Thủy điện xả nước khiến đất lở đến tận vách nhà dân. Ảnh: V.H. |
Suối Cát vốn chỉ rộng chưa đầy 10m, nay bị phá rộng tới gần 100m do thủy điện An Khê-Ka Nak xả nước làm biến đổi dòng chảy.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng thôn Trung Sơn 2, xã Tây Thuận, cho biết: “Cả 300 hộ dân trong thôn đều bị ảnh hưởng bởi suối Cát lớn lên thành sông. Người dân mất đất, cuộc sống bị đảo lộn, việc học hành của con em sống bên kia suối bị ảnh hưởng trực tiếp mỗi khi nước dâng”.
Ông Phạm Đình Binh (50 tuổi, ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang) nói: “Chúng tôi đang rất bất an vì nhà cửa sắp bị cuốn trôi, nước nguồn đã mấp mé bên vách rồi. Không nên nghĩ nước về vào mùa khô là có lợi cho dân; chính quyền nên về đây để tận mắt chứng kiến. Mùa khô đã thế, mùa mưa lụt thì còn đến đâu?”.
Ông Nguyễn Xuân Thanh ở xã Tây Giang nói: Nhà ông cũng sắp đổ xuống sông, trong khi gần 10 nhà dân ở xóm 1, thôn Thượng Giang 1 đang đối mặt nguy cơ mất đất ở. Theo ông Thanh, hồi tháng 9-2011, nước phá kè tạm, cuốn trôi nhà bếp, hầm biogas, lò nấu rượu… của nhiều gia đình sống ven suối.
Lãnh đạo nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak đã bồi thường cho dân về phần đất hoa màu sạt lở và dùng cọc tre, bao tải cát để kè những nơi bị xói lở. Tuy nhiên, theo các hộ dân, do nền đất sát mé sông là đất cát nên việc đóng cọc tre, kè bờ bằng bao tải cát không hiệu quả.
Sau vài tháng, những đoạn kè này lại bị cuốn trôi. Lãnh đạo nhà máy tài trợ một con đò ngang miễn phí cho các hộ dân, nhưng không ai dám đi. Theo người dân, do nước chảy quá mạnh nên đò ngang hay bị lật giữa dòng.
Người phát ngôn Văn phòng UBND huyện Tây Sơn, ông Nguyễn Chí Hoàng, nói: “Thủy điện An Khê-Ka Nak xả nước xuống suối Cát gây sạt lở 13 điểm, nhưng mới đền bù thiệt hại được 6 điểm. Tại kỳ họp HĐND vừa qua, phía thủy điện cam kết sẽ xây một cây cầu bê tông bắc qua suối Cát, và đền bù khoản còn lại, cũng như xây kè kiên cố chống sạt lở... Nếu thủy điện không làm như đã hứa, chúng tôi sẽ có biện pháp cứng rắn”.