừa COVID-19 là một phần của kế hoạch giảm dân số bất chính, cố ý giết hàng loạt người.

“Thành thật mà nói chúng ta có thể chứng kiến điều này tiếp diễn trong nhiều năm vì nhiều người có ảnh hưởng cho rằng vắc-xin được tạo ra để giết người trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm”, nữ chuyên gia nói.

Các thuyết âm mưu về cái chết của người nổi tiếng tồn tại trong nhiều thập kỷ. Dư luận không ít lần nghe được những câu chuyện chưa xác thực về John F. Kennedy, Elvis Presley, Công nương Diana, Michael Jackson và nhiều ngôi sao khác.

Dù được xác định là qua đời trong vụ tai nạn thảm khốc tại Paris năm 1997, không ít tin đồn liên quan đến sự ra đi của Công nương Diana. Trong số đó, thuyết âm mưu được nhiều người tin nhất là bà bị ám sát, vụ tai nạn được sắp đặt từ trước.

Trong khi đó, Michael Jackson bị cho là giả chết để thoát khỏi sự săm soi của giới truyền thông và tránh sự phá sản sắp tới. Giả thuyết tương tự cũng xảy ra với ông hoàng nhạc rock&roll Elvis Presley. Người ta tin rằng Elvis giả chết năm 1977, phải trốn biệt tích vì nhiều nguyên nhân.

Thuyết âm mưu về cái chết người nổi tiếng ảnh 3

Không ít người tin vụ tai nạn cướp đi sinh mạng Công nương Diana có sự sắp đặt. Ảnh: Yours.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ phát triển của thuyết âm mưu ngày càng nhanh do sự xuất hiện của QAnon loạt các phong trào âm mưu khác.

Các chuyên gia Ophir và Gallagher đều chỉ ra rằng môi trường công nghệ và các thuật toán truyền thông xã hội là động lực chính thúc đẩy tốc độ lan truyền ngày càng tăng của những lý thuyết vô căn cứ. Nhiều người đang tạo ra và truyền bá các thuyết âm mưu trong phòng kín như Telegram hoặc những bài đăng công khai trên các nền tảng như Twitter thường bắt đầu bằng # khiến thông tin sai lệch lan truyền trên quy mô lớn trước khi nền tảng có thời gian loại bỏ chúng.

Theo Ophir, một câu chuyện xúc động, giật gân hoặc bất ngờ để giải thích cho sự ra đi của người nổi tiếng thu hút hơn nhiều “sự thật 'nhàm chán' rằng mọi người chết vì tất cả con người cuối cùng cũng chết”.

Theo SCMP
Tin liên quan