Thuyền giấy, xe tải và đám cưới người hàng xóm

Thuyền giấy, xe tải và đám cưới người hàng xóm
TP - Anh là hàng xóm của em. Hai nhà chỉ cách nhau cái ao rộng, đứng từ bên này có thể nhìn thấy được nhà bên kia. Anh hơn em 6 tuổi. Ngày em còn bé anh thường bảo em: “Bé ơi lớn nhanh anh chờ nhé!”.
Thuyền giấy, xe tải và đám cưới người hàng xóm ảnh 1
Ảnh minh họa

Em xịu mặt: “Ai thèm yêu anh, già ơi là già!”. Nói vậy chứ thực ra em quý anh lắm và em luôn mong ước có người anh trai như anh. Em thích nhất là những buổi chiều anh đi học về, em thường đòi anh gấp cho em những con thuyền giấy để thả xuống ao.

Anh biết gấp rất nhiều loại thuyền, từ những chiếc thuyền thúng nhỏ xinh đến cả những con thuyền có cánh buồm hẳn hoi. Nhìn những con thuyền giấy lênh đênh trên mặt ao em thường bảo anh sau này nhất định em sẽ trở thành nữ thủy thủ, sẽ đi thám hiểm các đại dương trên những con tàu khổng lồ thật chứ không phải những chiếc thuyền giấy bé thế này đâu!

Anh cốc đầu em: “Không thích làm cô giáo mà lại thích làm thủy thủ cơ à? Sau này anh sẽ trở thành chàng thủy thủ tài ba và anh sẽ mua một con thuyền thật lớn rồi chúng mình cùng đi khắp các đại dương nhé!?”. Em gật gật đầu: “Vâng, sau này anh dạy em lái tàu nữa nhé!”. “Nhất định là thế rồi”- Anh nghéo tay em.

Hè năm lớp 6 của em cũng là lúc anh bước vào kỳ thi đại học. Năm ấy vì thiếu một chút may mắn nên giấc mơ trở thành thủy thủ của anh đã không thành hiện thực. Gác lại giấc mơ còn dang dở, anh đăng ký học lái xe tại một trường trung cấp ngay ở tỉnh nhà.

Anh muốn nhanh ra trường và có việc làm để đỡ đần cho bố mẹ vì anh là con cả trong một gia đình rất đông anh em. Gặp em anh hỏi, nếu anh không trở thành thủy thủ thì em có buồn không. Lúc ấy em cứ nghĩ chắc là anh không thích, em ngây thơ hỏi lại: “Thế anh không thích trở thành thủy thủ nữa à?”

Anh nhìn em với vẻ mặt buồn rầu: “Anh xin lỗi bé nha, tại anh học không tốt nên mới thi trượt! Nhưng anh học lái xe sau này cũng có thể đưa em di khắp mọi nơi được mà, nếu em thích đi biển anh cũng sẽ đưa em đi, được không?”.

Em đáp lại bằng giọng giận rỗi: “Em thích anh trở thành thủy thủ cơ, em không thích đi ô tô đâu”. Nói rồi em chạy vụt vào nhà, không thèm quan tâm đến tiếng gọi với theo của anh. Lúc ấy em thấy anh thật đáng ghét!

Anh học gần nên cũng thường xuyên về thăm nhà. Lần nào về anh cũng mua quà cho em, lúc thì gói kẹo, khi thì gói ô mai... không biết có phải tại anh hay cho quà không mà cứ mỗi dịp cuối tuần em lại háo hức chờ để được gặp anh.

Mỗi lần gặp em anh lại trêu: “Bé càng lớn càng xinh đấy, lớn nhanh lên anh chờ nhé!”. Lúc ấy em vừa vui vừa thẹn: “Còn lâu, em ghét lái xe lắm, lúc nào cũng toàn mùi xăng!”. Sang nhà anh chơi, bố mẹ anh cũng hay đùa: “Sau này làm con dâu bác nhé!”. Anh còn phụ thêm: “Chắc chắn là thế rồi”.

Rồi anh ra trường đi làm, bố mẹ gom góp và vay mượn thêm mua cho anh một chiếc xe tải nhỏ để anh đi chở vật liệu xây dựng. Công việc bận bịu nên anh thường đi từ sáng đến tối, em cũng ít có cơ hội gặp anh.

Em đã bước vào năm học cuối cấp 2. Mẹ thường nhắc nhở khi thấy em ngồi vẩn vơ bên bàn học. Hình như em bắt đầu thấy nhớ anh, em hay nghĩ về anh! Đã thành thói quen, tối nào em cũng chờ để được nghe tiếng xe của anh về qua cổng, nhiều hôm em ngủ quên bên bàn học vì chờ âm thanh quen thuộc ấy.

Thỉnh thoảng có hôm không phải đi làm anh lại sang nhà em chơi, giúp đỡ bố mẹ em việc này việc kia! Bố mẹ em cũng có vẻ quý anh vì anh hiền lành, chịu khó và rất ngoan nữa. Mẹ hay đùa: “Mày có lấy con gái bác không, sau này bác gả cho!”. Anh liếc nhìn em cười tủm tỉm: “Cháu chỉ sợ em chê cháu già thôi bác ạ!”. Em đỏ mặt: “Em có bảo thế bao giờ đâu!”.

Trưa hôm ấy em vừa đi học về thì thấy mẹ từ bên nhà anh về đến cổng, lại còn nghe thấy cả tiếng khóc, cãi cọ từ bên nhà anh. Em lo lắng hỏi: “Mẹ ơi bên nhà bác Minh có chuyện gì thế?”. “Rõ khổ, sáng nay có một con bé bụng chửa vượt mặt và bố nó đến nhà bắt đền, bảo đó là của thằng Thắng. Nghe đâu con bé ấy là con ông chủ cửa hàng vật liệu xây dựng mà thằng Thắng hay đến chở hàng”- Mẹ thở dài.

Trái tim non nớt của em như bị ai xé tan thành từng mảnh. Em lắp bắp hỏi lại mẹ: “Thật thế hả mẹ?”. Mẹ chép miệng: “Mẹ cũng không biết, thằng bé ngoan ngoãn thế cơ mà!”. Em luôn cầu mong đó không phải là sự thật. Vậy mà một tuần sau anh đã cưới người con gái ấy!

Lớn em mới hiểu, chuyện đám cưới của anh có nhiều điều mà khi đó em không hiểu được. Đó là chuyện của người lớn, chuyện của số phận... Em vẫn luôn tin anh chưa bao giờ nói dối trong câu chuyện của tuổi thơ em.

Giờ em đã là sinh viên đại học và câu chuyện tuổi thơ với những con thuyền giấy và giấc mơ thủy thủ vẫn hiện về cùng hình ảnh anh hiền lành bên bờ ao.

Ngọc Lê
(Đại học Bách khoa Hà Nội)

MỚI - NÓNG