Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thụy Điển chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Washington vào ngày 7/3, hãng tin Reuters cho biết.
Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ảnh 1

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đang có mặt tại Washington để chuyển những tài liệu cuối cùng, theo Nhà Trắng. "Việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO sẽ khiến Mỹ và các đồng minh trở nên an toàn hơn nữa", tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.

Thủ tướng Kristersson cho biết Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thông báo với ông Thụy Điển chính thức được mời gia nhập khối sau khi tất cả các quốc gia thành viên đồng ý. "Thụy Điển sẽ sớm trở thành thành viên thứ 32 của NATO", ông Kristersson viết trên X.

Chính phủ Thụy Điển tuyên bố đưa ra quyết định chính thức để nước này gia nhập NATO vào thứ Năm (7/3).

Đối với NATO, việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan - quốc gia có đường biên giới 1.340 km với Nga - là sự mở rộng đáng kể nhất trong nhiều thập kỷ.

Thụy Điển sẽ giúp bổ sung các tàu ngầm tiên tiến và phi đội máy bay chiến đấu Gripen khá lớn cho lực lượng NATO, và sẽ là một mắt xích quan trọng giữa Đại Tây Dương - Baltic.

Thụy Điển cũng sẽ được hưởng lợi từ điều khoản phòng thủ chung của liên minh, theo đó cuộc tấn công vào một nước thành viên sẽ kích hoạt hành động đáp trả của cả khối.

"Chúng ta phải đối mặt với thế giới vì đôi khi nó không như chúng ta mong muốn", Thủ tướng Kristersson nói sau khi Hungary trở thành thành viên NATO cuối cùng phê chuẩn việc gia nhập của Thụy Điển vào tuần trước.

Nga cảnh báo sẽ thực hiện "các biện pháp về chính trị và quân sự - kỹ thuật" để đáp trả động thái của Thụy Điển.

Dù nộp đơn gia nhập cùng lúc, nhưng Phần Lan đã trở thành thành viên NATO vào năm ngoái. Trong khi Thụy Điển vẫn phải chờ đợi vì Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary - hai quốc gia đều duy trì mối quan hệ đẹp với Nga - đã trì hoãn việc phê chuẩn đơn gia nhập của Thụy ĐIển.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận đơn đăng ký của Thụy Điển vào tháng 1. Còn Hungary đã trì hoãn động thái này cho đến khi Thủ tướng Kristersson có chuyến thăm thiện chí tới Budapest vào ngày 23/2, trong đó hai nước đạt được một thỏa thuận về máy bay chiến đấu.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG