Thuyền viên Việt mất tích trong vụ chìm tàu ở Hàn Quốc: Tích cực hỗ trợ gia đình nạn nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm ngày qua, sau cuộc gọi thông báo từ Hàn Quốc, thân nhân của hai thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu cá vẫn không ngừng hy vọng các nạn nhân được bình an trở về.
Thuyền viên Việt mất tích trong vụ chìm tàu ở Hàn Quốc: Tích cực hỗ trợ gia đình nạn nhân ảnh 1
Chị Hoa (vợ thuyền viên Dám) đau đớn khi nghe tin chồng mất tích trên biển

Sáng 9/2, nhiều người dân có mặt tại nhà chị Trần Thị Ngọc Hoa (37 tuổi, ở thôn Tân Trung Thuỷ, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) để thăm hỏi, động viên sau khi hay tin thuyền viên Nguyễn Văn Dám (38 tuổi, chồng chị Hoa) đang mất tích trong vụ chìm tàu đánh cá tại Hàn Quốc vào đêm 4/2.

Suốt 5 ngày qua, kể từ khi nhận tin báo chồng gặp nạn khi đi đánh cá trên biển, không đêm nào chị Hoa chợp mắt nổi. Chị chẳng thiết ăn uống mà chỉ ngồi ở góc nhà, cầm chiếc điện thoại trên tay chờ ngóng tin chồng. “Anh ấy vừa rời quê nhà để bay sang Hàn Quốc được hơn một tháng. Đây là chuyến đi biển đầu tiên của anh nhưng nào ngờ…”, chị Hoa nói trong tiếng nấc nghẹn.

Trước khi sang Hàn Quốc làm việc, ở quê anh Dám theo thuyền đi nghề biển cùng với người cha của mình. Mấy năm qua, nghề biển bấp bênh, không có thu nhập, đầu năm 2022, anh bàn với gia đình sang Hàn Quốc làm việc. Vợ chồng anh Dám đã vay mượn gần 500 triệu đồng từ người thân, bạn bè, cầm cố sổ ngân hàng để có chi phí đi xuất khẩu lao động theo ngành nghề thuyền viên tàu cá gần bờ. Cuối tháng 12/2022, anh Dám nhập cảnh qua Hàn Quốc, thế nhưng, ước mơ “đổi đời” nơi xứ người chưa thành thì ở quê nhà nhận tin dữ.

Theo chị Hoa, đây là chuyến tàu đầu tiên sau hơn 1 tháng anh Dám qua Hàn Quốc làm việc. Những cuộc gọi điện về gần đây nhất chồng chị luôn động viên vợ con cố gắng và cho biết bản thân vẫn khoẻ mạnh. Nhưng năm ngày trước, chị bất ngờ nhận tin dữ từ cơ quan chức năng báo về. “Họ nói anh Dám cùng một số người khác đang mất tích khi tàu đánh cá chìm trên biển. Giờ chỉ mong chờ tin anh đang bình an”, chị Hoa nói.

Ngoài gia đình anh Dám, người thân của thuyền viên Nguyễn Văn Đạo (35 tuổi, quê tại xã Nam Phúc Thắng, huyện Cẩm Xuyên) cũng đang mong ngóng chờ “phép màu” khi con, em họ cũng là nạn nhân trong vụ chìm tàu ngoài khơi ở huyện Sinan, tỉnh Jeonnam, Hàn Quốc. Từ hôm hay tin, ngày nào người thân, bà con lối xóm cũng túc trực ở gia đình anh Đạo để ngóng tin.

Ngồi bần thần trong nhà, đôi mắt chị Nguyễn Thị Tuế (chị gái của anh Đạo) đỏ hoen, thi thoảng chị đến trước bàn thờ tổ tiên thắp nén hương cầu mong em trai mình vẫn bình an. “Dù biết cơ hội sống sót rất mong manh nhưng mong rằng sẽ có một phép màu để em trai bình an trở về”, chị Tuế nói.

Cũng như thuyền viên Dám, anh Đạo vừa qua Hàn Quốc được hơn một tháng nay. Từ khi sang Hàn Quốc, ngày nào anh Đạo cũng gọi điện về nhà nói chuyện với vợ con. Tuy nhiên, đến sáng 5/2 gia đình nhận được thông tin về con tàu anh Đạo làm việc gặp nạn. “Lúc đầu nhận được tin từ Cty quản lý ở bên Hàn Quốc báo thuyền gặp nạn, gia đình vẫn nghĩ không vấn đề gì lớn. Nhưng sau đó phía Cty xuất khẩu lao động gọi điện nói em trai tôi mất tích trên biển, lúc ấy gia đình suy sụp hẳn”, chị Tuế nghẹn ngào. Theo chị Tuế, gia đình nhận được tin còn 4 người chưa được tìm thấy, trong đó có 2 người Việt Nam là Đạo và anh Dám.

Thăm hỏi, động viên kịp thời

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nhận được thông tin về trường hợp lao động mất tích trong vụ chìm tàu ở Hàn Quốc, địa phương đang phối hợp với gia đình, cơ quan chức năng hỗ trợ người thân làm các thủ tục cần thiết. “Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã đến động viên thăm hỏi gia đình. Giờ địa phương cũng như người thân ở quê nhà đang chờ mong thông tin chính thức từ Hàn Quốc thông báo về”, ông Tuấn cho biết.

Đêm 4/2, phía Hàn Quốc thông báo một tàu đánh cá nước này đã bị chìm ngoài khơi huyện Sinan, tỉnh Jeonnam, Hàn Quốc, khiến 9/12 thuyền viên mất tích, trong đó có 2 công dân Việt Nam.

Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Xuyên cho hay, đơn vị đã nắm được thông tin sự việc. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ phối hợp, đồng hành với các gia đình trong các hồ sơ thủ tục. “Sau khi nắm bắt được thông tin, đơn vị phối hợp với các xã đến thăm hỏi, động viên gia đình. Dù đang chờ đợi thông tin từ phía Hàn Quốc, nhưng trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi cũng sẽ giúp đỡ các gia đình về thủ tục đưa các thi thể về quê”, lãnh đạo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Xuyên cho biết.

MỚI - NÓNG
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
TPO - Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo đảm các chế độ chính sách, mức hỗ trợ thường xuyên và bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Xem đây là lực lượng “đồng hành”; là “tai, mắt”; là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân.