Thuỵ Điển tuyên bố không gửi máy bay chiến đấu tối tân cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pol Jonson cho biết Stockholm không có ý định cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu tối tân Saab JAS 39 Gripen. Kiev trước đó nói rằng họ muốn nhận máy bay hiện đại từ các nước phương Tây, trong đó có Thuỵ Điển.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Aleksey Reznikov ở Odessa, ông Jonson được yêu cầu bình luận về việc liệu máy bay Gripen có thể được Kiev sử dụng để đối phó với Mátxcơva hay không.

“Hiện chúng tôi chưa có kế hoạch chuyển máy bay Gripen cho Ukraine. Tôi muốn làm rõ điều đó, nhưng tôi nghĩ đó là một chiếc máy bay rất tốt”, Bộ trưởng Johnson nói, nhắc lại rằng một số nước Liên minh châu Âu (EU) đang khai thác loại máy bay này.

Thuỵ Điển tuyên bố không gửi máy bay chiến đấu tối tân cho Ukraine ảnh 1

Máy bay Saab JAS 39 Gripen. Ảnh: Không quân Mỹ

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov không đưa ra bất kỳ bình luận nào để đáp trả, nhưng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 với Politico, ông bày tỏ hy vọng rằng Kiev cuối cùng sẽ có được khí tài quân sự tối tân của phương Tây. “Tôi chắc chắn rằng việc chuyển giao các máy bay chiến đấu như F-16, F-15 hoặc Gripen từ Thụy Điển cũng sẽ khả thi,” ông nói vào thời điểm đó.

Hồi cuối tháng 11, nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson đã viết trên Twitter rằng nếu “Ukraine muốn mua JAS Gripen, chúng ta nên đồng ý, điều đó không quá khó”.

Tuy nhiên, các quy định của chính phủ Thụy Điển về xuất khẩu vũ khí nêu rõ rằng vũ khí - về nguyên tắc không nên được gửi đến “một quốc gia có xung đột vũ trang với một quốc gia khác”.

Quy định cũng nhấn mạnh rằng việc xuất khẩu vũ khí có thể được cho phép nếu có lý do chính đáng về chính sách an ninh hoặc quốc phòng, và việc này phải không mâu thuẫn với chính sách đối ngoại của Thụy Điển.

Trong khi Stockholm "bắn" tín hiệu rằng việc giao máy bay Gripen cho Ukraine sẽ không thành hiện thực, thì vào giữa tháng 11, chính phủ Thụy Điển đã công bố gói hỗ trợ “lớn nhất từ trước đến nay” dành cho Kiev trị giá 3 tỷ SEK (290 triệu đô la). Gói này bao gồm các hệ thống phòng không, xe địa hình hạng nhẹ, thiết bị giữ ấm, thiết bị bảo hộ và các phương tiện hỗ trợ khác.

Sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, Thuỵ Điển cùng nước láng giềng Bắc Âu Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phá vỡ chính sách trung lập kéo dài hàng thập kỷ.

Mátxcơva từng nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này sẽ chỉ làm kéo dài cuộc xung đột.

Theo RT
MỚI - NÓNG